Nghệ An: Gần 10.000 hộ hưởng lợi chương trình 135

11/08/2017 06:58

(Baonghean) - Với những dự án thiết thực từ chương trình 135, hàng ngàn hộ nghèo của các huyện miền núi Nghệ An có cơ hội vượt qua đói nghèo. Chỉ tính năm 2016, gần 10.000 hộ đã được hưởng lợi từ hợp phần hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình 135.

Hiệu quả thiết thực

Huyện Con Cuông có 9/13 xã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ sản xuất Chương trình 135. Chỉ tính riêng năm 2016, Chương trình 135 đã dành hơn 2,25 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất. Trong đó, chú trọng các giống cây trồng, vật nuôi bản địa như bò sinh sản, lợn nái đen. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả sản xuất, dự án còn phân bổ gần 500 triệu đồng hỗ trợ cho 60 hộ mua máy công cụ như: Máy phun thuốc trừ sâu, máy hái chè, máy cắt cỏ, máy cày bừa, máy gặt lúa liên hoàn...

Sản xuất lúa nước ở Bản Na, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn). Ảnh: Thu Hương
Sản xuất lúa nước ở Bản Na, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn). Ảnh: Thu Hương

Bà Vi Thị Thoa - Trưởng ban Phát triển nông thôn miền núi Con Cuông khẳng định, hiệu quả rõ rệt nhất của dự án là giúp đồng bào các dân tộc Con Cuông được tiếp cận với giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, tập quán và kỹ thuật sản xuất của đồng bào dân tộc có sự chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 30,69%.

Tại huyện Tân Kỳ, trong 2 năm 2015, 2016 dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình đã hỗ trợ 235 con bê cái trị giá gần 3,5 tỷ đồng, cấp 1.052 con lợn nái Móng Cái, 48 con dê và hàng ngàn con gà cỏ địa phương cho hàng trăm hộ nghèo phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, dự án cũng triển khai 50 công trình hạ tầng trị giá hơn 26 tỷ đồng ở những vùng đặc biệt khó khăn. Hiệu quả của chương trình đã khiến nhiều bản làng thay da đổi thịt, nhiều hộ dân thoát nghèo.

Đặc biệt, với phương châm “trao cho dân nghèo cần câu thay vì con cá”, hợp phần dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135 đang ngày càng đi vào thực chất, trở thành nguồn lực phát triển bền vững cho người dân các huyện nghèo miền Tây Nghệ An. Các giống bò, lợn đen, gà bản địa được bà con tiếp nhận, phát triển trở thành hàng hóa đặc sản của những địa phương 135. Theo thống kê, từ năm 2016 đến 31/5/2017, số người hưởng lợi từ hợp phần hỗ trợ sản xuất của chương trình là 9.596 người.

Trong đó: hỗ trợ cho người dân được 71 ha ngô lai, 4,3 ha giống chanh leo, 14 ha giống keo lai; 3.964 con giống gia súc (bê, lợn) và 3.600 con giống gia cầm (vịt bầu quỳ, gà bản địa) cùng với thức ăn chăn nuôi cho hơn 7.000 hộ dân. Dự án cũng cung cấp 150 máy móc các loại như máy cày đa chức năng, máy tuốt lúa, máy cấy, máy gặt lúa, các loại máy chẻ mây, vót mây... cho hơn 300 hộ dân.

Tổng số vốn đã giải ngân đến ngày 31/5/2017 là 31,323 tỷ đồng/ 35,043 tỷ đồng, đạt 89,38% kế hoạch. Dự án Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng của chương trình đã trả nợ và bổ sung vốn cho 100 công trình 135 giai đoạn 3 số tiền 14.578 triệu đồng; hoàn thành 246 công trình mới...

Có thể khẳng định, Chương trình 135 đã góp phần quan trọng để vùng miền núi và dân tộc tỉnh Nghệ An tiếp tục phát triển. Các công trình hạ tầng như giao thông liên thôn, liên bản, trường học, trạm y tế, điện, nước sinh hoạt, nhà văn hoá cộng đồng... được xây dựng hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng đã góp phần đổi thay đời sống đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa.

Phát huy hiệu quả bền vững

Bên cạnh những hiệu quả rõ rệt, trong quá trình thực hiện chương trình vẫn tồn tại một số hạn chế: Một số công trình khảo sát thiết kế ban đầu không chính xác nên khi tổ chức thi công phải điều chỉnh bổ sung tổng mức đầu tư; một số xã lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng và tổ chức thi công, công trình trước khi chưa có quyết định phân bổ vốn đầu tư của UBND tỉnh; hoạt động của ban giám sát đầu tư cộng đồng và tư vấn giám sát tại một số xã, một số công trình còn yếu; tiến độ thi công các công trình 135 năm 2016 còn chậm; nguồn vốn Trung ương bố trí chưa đủ theo định mức của Quyết định 551/QĐ – TTg dẫn tới lúng túng trong việc lập kế hoạch và phân bổ vốn...

Đồ họa: Hữu Quân
Đồ họa: Hữu Quân

Bên cạnh đó, các dự án thường do Ban giám sát xã làm nhiệm vụ giám sát, kiểm tra nhưng Ban này chủ yếu là kiêm nhiệm, thiếu nghiệp vụ chuyên môn về XDCB nên gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong khâu giám sát. Công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng công trình chưa được chú trọng nên nhiều công trình chưa phát huy hết hiệu quả phục vụ nhân dân, tuổi thọ của công trình chưa cao.

UBND các huyện bố trí kinh phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng chưa đúng theo quy định của UBND tỉnh, chủ yếu sử dụng nguồn kinh phí để nâng cấp, sửa chữa công trình nên kinh phí cho công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng thiếu. Chất lượng các loại giống cây con không đồng đều; cùng một loại giống, cùng điều kiện sản xuất nhưng tại hộ gia đình này rất phát triển cho thu nhập cao, ngược lại một số hộ lại kém phát triển không thu hồi đủ vốn đầu tư ban đầu.

Một số hạng mục đầu tư hỗ trợ có tính chất 1 lần như gia cầm, lợn thịt, ngô, lúa… sau một chu kỳ đầu tư, có một số hộ không tái đầu tư trở lại nên thu nhập bền vững cho người dân thấp. Việc cấp phát máy nông cụ chưa hợp lý, có nơi còn lãng phí vì bản đó không có ruộng và đất bằng nhưng vẫn cấp máy cày đa chức năng công suất cao...

Trạm y tế xã Tân Hợp - Tân Kỳ được đầu tư từ chương trinh 135
Trạm y tế xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ được đầu tư từ chương trinh 135. Ảnh: Châu Lan

Ông Lương Thanh Hải - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Hiện nay, Chương trình 135 đang bước vào giai đoạn IV (2016-2020). Ban Dân tộc tỉnh đang nỗ lực làm tốt công tác xây dựng kế hoạch từ cơ sở, có sự tham gia sâu rộng của người dân; hướng phát triển kinh tế hàng hóa bền vững theo lợi thế của từng vùng, tập trung vào một số hạng mục đầu tư đã phát huy hiệu quả rõ nét trên địa bàn, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở từng huyện.

Đồng thời tập trung chỉ đạo các huyện phê duyệt quyết toán vốn đầu tư các công trình đã hoàn thành trong giai đoạn 2012 - 2016 để bố trí vốn thanh toán dứt điểm công nợ giai đoạn III; tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ cho Chương trình, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn, chống thất thoát, lãng phí.

Bên cạnh đó, tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, gắn với chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An trong giai đoạn 2016 – 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Châu Lan – Minh Hạnh

TIN LIÊN QUAN