Mỹ choáng váng trước sự tăng tốc của vũ khí siêu thanh Nga

23/07/2017 12:29

Bộ Quốc phòng Nga dự kiến trong những năm 2020-2022 sẽ nhận được loạt sản phẩm hàng không và phương tiện chống máy bay, hoạt động ở vận tốc siêu thanh, tức là nhanh hơn tốc độ âm thanh ít nhất 8 lần.

Hãng Sputnik cho biết, hiện Nga tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh phóng từ căn cứ biển Zircon 3M22 mà việc sản xuất hàng loạt dự kiến bắt đầu trong tương lai gần.

Theo các quan chức quốc phòng Mỹ, tên lửa Zircon 3M22 được cho là “bước nhảy vọt lượng tử” trong việc tạo ra các vũ khí bất đối xứng để bảo vệ trước cuộc tấn công hạt nhân.

Ảnh: RT nguồn báo tiền phong
Ảnh: RT

Dữ liệu của tờ Washington Times chỉ ra rằng, Zircon của Nga có khả năng bay nhanh hơn gấp 8 lần so với tốc độ âm thanh và thực tế là không thể bị thương tổn trước các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Tuy nhiên đây chưa phải là giới hạn cuối cùng, theo Tập đoàn tên lửa chiến thuật Nga “Tactical Missiles”, tiềm năng hiện đại hóa loại tên lửa này cho phép đạt tốc độ đến 12-13 Mach.

Bộ Quốc phòng Nga cho rằng trong các sáng chế siêu thanh Nga không hề bị tụt hậu sau các nước công nghệ cao hàng đầu của thế giới.

Động cơ siêu việt

Theo Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov nhận định, thành tựu giá trị nhất trong hạng mục tốc độ siêu thanh của nước này không phải là tên lửa mà là động cơ dòng thẳng.

“Không thể đẩy các bộ máy siêu thanh bằng động cơ phản lực truyền thống, mà phải sử dụng động cơ dòng thẳng với nhiên liệu đốt trong siêu thanh. Vũ khí tên lửa mang động cơ phản lực dòng thẳng có thể nhận biết qua phần đầu với các cửa thông khí”, Thứ trưởng Quốc phòng Nga nhấn mạnh.

Tên lửa động cơ dòng thẳng là một hệ thống kết hợp, tổng hòa các nguyên tắc làm việc của động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng và động cơ phản lực khí thuận dòng.

Sự khác biệt về nguyên tắc là ở chỗ, động cơ tên lửa làm việc nhờ nhiên liệu nó mang theo, còn động cơ khí-dòng thẳng là nhờ lượng oxy trong khí quyển, và như thế cho phép giảm bớt trọng lượng tổng thể của tên lửa hoặc tăng trọng lượng của phần đầu đạn. Động cơ dòng thẳng không thể làm việc ở tốc độ nhỏ. Tuy nhiên, tốc độ còn chưa phải là tất cả

Các bộ máy và động cơ siêu thanh hoạt động trong những đám mây plasma nhiệt độ cao (đến 1.500°C), khi nhôm và magie tan chảy, thép mất đặc tính chịu nhiệt. Vì vậy buộc phải giải quyết vô số nhiệm vụ khoa học-ứng dụng phức tạp.

Đặc tính quỹ đạo thấp

Tên lửa siêu thanh Yu-71.
Tên lửa siêu thanh Yu-71.

Chỉ một giới hẹp các chuyên gia nắm vững đặc điểm chiến thuật và kỹ thuật cơ bản của mẫu vũ khí siêu thanh, nhưng được biết rằng với tốc độ 5-6 Mach thì tên lửa sẽ trở nên hầu như bất khả xâm phạm trước những hệ thống phòng không hiện có.

Vì vậy, ngay cả trong trường hợp hy hữu, nếu các hệ thống phòng không của đối phương có thể phát hiện và phá hủy Zircon thì năng lượng động lực của những mảnh vỡ vẫn đủ sức triệt hạ tàu hoặc mục tiêu trên mặt đất.

Việc Nga thử thành công tên lửa siêu thanh Zircon là một bước nhảy vọt mạnh mẽ trong việc tạo ra vũ khí không đối xứng để bảo vệ khỏi các vụ tấn công hạt nhân.

Một ví dụ khác. Tên lửa siêu thanh Yu-71 ("Sản phẩm 4202") đã vượt qua khoảng cách 6.000 km trong vòng 20 phút và bắn chính xác vào mục tiêu trên thao trường Kurra ở Kamchatka hồi mùa thu năm 2016.

Trước khi tiến vào lớp khí quyển dày đặc, bộ máy đã cơ động tích cực theo chiều cao và hướng quy định với tốc độ lên tới 15 Mach. Có giả thiết rằng, đây là cuộc thử nghiệm nguyên mẫu đầu đạn mới của tên lửa đạn đạo phóng trên biển siêu nặng RS-28 Sarmat, cần thay thế cho "Voevoda" trong Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga.

Việc triển khai tổ hợp mới bắt đầu vào năm 2018. Là hệ thống khó nắm bắt, Sarmat có khả năng mang tới 16 đầu đạn hạt nhân qua khoảng cách 16.000 km. Trong khái niệm của tổ hợp tính đến cả trọng lượng tối đa của đầu đạn ném ra (đến 10 tấn).

Tiến sĩ Paul Craig Roberts - chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tên lửa tầm xa của Mỹ cho biết về sức mạnh của Sarmat: "So với siêu tên lửa RS-28 Sarmat thì hai quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật Bản hồi năm 1945 chỉ là đồ chơi".

Ông cho rằng thế hệ siêu tên lửa mới này có sức công phá đủ mạnh để "xóa sạch 3/4 diện tích bang New York của Mỹ" một cách dễ dàng.

Ngay từ hồi tháng Năm 2014, Thứ trưởng Quốc phòng Yuri Borisov đã tuyên bố rằng công việc chế tạo các tên lửa đạn đạo hạng nặng phóng trên biển đang được xúc tiến theo đúng kế hoạch, tên lửa mới có thể bay qua bất kỳ điểm cực nào.

Các sản phẩm siêu thanh với độ chính xác cao không chỉ là công cụ thuần túy của Thế chiến thứ ba. Trong các cuộc xung đột cục bộ, loại vũ khí này có thể triệt hạ các chủ thể chiến lược của đối phương bằng đầu đạn hạt nhân năng lượng động lực mà không cần sử dụng đạn hạt nhân.

Có thể nói, cùng với Sarmat, Zircon và nhiều sản phẩm siêu thanh khác, quân đội Nga đã và đang từng bước hoàn thành việc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình. Sự thành công của Nga đã và đang khiến người Mỹ bắt đầu lo lắng và hoang mang tìm cách đối phó.

Theo TPO

TIN LIÊN QUAN