Tướng Cương: Viếng đền Cuông và không quên nỗi đau mất nước

01/08/2017 13:33

(Baonghean.vn) - Dựa trên các cứ liệu lịch sử, bài viết thể hiện những quan điểm và nỗi trăn trở của Thiếu tướng, PGS - TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược & Khoa học Bộ Công an

Sơ đồ thành cổ loa. Nguồn ảnh: Internet
Sơ đồ thành Cổ Loa. Nguồn ảnh: Internet

Sử ký Tư Mã Thiên xác nhận: “Năm 218 TCN, Tần Vương (tức Tần Thủy Hoàng) sai Đỗ Thư thống lĩnh 50 vạn quân, chia làm 5 đạo xuống phương Nam bình Bách Việt. Nhưng khi đến đất Văn Lang thì bị 2 bộ tộc Văn Lang và Âu Việt chống trả quyết liệt... Chiến tranh kéo dài hơn 10 năm. Quân Tần tiến đánh lâu ngày, lương thực bị tuyệt. Đóng ở đất vô dụng, tiến không được, thoái không xong. Tần quân luôn mặc áo giáp đề phòng bị tấn công. Đói khổ, bệnh tật, người chết trận, người bị thương không kể xiết. Phu theo phục dịch treo cổ chết ở trên cây dọc các đường đi nhiều đến nỗi không đếm hết được. Tướng Đỗ Thi bị giết tại trận. Quân Tần phải rút về... Kể từ khi nhà Tần xưng đế, cướp chiếm thiên hạ, đây là lần đầu tiên nhà Tần bị đánh bại ở đất Âu Lạc”.

Cuối thế kỷ thứ III TCN, nhà Tần suy vong; các chư hầu nổi lên cát cứ, xưng bá. Vùng phía Bắc Việt Nam (Quảng Đông ngày nay), Triệu Đà làm vua nước Nam Việt. Trong Sử ký, Tư Mã Thiên đã nói rõ: “Vua Nam Việt họ Triệu, tên Đà, người huyện Châu Định (nay thuộc tỉnh Hà Bắc - Trung Quốc), trước làm quan úy... Thời Tần, Đà được làm lệnh ở huyện Long Xuyên thuộc quận Nam Hải (nay là vùng Quảng Đông – Trung Quốc).

Thất bại nặng nề trong cuộc xâm lược Âu Lạc, năm 210 TCN, Triệu Đà lập mưu giả vờ hòa hiếu, cho con trai là Trọng Thủy sang làm rể An Dương Vương để tìm hiểu cấu trúc của thành Cổ Loa, cách bố phòng lực lượng của An Dương Vương và đánh cắp bí mật của nỏ thần Liên Châu.

Dấu tích thành Cổ Loa (Hà Nội). Nguồn ảnh: Internet
Dấu tích thành Cổ Loa (Hà Nội). Nguồn ảnh: Internet

“Trọng Thủy là một tên gián điệp lợi hại được cài vào triều đình nhà Thục. Y còn dùng của đút lót cho các quan để chia rẽ nội bộ triều đình Âu Lạc. Chính An Dương Vương đã nuôi ong tay áo và bi kịch mất nước không nên đổ hết cho Mỵ Châu”.

Cha con Triệu Đà - Trọng Thủy dùng của cải để hối lộ, đút lót cho các quan lại tại triều đình An Dương Vương nhằm mua chuộc và chia rẽ triều đình, làm cho An Dương Vương có mắt như mù, có tai như bị điếc không còn phân biệt được thù bạn. Tư Mã Thiên cũng đã đề cập đến vấn đề này trong Sử ký: “Đà nhân đó dùng vũ lực uy hiếp nơi biên giới, đem của cải đút lót Mân Việt, Tây Âu Lạc để bắt họ lệ thuộc vào mình”.

Đền Cuông được nhân dân lập nên để thờ An Dương Vương. Nơi đây được cho là vị trí Vua An Dương Vương tự vẫn sau khi đã giết chết con gái Mỵ Châu. Ảnh: Sách Nguyễn
Đền Cuông được nhân dân lập nên để thờ An Dương Vương. Nơi đây được cho là vị trí Vua An Dương Vương tự vẫn sau khi đã giết chết con gái Mỵ Châu. Ảnh: Sách Nguyễn

Khi Triệu Đà đề nghị cho Trọng Thủy ở rể trong triều đình nhà Thục (210 TCN), An Dương Vương hỏi tướng quân Cao Lỗ (người thiết kế và chỉ huy xây thành Cổ Loa): mấy năm nay nhà Triệu với Âu Lạc giao hảo thuận hòa. Nay con trai họ là Trọng Thủy muốn cầu hôn với Mỵ Châu, ông nghĩ thế nào? Riêng ta muốn chấp thuận lời cầu hôn cốt để hòa hiến, tránh nạn binh đao?

Ba ngày sau, tướng quân Cao Lỗ tâu:

- Xưa nay chưa thấy kẻ bại trận lại xin cho con trai ở gửi rể. Chẳng qua họ muốn biết cách bố phòng của Loa Thành mà thôi. Việc ngàn lần không nên.

An Dương Vương nổi giận:

- Nhà Triệu đánh mãi Âu Lạc không thắng, muốn mượn chuyện cầu hôn để xóa hiềm khích, ta lẽ nào không thuận? Ông già rồi, ta cho ông về nghỉ. (5)

Trong hai năm (210 - 208 TCN) được An Dương Vương cho đi lại tự do trong triều đình nhà Thục, Trọng Thủy đã nắm bắt được cấu trúc Loa Thành, cách bố phòng của nhà Thục, ăn cắp được bí mật của nỏ thần Liên Châu.

Năm 208 TCN khi nắm chắc mọi bí mật của Loa Thành và nỏ thần Liên Châu, Triệu Đà phát động chiến tranh thôn tính Âu Lạc.

Vì không nghe lời can gián của tướng quân Cao Lỗ, An Dương Vương đã để mất nước và đẩy nước Việt cổ - Âu Lạc phải đắm chìm trong máu và nước mắt ngót ngàn năm Bắc thuộc.

Do ngu dốt và không nghe lời can gián của trung thần, An Dương Vương để mất nước. An Dương Vương đã mắc tội lớn với xã tắc, với dân tộc, với quốc gia và để lại một vết đen trong lịch sử Việt Nam.

Du khách tham gia Lễ hội đền Cuông. Ảnh: Hồ Đình Chiến
Du khách tham gia Lễ hội đền Cuông. Ảnh: Hồ Đình Chiến

Viếng đền Cuông (Diễn Châu - Nghệ An) rút ra 2 điều thuộc triết lý trị quốc:

Một là, một tri huyện ngu dốt và không nghe lời nói phải chỉ gây tai họa trong một phạm vi nhỏ. Một ông vua ngu dốt và không nghe lời can gián của trung thần chắc chắn sẽ làm đất nước suy vong, thậm chí mất nước.

Hai là, bài học rút ra từ hơn 2.000 năm chế độ phong kiến Việt Nam là: mọi ông vua không nghe lời can gián của trung thần đều có chung kết cục: đất nước suy vong và thậm chí sinh mệnh của quân vương cũng không được bảo toàn.

Năm 208 TCN, vì không nghe lời can của tướng quân Cao Lỗ, An Dương Vương để mất nước và tự kết liễu đời mình và kết thúc triều đại do chính mình xây dựng.

1.585 năm sau khi An Dương Vương để mất nước, vào năm 1377, lịch sử Việt Nam lại có một vết đen thứ hai. Do không nghe lời can gián của các quan trung thần như quan Ngự sử Trung tán Lê Tích, Ngự sử đại phu Trương Đỗ và Đại tướng Đỗ Lễ, lại nghe theo lời phỉnh nịnh, sàm tấu của Hành khiển Đỗ Tử Bình, nên ngày 24 tháng 1 năm Đinh Tị (1377) vua Trần Duệ Tông đã tử trận trong cuộc chinh phạt quân Chiêm Thành tại kinh đô Chà Bàn (thuộc Bình Định ngày nay).

Về sự việc này, Đại Việt sử ký toàn thư ghi:

“Vua là người ương bướng, tự theo ý mình, không nghe lời can, khinh thường quân giặc nên tai vạ đến mình chứ không phải là bất hạnh”.

Cách nhau 1.585 năm, hai vị vua nước Việt có 3 điếm giống nhau: Ngu dốt; Không nghe lời can gián của trung thần; Cùng chết thê thảm: An Dương Vương tự sát, Trần Duệ Tông bị giặc giết tại trận.

Viếng đền Cuông chớ quên nỗi đau mất nước và hãy soi gương cũ, tự biết mình phải làm gì để bảo vệ non sông gấm vóc do cha ông để lại.

Đền Cuông được nhân dân dựng nên để thờ Thục Phán An Dương Vương. Đền nằm trên núi Mộ Dạ, thuộc xã Diễn An, huyện Diễn Châu (Nghệ An) sát với Quốc lộ 1A. Tương truyền đây là nơi Vua An Dương Vương giết chết con gái Mỵ Châu và tự vẫn sau khi thành Cổ Loa rơi vào tay Triệu Đà. Ngày nay, Đền Cuông vừa là một thắng cảnh, vừa là nơi tín ngưỡng linh thiêng bậc nhất của xứ Nghệ. Hàng năm, vào tháng 2 âm lịch, nhân dân địa phương lại tổ chức Lễ hội đền Cuông với nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh.

PGS - TS Lê Văn Cương

TIN LIÊN QUAN