Nhà báo và mạng xã hội - những khoảng trống trách nhiệm

19/08/2017 07:03

(Baonghean.vn)- Khi mạng xã hội phát triển mạnh, người làm báo không được rèn luyện tu dưỡng, sẽ dẫn đến năng lực thẩm định, nhìn nhận vấn đề cũng kém cỏi, dễ thỏa hiệp, phán xét hồ đồ.

Sự đồng hành của mạng xã hội và báo chí đã được nói đến rất nhiều và là điều không ai có thể phủ nhận. Báo chí hoạt động dựa trên nền tảng của đạo đức và luật pháp, 2 vấn đề này không tách rời nhau. Đó là điều mà không ai phủ nhận. Hiện nay, mạng xã hội phát triển với tốc độ lớn đang tạo ra những cơ hội cùng với những thách thức vô cùng gay gắt đối với báo chí.

Điều 5, trong 10 Quy định đạo đức nghề nghiệp của Người làm báo Việt Nam đã nói rõ: Yêu cầu người làm báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Tại hội thảo chuyên đề “Báo chí và mạng xã hội” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức nhằm tìm ra quy tắc ứng xử và tác nghiệp cho người làm báo, PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí chia sẻ: Ở Việt Nam hiện có hơn 35 triệu người dành thời gian trung bình hơn 5 tiếng mỗi ngày lên mạng Internet, mạng xã hội, nhất là Facebook.

Tại hội nghị giao ban báo chí báo Nghệ An hàng tháng, việc giữ vững phẩm chất của người cầm bút luôn được quan tâm, nhắc nhở. Ảnh tư liệu
Tại hội nghị giao ban báo chí tỉnh Nghệ An hàng tháng, việc giữ vững phẩm chất của người cầm bút luôn được quan tâm, nhắc nhở. Ảnh tư liệu

Quả thực, mạng Internet, trong đó có mạng xã hội đã làm thay đổi cách thức làm báo từ việc tìm hiểu thông tin, tiếp cận nguồn, khai thác thông tin cho đến truyền tải thông tin. Hiện nay, xu hướng đọc báo của công chúng là tìm thông tin trên báo điện tử và các trang mạng.

Thực tế cho thấy, nhiều tờ báo đã bỏ qua khâu thẩm định để đăng tải các thông tin từ mạng xã hội, gây nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này thực sự đáng lo ngại, khi chúng ta hiện có hơn 35 triệu sử dụng Internet, trong đó, có khoảng 30 triệu người sử dụng các trang mạng xã hội, phổ biến nhất là Facebook. Mạng xã hội đang trở thành một “thế lực” thách thức báo chí hiện đại.

Đồng chí Nguyễn Thị Thơm - Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho rằng cần tăng cường tuyên truyền pháp luật qua mạng xã hội, đặc biệt là kênh Facebook. Ảnh: Phương Thảo.
Hoạt động tuyên truyền pháp luật qua mạng xã hội, đặc biệt là kênh Facebook, của Tỉnh đoàn Nghệ An. Ảnh tư liệu

Cũng từ đây, thực trạng vi phạm đạo đức nghề báo, xa rời chuẩn mực truyền thống ngày càng đáng báo động. Một thực tế là thời gian gần đây, hàng loạt cơ quan báo chí bị xử phạt, có một bộ phận người làm báo đã vi phạm những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, tha hóa. Nhiều nhà báo có hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam, bị xử lý kỷ luật và tước thẻ cho thấy rõ thêm vấn đề đạo đức người làm báo đã đến mức “báo động đỏ”, trong đó vi phạm trầm trọng nhất là tính chân thực của báo chí.

Nhiều nhà báo “ảo tưởng” về nghề nghiệp, lợi dụng nghề để vụ lợi “đánh hội đồng”, dọa dẫm, ép doanh nghiệp…. Một khi người làm báo không được rèn luyện tu dưỡng trong môi trường nghề nghiệp chuẩn mực thì dẫn đến năng lực thẩm định, nhìn nhận vấn đề cũng kém cỏi, dễ thỏa hiệp, phán xét hồ đồ, thiếu phẩm chất dấn thân… dễ dẫn đến sai phạm từ nhỏ tới mức nghiêm trọng.

Sự phát triển của công nghệ đang tác động toàn diện đến cách thức, phương tiện, thói quen tiếp cận và tìm kiếm thông tin của tất cả mọi người. Vì thế đội ngũ người làm báo cần phải cập nhật kiến thức, công nghệ, kỹ năng làm báo hiện đại; Với các cơ quan báo chí đó là việc thay đổi mô hình quản lý tòa soạn, tiếp cận phù hợp và hiệu quả. Đặc biệt là sự tác động của doanh nghiệp, của nhóm lợi ích đến hoạt động của báo chí. Đây là vấn đề lớn hiện nay đối với hoạt động cũng như quản lý, chỉ đạo báo chí. Bên cạnh sự thu hẹp của báo in, thì sự phát triển báo điện tử là tất yếu.

Tuy nhiên, từ đây nhiều vấn đề đặt ra , nhất là trong bối cảnh phức tạp, khi các thế lực xấu, thù địch triệt để khai thác một số hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong đời sống, gieo rắc vào xã hội loại thông tin xuyên tạc, bịa đặt, luận điệu sai trái để xuyên tạc bản chất của xã hội, của con người bằng cách đó gây ngộ nhận, suy nghĩ tiêu cực, tác động và làm cho con người trở nên mơ hồ, sa sút niềm tin.

Ngay trong hệ thống báo chí, bên cạnh một số cơ quan chủ quản luôn tuân thủ nghiêm ngặt trong đăng tải tin, bài thì không ít tờ báo chạy theo lợi nhuận, nhiều tờ báo đang tự đánh mất mình khi phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp. Muốn có thu nhập, phải hút quảng cáo. Muốn hút quảng cáo phải có số lượt người xem nhất định và số lượt người xem càng nhiều thì phí quảng cáo càng lớn. Cũng bởi thế, mà một số tờ báo đã không ngại chạy đua thông tin kiểu sốc, sex, sến “cập nhật càng tốt, càng giật gân càng hay”… .

Mới đây, tại hội nghị tập huấn công tác quản lý chủ quản báo chí, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cũng đã lưu ý: “Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, mối quan hệ giữa thông tin chính thống của báo chí và mạng xã hội rất cần thiết nếu chúng ta biết khai thác và phát huy tốt những thông tin từ mạng xã hội. Bởi những thông tin này sẽ giúp cho cơ quan báo chí trong việc phát hiện, nhưng khi đưa thông tin, báo chí cần phải thẩm định đúng hay không đúng rồi mới đưa lên. Từ đó, giúp người dân hiểu rõ được bản chất của vấn đề”.

Có thể khẳng định, mạng xã hội là cánh tay nối dài của báo chí, thông qua mạng xã hội, báo chí có thể tuyên truyền những nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân một cách nhanh nhất, đồng thời đấu tranh “diễn biến hòa bình”, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Như vậy, để báo chí phát huy tốt những thông tin từ mạng xã hội, cũng như làm tốt vai trò của mình trong việc ngăn chặn tin giả thì chúng ta cần phải thanh lọc môi trường truyền thông báo chí trong thời gian tới. Bên cạnh cần sự định hướng, đôn đốc và xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng, là sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan chủ quản và trực tiếp là ý thức, trách nhiệm của người làm báo. Trước nhiều thách thức của báo chí hiện đại, hơn lúc nào hết, bên cạnh “trái tim nóng”, người làm báo phải thật sự là cây bút có lương tri, có trí tuệ, có bản lĩnh chính trị, có một “cái đầu lạnh” để không bước qua lằn ranh nhiều khi mong manh giữa đạo đức hành nghề và sự cám dỗ vật chất./.

Hồ Hà

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

TIN LIÊN QUAN