Doanh nghiệp nhỏ có đến 10 năm 'đứng yên'
Đánh giá về thực trạng kinh tế và cấu trúc doanh nghiệp (DN) Việt Nam, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng: Cấu trúc về sở hữu nền kinh tế Việt Nam rất manh mún và hầu như không có sự thay đổi nào đáng kể; các DN nhỏ và vừa vẫn không thể phát triển, không hề thay đổi về giá trị gia tăng và tăng trưởng trong suốt 10 năm qua.
Các DN nhỏ và vừa vẫn không thể phát triển; tỷ trọng giá trị gia tăng của khu vực này trong GDP rất thấp và không hề thay đổi trong suốt từ 10 năm qua. |
Trong phân tích về cấu trúc kinh tế Việt Nam mới đây, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, trong giai đoạn 2005 - 2015, tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam đạt 6%, đây là mức tăng trưởng tương đối cao so với các nước trong khu vực.
Doanh nghiệp nhỏ không phát triển
Tuy nhiên, theo chuyên gia Bùi Trinh: Nhìn sâu vào cấu trúc sở hữu GDP, đóng góp vào GDP cơ bản do khu vực cá thể, trong suốt 10 năm từ 2005 - 2015 tỷ lệ giá trị gia tăng của khu vực này luôn ổn định ở mức trên 31% trong GDP.
Theo nghiên cứu và phân tích của ông Trinh, cấu trúc nền kinh tế Việt Nam đang rất manh mún và hầu như không có sự thay đổi cấu trúc nào đáng kể. Các DN nhỏ và vừa vẫn không thể phát triển, không hề thay đổi về giá trị gia tăng và tăng trưởng trong suốt từ 10 năm (2005 – 2015).
Điều này lý giải khi số lượng DN trong nước tăng lên hay mất đi chỉ là về số lượng còn giá trị dường như không thay đổi và tăng trưởng GDP chỉ là tăng trưởng về bề nổi. Về cơ cấu ngành, ông Trinh cho biết: Giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp và công nghiệp đều sụt giảm trong giai đoạn từ năm 2007-2015.
Nhóm ngành công nghiệp giảm từ 34,7% (năm 2007) xuống chỉ còn 21,7% (năm 2015), cho thấy phần giá trị gia tăng của nền kinh tế nhận ngày càng nhỏ đi. Điều này cũng minh chứng tình hình sản xuất công nghiệp Việt Nam ngày càng mang nặng tính gia công, lắp ráp một cách toàn diện. Nhóm ngành nông nghiệp, dù tỷ lệ này không giảm mạnh nhưng cũng có xu hướng giảm, từ 68% (năm 2007) xuống 63% (năm 2015).
Ông Trinh khẳng định: Với cấu trúc ngành như vậy cho thấy hiệu quả sản xuất của các ngành sản xuất vật chất của Việt Nam ngày càng kém, sản xuất dù nhiều, xuất khẩu dù nhiều nhưng phần Việt Nam nhận được ngày càng ít.
"Sự hứng thú với công nghiệp hóa như vẫn đang hiểu có thể là không hiệu quả mà chỉ làm đất đai bị sử dụng không hiệu quả, tài nguyên mất đi và môi trường bị hủy hoại", vị chuyên gia cho hay.
FDI đóng góp không tương xứng
Tính toán từ mô hình cân bằng tổng thể trong các giai đoạn, ông Trinh cho rằng: Trong 10 năm, xuất khẩu tuy làm tăng sản xuất khoảng 12% nhưng lan tỏa đến giá trị gia tăng vào GDP lại giảm (âm 13.3%) và lo ngại hơn nó là lan tỏa đến nhập khẩu tăng rất mạnh (52%).
"Điều này khẳng định xuất khẩu ở thời điểm hiện nay cơ bản là xuất khẩu sản phẩm thô, tài nguyên và sản phẩm gia công mà còn gây nên nhập siêu mạnh. Xét trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, nền kinh tế Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu cao", ông Trinh phân tích.
Theo ông Trinh, đỉnh điểm là năm 2008, tổng mức nhập siêu hàng hóa là trên 18 tỷ USD, các loại hàng hóa nhập khẩu cho khu vực FDI hầu hết máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu… Nhưng mặt hàng xuất khẩu lại mang nặng tính lắp ráp gia công, hàm lượng giá trị gia tăng thấp, hiệu quả kinh tế không cao.
Từ năm 2000 đến 2015, FDI luôn xuất siêu và khu vực kinh tế trong nước luôn nhập siêu. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI tăng lên nhanh chóng từ 57% tăng lên 67%. Nhưng tỷ trọng đóng góp về giá trị gia tăng trong GDP của FDI trong 10 năm chỉ tăng 3%.
“Việc tăng xuất khẩu mà không tăng giá trị gia tăng trong nền kinh tế, chứng tỏ khu vực FDI đóng góp không tương xứng vào nền kinh tế và cũng cho thấy họ đang gặp khó khăn”, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhận định.
Theo dantri.vn
TIN LIÊN QUAN |
---|