'Sự kiện Vịnh Bắc Bộ' 5/8/1964-Nóng bỏng bài học 'tạo cớ' gây chiến

05/08/2017 08:18

Cho đến giờ, sự thật về 'sự kiện Vịnh Bắc bộ, Iraq sử hữu vũ khí hóa học' vẫn không được công bố, bởi bằng chứng không bao giờ tìm thấy.

“Sự kiện Vịnh Bắc bộ” cách đây 53 năm, khiến cho cuộc chiến tranh Việt Nam - một trong những cuộc chiến dài ngày, tàn bạo và khốc liệt nhất thời hiện đại, đã bắt đầu bằng sự cố tưởng chừng không đáng kể trong Vịnh Bắc bộ ở Biển Đông ngày 2/8/1964, khiến giới quan sát quốc tế không thể không nhắc lại nhân dịp này.

Từ “sự kiện Vịnh Bắc bộ”...

Với chủ trương chặn “đà lây lan cộng sản”, vào tháng 7/1964, giới cầm quyền Mỹ lo ngại nguy cơ về “sự lây lan phổ biến chủ nghĩa cộng sản” từ Bắc Việt Nam ra khu vực châu Á, Mỹ đã phái các tàu chiến đến Vịnh Bắc Bộ để tuần tra.

Tàu khu trục Maddox của Mỹ khiêu khích ngày 5/8/1964 tại vịnh Bắc bộ (Ảnh tư liệu BTLSQG)
Tàu khu trục Maddox của Mỹ khiêu khích ngày 5/8/1964 tại vịnh Bắc bộ. Ảnh tư liệu BTLSQG

Ngày 2/8, khu trục hạm Maddox tiến hành do thám vô tuyến điện đã thông báo rằng có 3 tàu ngư lôi của Bắc Việt Nam đang tiến lại gần.

Sau đó, đụng độ đã diễn ra, kết quả mà hai bên đều xác nhận, có một chiếc ca nô tuần duyên của Việt Nam đã bị loại khỏi vòng chiến, còn khu trục hạm Mỹ thì chẳng hề xây xước thiệt hại gì, và chính phủ Mỹ quyết định không phản ứng về vụ việc này.

Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày (4/8), Washington lại nhận được thông điệp về một “cuộc tấn công mới” do tàu Bắc Việt Nam thực hiện chống các khu trục hạm Mỹ. Khi đó, không ai trong số các thủy thủ của tàu khu trục xác nhận đã nhìn thấy “kẻ tấn công”. Máy bay cất cánh từ hàng không mẫu hạm cũng không phát hiện thấy bất cứ con tàu hoặc mảnh vỡ nào trong khu vực mà khu trục hạm hiện diện.

Được biết, tình báo Mỹ đã báo cáo về Washington rằng, họ đã chặn bắt thông tin vô tuyến của Hải quân Bắc Việt. Theo đó, các thủy thủ Việt Nam kêu gọi tấn công tàu chiến Mỹ, và đây là chi tiết quan trọng quyết định tất cả. Và ngay hôm sau (5/8), để đáp trả “hành động gây hấn” của Hải quân Việt Nam, máy bay của Hải quân Mỹ đã ném bom và bắn phá các vị trí quân sự và điểm dân cư ven biển miền Bắc Việt Nam.

Đến ngày 7/8, Quốc hội Mỹ đã thông qua nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, với đa số gần tuyệt đối 416 phiếu thuận và 9 phiếu trắng. Theo đó, cho phép sử dụng lực lượng vũ trang để “bảo vệ tự do của quốc gia Đông Nam Á”. Tháng 3/1965, không quân Mỹ bắt đầu ném bom một cách hệ thống xuống miền Bắc Việt Nam, tiếp sau là đổ bộ các đơn vị quân đội Mỹ vào miền Nam Việt Nam.

Trong cuộc chiến tranh này, Mỹ đã huy động hơn 2,7 triệu binh lính, khi kết thúc chiến tranh, nước Mỹ đã tổn thất khoảng 58.000 sinh mạng, và tiêu tốn 111 tỷ USD (thời giá khi đó). Con số thương vong của phía Việt Nam vào khoảng gần 3 triệu người.

Đến trận đầu đánh thắng của Hải quân Việt Nam

Sau khi tạo dựng “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, Không quân Mỹ đã mở màn chiến dịch đánh phá miền Bắc Việt Nam. Ngày 2/8/1964, tàu khu trục USS Maddox, trong khi thực hiện một cuộc tuần tra, đã đụng độ với 3 tàu phóng ngư lôi của Hải quân Bắc Việt Nam, thuộc Đoàn tàu phóng ngư lôi 135.

Trận chiến Hải quân đã xảy ra, tàu Maddox sử dụng hơn 280 đạn pháo 3-inch và 5-inch, cùng 4 máy bay tiêm kích USN F-8 Crusader oanh tạc các tàu phóng ngư lôi của Việt Nam. Một máy bay Mỹ đã bị trúng đạn, tàu khu trục bị 1 vết đạn 14,5mm; 3 tàu ngư lôi của Hải quân Việt Nam bị hư hỏng, 4 thủy thủ hy sinh, 6 người bị thương, phía Mỹ không có thương vong.

Theo giới bình quân sự, mặc dù thua kém về vũ khí trang thiết bị, nhưng các chiến sĩ Hải quân trên phân đội 3 tàu phóng lôi của Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi 1 máy bay của Hải quân Mỹ, đánh bị thương tàu Maddox, buộc tàu Mỹ phải tháo chạy khỏi vùng biển Bắc Việt Nam.

Ngay ngày 5/8, Mỹ điều hàng chục máy bay tiêm kích và cường kích hiện đại, chia làm 3 đợt tấn công cùng một lúc vào các mục tiêu kinh tế, quân sự, và căn cứ hải quân của Việt Nam từ Quảng Bình, đến Nghệ An, Thanh Hóa và Quảng Ninh.

Chiến dịch này đã mở màn cho cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ bằng không quân và hải quân quy mô lớn đối với miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, với chiến dịch “Mũi tên xuyên” tham vọng to lớn của Mỹ đã bị thất bại ngay từ trận đánh đầu tiên. Hải quân Nhân dân Việt Nam chẳng những không bị tiêu diệt trong một trận đánh, mà còn giáng cho Không quân Mỹ những đòn nặng nề.

Chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam ngày 2 và 5/8/1964, có ý nghĩa lịch sử to lớn, mở đầu trang sử hào hùng của Quân chủng Hải quân Việt Nam. Đây là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần toàn dân tộc, là ý chí quyết tâm dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng quân xâm lược; là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất, của trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam, được kế thừa và phát triển trong thời đại mới – Thời đại Hồ Chí Minh.

Bài học “tạo cớ” gây chiến vẫn còn đó…

Theo một tài liệu đã được giải mật, cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đăng trên trang web một tài liệu liên quan đến “sự kiện Vịnh Bắc bộ” - Công trình nghiên cứu do nhà sử học quân sự Mỹ Robert J. Hanyok viết dành riêng cho National Security Agency —NSA năm 2001, ông khẳng định rằng: “Mỹ đã bắt đầu cuộc chiến tranh tại Việt Nam trên cơ sở những sự kiện bị bóp méo”.

Hanyok đã chứng minh và kết luận rằng, các tàu chiến Bắc Việt không tấn công tàu Mỹ 2 lần - nói đúng ra thì chỉ có 1 cuộc tấn công vào ngày 2/8/1964. Còn về “cuộc tấn công” ngày 4/8/1964 thực tế là đã không hề xảy ra. Hanyok dẫn lời nhân chứng của phi công lái máy bay quân sự James Stockdale, người đã ở trên không chính vào thời điểm cáo buộc xảy ra tấn công và anh ta không hề thấy bất cứ “cuộc tấn công” nào của Việt Nam.

Ông Hanyok nói: “Các nhà quân sự của chúng tôi (tức Mỹ) sợ phải tuyên bố với ban lãnh đạo dân sự rằng phương pháp chiến tranh như vậy sẽ dẫn đến thua cuộc chắc chắn”. Đó là suy nghĩ của chính khách Mỹ Colin Powell là đại úy phục vụ tại miền Nam Việt Nam vào thời gian đó.

Sau gần 40 năm (2004), khi ông Powell trở thành tướng bốn sao nghỉ hưu giữ chức Ngoại trưởng Mỹ, ông đã làm rung động các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ khi giơ ra một ống nghiệm và lời cáo buộc đó là “vũ khí hóa học của Saddam Hussein”. Cái cớ tạo ra để khởi đầu cuộc xâm lược quy mô lớn vào Iraq.

Thực tế cuộc hủy diệt quốc gia này đã sản sinh ra hoạt tính khiến xuất hiện Hồi giáo cực đoan và IS, và cuộc chiến lan rộng sang các nước khác trong khu vực như Libya, Syria và đến tận một số nước hiện nay… đến mức, ông Trump khi tranh cử đã nói thẳng rằng: Tổng thống Obama và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton là những người đồng sáng lập ra IS, khiến dư luận phải suy ngẫm.

Thật vậy, cho đến nay, đã quá thời hạn giải mật (30 năm) mà sự thật về “sự kiện Vịnh Bắc bộ, Iraq sử hữu vũ khí hóa học” vẫn không được công bố, bởi vì bằng chứng không bao giờ tìm thấy, còn hậu quả của sự tạo cớ để gây chiến tranh xâm lược với nỗi đau khổ của hàng triệu con người vô tội thì vẫn kéo dài hiện không rõ hồi kết.

Bài học lịch sử về “tạo cớ” nêu trên, khiến dư luận không khỏi suy tư về con số đồng thuận hiếm hoi (Hạ viện: 419/3 và Thượng viện: 98/2) tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ vừa qua về lệnh trừng phạt Nga, Iran và Triều Tiên, nhất là bằng chứng về việc LB Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 tại Mỹ./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN