24 người nghi 'dính' HIV sau khi cấp cứu 1 nạn nhân tai nạn

02/07/2017 15:47

Do chưa biết 1 nạn nhân trong vụ tai xe khách nghiêm trọng nhiễm HIV, nên trong quá trình cấp cứu, vận chuyển, đã có 17 y bác sĩ và 7 người dân nghi bị phơi nhiễm HIV.

Chiều 2/7, ông Đào Duy Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum xác nhận: "Trong vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa 2 xe khách xảy ra trên đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn tỉnh Kon Tum ngày 30/6, đã có 17 nhân viên y tế và 7 người dân nghi ngờ bị phơi nhiễm HIV trong quá trình cấp cứu, vận chuyển một nạn nhân nhiễm HIV (đã tử vong) về Trung tâm Y tế huyện Đắk Hà".

Hiện trường vụ tai nạn.
Hiện trường vụ tai nạn.

Trước đó, các y, bác sĩ và người dân tham gia cấp cứu, vận chuyển, không hề biết nạn nhân này bị nhiễm HIV. Chỉ đến khi đưa nạn nhân về đến Phòng Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Đắk Hà và chuẩn bị đưa xuống nhà xác thì nhân viên y tế mới kiểm tra giấy tờ tùy thân và vô tình phát hiện thấy đơn thuốc bệnh nhân điều trị HIV tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.

"Sau khi nhận thông tin trên, từ trưa ngày 1/7, tôi đã chỉ đạo Trung tâm phòng chống HIV và Trung tâm huyện Đắk Hà thống kê danh sách những người nghi phơi nhiễm để cấp thuốc, áp dụng các biện pháp dự phòng theo quy định. Tuy nhiên, do sự phối hợp giữa 2 đơn vị này chưa chặt chẽ, ban đầu Trung tâm Y tế huyện Đắk Hà chỉ thống kê và báo cáo 17 nhân viên y tế; nên sau khi có ý kiến phản hồi của người dân, chúng tôi đã chỉ đạo bổ sung ngay việc cấp thuốc ARV điều trị phơi nhiễm HIV miễn phí cho 7 người dân nghi phơi nhiễm còn lại", ông Đào Duy Khánh khẳng định.

Chiều 2/7, đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương liên hệ với Sở Y tế tỉnh Kon Tum để hướng dẫn địa phương tiến hành tư vấn, sàng lọc và cấp thuốc ARV điều trị phơi nhiễm HIV (miễn phí) ngay cho những người có liên quan đến ca cấp cứu người nhiễm HIV theo quy định.

Đồng thời, hướng dẫn địa phương trong việc tiệt trùng, xử lý, mai táng người nhiễm và các vật dụng liên quan theo quy định. Tổ chức thăm hỏi, động viên những người dân và các cán bộ y tế đã tích cực, dũng cảm tham gia cấp cứu người bị nạn.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Kom Tum cần ngay lập tức báo cáo cụ thể sự việc nêu trên bằng văn bản về Cục phòng chống HIV/AIDS; để sớm cung cấp thông tin chính thức cho các cơ quan thông tin đại chúng.

Theo Cục phòng chống HIV/AIDS, phơi nhiễm với HIV là tình huống rất thường gặp trong đời sống hàng ngày và không phải trường hợp nào người bị phơi nhiễm HIV cũng đồng nghĩa với việc bị nhiễm HIV. Việc lây nhiễm HIV còn tuỳ thuộc vào từng hành vi cụ thể và mức độ nguy cơ của những hành vi đó. Trong trường hợp gặp rủi ro, việc xử lý sau phơi nhiễm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp hạn chế được những nguy cơ lây nhiễm HIV.

Việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm nên được bắt đầu càng sớm càng tốt cho tất cả đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV, tối ưu nhất trong vòng 72 giờ. Sử dụng phác đồ ba thuốc uống hàng ngày và điều trị dự phòng 28 ngày cho tất cả các trường hợp phơi nhiễm có nguy cơ. Ngừng thuốc khi xác định nguồn phơi nhiễm âm tính với HIV.

Người bệnh nghi phơi nhiễm HIV sẽ được theo dõi trong và sau điều trị như theo dõi và xử trí tác dụng phụ của ARV; tư vấn và hỗ trợ tâm lý cũng như xét nghiệm lại HIV sau 3 tháng...

Trong thời gian này, người bị phơi nhiễm cần thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm cho người khác. Sau 6 tháng xét nghiệm HIV mà cho kết quả âm tính, người bị phơi nhiễm có thể yên tâm rằng đã không bị lây nhiễm HIV.

Theo TTXVN

TIN LIÊN QUAN