Bi thương vụ thảm sát khiến 27 người hy sinh trên cổng trời
(Baonghean.vn) - Bức sơ đồ mộ chí của các đồng đội luôn được ông Lê Văn Toản giữ suốt 53 năm qua. Đó là kỷ vật duy nhất còn lại sau trận tập kích mà phỉ Châu Phà gây ra hồi 1964.
Mường Lống ngày nay. Ảnh: Sách Nguyễn |
Căn nhà của ông Lê Văn Toản, một trong những công nhân của Trại ươm cây giống bị tập kích lọt thỏm trong một con ngõ nhỏ ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn. Lối vào nhà khiến người ta dễ liên tưởng đến những ngõ hẻm mờ tối ở vùng đô thị chật hẹp.
Một kỷ vật ông lão 77 tuổi luôn cất giữ suốt hơn nửa thế kỷ qua là mảnh giấy ố vàng ghi lại sơ đồ các ngôi mộ của các đồng đội ông, những người đã hy sinh trong trận toán phỉ tập kích ở Mường Lống vào năm 1964.
Sơ đồ ghi vị trí của 27 ngôi mộ mà chính ông tự tay vẽ nên sau khi chôn cất các đồng đội mình. Toán phỉ khét tiếng hoạt động quấy nhiễu ở Mường Lống, Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn) từ năm 1962 - 1966. Đứng đầu là tướng phỉ người Mông Giá Xia Súa tự xưng là Châu Phà (vua trời).
Ông Lê Văn Toản, một trong những người công nhân tham gia trận chống phỉ tập kích năm 1964. Ảnh: Hữu Vi |
Ông Toản quê xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Cha mẹ mất sớm, ông có 1 cô em gái, sau đó cô em gái, người thân duy nhất cũng mất. Để quên nỗi buồn đau, ông lang bạt lên miền núi.
Vào năm 1962, Ty Nông nghiệp Nghệ An thành lập Trại ươm cây giống đóng tại xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn), ông đã đăng ký tham gia dù biết rằng vùng đất đứng chân của đơn vị là nơi rừng thiêng nước độc. Những toán phỉ có thể lấy đi mạng sống bất cứ lúc nào.
Nhưng với ông, có được một nơi làm việc, anh em gắn bó như gia đình, ruột thịt thì cũng đáng để một người trẻ mới ngoài tuổi đời 20 như ông dấn thân. Trại do ông Nguyễn Hữu Cương, quê Thanh Phong (Thanh Chương) đứng đầu và một người tên là Cung làm trại phó. Họ đều là cán bộ của Ty Nông nghiệp tỉnh lên phụ trạch trại ươm cây giống.
“Theo quyết định của tỉnh, ngày ấy, trại có nhiệm vụ sản xuất và bảo vệ biên giới. Trại ươm hạt giống bắp cải và su hào. Theo nghiên cứu thì cả nước chỉ có 3 nơi ươm được hạt giống của 2 thứ rau ấy, trong đó có Mường Lống” - ông Lê Văn Toản nói rành rọt từng tiếng một.
Trong điều kiện chiến tranh, trại cũng có một đội dân quân riêng. Cả đội có một khẩu súng xteng. Loại vũ khí cổ lỗ chỉ bắn vài phát nòng súng đã đỏ nòng. 3 khẩu K44 được trang bị thêm cho đội dân quân. Mỗi khẩu súng có 20 viên đạn. Ông Toản được giao một khẩu K44. Đó cũng là thứ giúp ông đẩy lùi được toán phỉ.
Bức sơ đồ ghi lại vị trí mộ phần các chiến sỹ hy sinh được ông Toản cất giữ suốt hơn nửa thế kỷ qua. Ảnh: Hồ Phương |
“Trại hoạt động được năm rưỡi thì xảy ra vụ tập kích. Cái đêm đó đã in đậm trong tâm trí tôi suốt đời. Chỉ sau một đêm, tôi đã mất 27 người đồng đội, trong đó có 20 người là công nhân trại ươm cây giống. 7 người còn lại là bộ đội, dân công và cán bộ y tế” - ông lão tiếp lời.
Lúc đó chẳng ai nghĩ rằng toán phỉ lại dã tâm đến thế. Chúng dường như được huấn luyện bài bản. Chỉ một loạt đạn ban đầu, kíp gác hôm ấy đã hy sinh. Sau loạt đạn đó, cả trại ươm giống hứng chịu những làn đạn như vãi trấu. Một số đông anh em nhảy xuống mương thoát nước tránh đạn lại trúng lựu đạn quân phỉ ném xuống. “Một số đông công nhân hy sinh vì mảnh lựu đạn” - ông Toản gạt nước mắt nói.
Theo lời kể của ông Xồng Gà Vừ, nguyên Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Mường Lống, thời điểm xảy ra tập kích thì lúc xảy ra trận đánh ông Toản kịp cầm khẩu súng K44 và nấp vào bếp lò nấu ăn của đơn vị. Cạnh đó có thêm một tảng đá lớn đã giúp ông chắn đạn. Ông cũng bị 2 phát đạn. Một viên sạt qua mạng sườn làn xước thịt, một viên trúng phần mềm ở đùi. Khi ngớt tiếng súng, ông tự băng bó vết thương và chờ trời sáng.
Đã gần trăm tuổi nhưng ông Xồng Gà Vừ vẫn nhớ rõ từng chi tiết về sự kiện. Ảnh: Hồ Phương |
Khoảng 8 giờ ngày 24/6/1964, sau một loạt tấn công nữa, quân phỉ đang tính tràn vào chiếm đơn vị thi ông phát hiện ra sự xuất hiện của tên tướng phỉ. “Tôi hạ được hắn sau một phát súng” - ông Toản tiếp tục câu chuyện.
Tên tướng ngã, khiến toán phỉ mất tinh thần chiến đấu. Chúng rút lui dần và sau đó bị bộ đội địa phương, công an huuyện đánh bật ra khỏi địa bàn. Hai năm liền sau đó, các lực lượng quân sự trên địa bàn đã tăng cường trấn áp. Đến năm 1966 thì tình hình đã ổn định trở lại. Trại ươm cây giống lại tiếp tục nhiệm vụ cho đến năm 2015 thì chuyển giao cho Công ty cổ phần sữa TH.
Nghĩa trang liệt sỹ công nhân ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, xây dựng năm 2012 sau gần 50 năm xảy ra vụ tập kích khiến 27 người hy sinh. Ảnh: Hữu Vi |
Vì một lý do nào đó, suốt nhiều chục năm sau, người ta dường như quên lãng nỗi đau rất lớn mà trận tập kích gây ra. Cho đến năm 2006, chính quyền địa phương mới vào cuộc tìm hiểu và các chiến sỹ hy sinh trong trận đánh ngày 26/4/1964 được truy tặng liệt sỹ. Năm 2012, Nghĩa trang liệt sỹ công nhân được xây dựng. Khi xây dựng nghĩa trang thì một số hài cốt của các liệt sỹ chủ yếu quê gốc Nam Đàn đã được người thân di dời về quê nhà. Giờ chỉ còn lại 13 ngôi mộ tại nghĩa trang.
Mộ chí của một liệt sỹ tại nghĩa trang. Ảnh: Hữu Vi |
Cặp mắt đã kém, phải cần đến sự hỗ trợ của kính lão và cây đèn học bài của đứa cháu, ông Lê Văn Toản mới nhìn rõ vị trí của từng ngôi mộ trên sơ đồ. Sơ đồ ghi vội vã, chỉ có tên và quê quán, chỉ một số người được ghi họ như các ông bà: Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Nhung, Từ Thị Hiến, Nguyễn Thị Hảo, Nguyễn Văn Sâm. Trong đó ông Sâm và bà Hảo là một đôi vợ chồng bị sát hại trong trận phục kích. Ông Bành Đức Tư là bộ đội quê Nam Sơn (Đô Lương)… Ngoài ra còn những cái tên như: anh Đào, anh Châu, chị Châu, chị Nhì, chị Nghệ… được ghi lại một cách có phần vội vã. Nhưng khi nói về họ, ông Toản nhớ rõ từng gương mặt quê quán. “Chị Nhì, chị Nghệ là cán bộ y tế. Họ đều còn rất trẻ, chưa ai lập gia đình...” - ông Toản nhớ lại.
Ông Toản có lẽ cũng chẳng nghĩ rằng chính những ghi chép cả mình đến một ngày hữu ích đến thế. Nó giúp những gia đình liệt sỹ tìm được người thân đã nằm xuống và hỗ trợ chính quyền trong việc lập hồ sơ truy phong liệt sỹ cho 27 người đã hy sinh trong vụ tập kích./.
Hữu Vi - Hồ Phương
TIN LIÊN QUAN |
---|