Những ca khúc xúc động về Ngày Thương binh, Liệt sỹ

27/07/2017 07:25

(Baonghean.vn) - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017), cùng nghe lại những ca khúc bất hủ đi cùng năm tháng được các nhạc sỹ nổi tiếng viết về những người chiến sỹ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc và những cựu chiến binh vẫn giữ tinh thần người lính trong thời bình.

1. Màu hoa đỏ

Cố nhạc sỹ Thuận Yến đã phổ nhạc cho ca khúc này dựa trên bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. “Màu hoa đỏ” chính là sự quật cường của dân tộc Việt Nam cùng chung tay để chiến đấu lại với kẻ thù xâm lược.

Bài hát mang một điệu trữ tình lẫn bi tráng, tạo cảm xúc mạnh với người nghe. Và đặc biệt, khi nghe “Màu hoa đỏ”, mỗi người con đất Việt lại cảm thấy niềm tự hào dân tộc trong từng hơi thở.

Mặc dù ca khúc ra đời trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến đế quốc Mỹ, nhưng bài hát đã mang lại một niềm tin tất thắng của cả dân tộc. “Màu hoa đỏ” chính là vầng hào quang chiến thắng mà tác giả đã mường tượng ra.

Và điều đó đã thành sự thật, ngày 30/4/1975, miền Nam đã được giải phóng, non sông gấm vóc 3 miền nối liền một dải.

2. Cỏ non thành cổ

“Cỏ non thành cổ” là sáng tác của nhạc sỹ Tân Huyền vào đầu năm 1990. Ca khúc này được ông viết trong chuyến đi thực tế đến Quảng Trị để lấy tư liệu viết về đề tài chiến tranh. Khi đứng trên mảnh đất mà nhiều chiến sỹ của ta đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, nhạc sỹ Tân Huyền ngước lên nhìn bầu trời vào xuân và như muốn thu hết vào tầm mắt mình khoảng trời trong xanh vời vợi ấy.

Ca khúc chính là bản trường ca tái hiện lại thời kỳ chiến đấu hào hùng của cha ông trong công cuộc giành lại độc lập, tự do. Ca khúc được nhạc sỹ Tân Huyền hoàn thành trong vòng 1 tuần, và khi ông hát bài hát này, những người có mặt đều rưng rưng nước mắt.

3. Bài ca không quên

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn – tác giả của ca khúc “Bài ca không quên” là một người lính. Ông đã trải qua 15 năm nơi chiến trường khắc nghiệt, tận mắt chứng kiến những gian khổ của người lính Việt Nam, tận mắt nhìn thấy và đào huyệt chôn những đồng đội đã anh dũng ngã xuống vì đất nước và đau đớn hơn, chính đôi tay ấy đã phải tự chôn đứa con 4 tháng tuổi của chính mình vì chiến tranh.

Mặc dù có rất nhiều nghệ sỹ đã thể hiện bài hát “Bài ca không quên” nhưng có lẽ, nữ ca sỹ Cẩm Vân là người hát thành công ca khúc này nhất. Nữ danh ca kể lại rằng rất nhiều người đã khóc khi nghe cô hát và bản thân cô cũng rất nhiều lần không cầm được nước mắt.

4. Vết chân tròn trên cát

“Vết chân tròn trên cát” là một ca khúc viết về những người cựu chiến binh được đông đảo công chúng yêu thích. Đây là sáng tác của nhạc sỹ Trần Tiến, viết về hành trình ngày trở về của người lính sau chiến tranh. Mặc dù mang trong mình vết thương từ cuộc chiến khốc liệt, nhưng anh vẫn cố gắng cùng đôi nạng gỗ hàng ngày đến trường làng để dạy cho các em thơ về những bài hát của quê hương.

Ca khúc được viết dựa trên câu chuyện có thật về anh thương binh ở làng chài Tiền Hải (Thái Bình).

5. Huyền thoại mẹ

“Huyền thoại mẹ” là ca khúc kinh điển của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn viết về những người mẹ Việt Nam anh hùng. Ca khúc được cố nhạc sỹ sáng tác khi thăm nhà bảo tàng ở Quảng Bình vào đầu năm 1984.

Khi nhìn thấy bức ảnh chụp mẹ Suốt – người từng kiên cường chèo chiếc đò ngang dưới mưa bom bão đạn, đưa bộ đội qua sông trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, cố nhạc sỹ đã không kìm được sự xúc động. Chính điều đó đã thúc đẩy nhạc sỹ Trịnh Công Sơn sáng tác ca khúc “Huyền thoại mẹ” với tấm lòng thành kính về những hy sinh thầm lặng của những người mẹ Việt Nam trong thời chiến.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN