Phó Thủ tướng nói xem lại việc tựu trường trước, khai giảng sau

21/08/2017 16:39

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét hiện tượng các trường đều tựu trường sớm trước ngày khai giảng.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 sáng 21/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định nhờ nỗ lực của ngành giáo dục, trong vài năm gần đây việc tổ chức khai giảng trong nhà trường đã bớt nhiêu khê.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Đam, đã đến lúc phải bàn bạc xem thời gian nghỉ hè kéo dài theo quy định từ trước tới nay có còn phù hợp không, mặt nào được, mặt nào chưa được.

ngày khai giảng,tựu trường,đổi mới giáo dục
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng "cần phải xem lại, nếu không việc khai giảng sẽ rất hình thức".

"Ví dụ về mặt chưa được là ở các đô thị, việc nghỉ hè dài khiến phụ huynh, nhất là phụ huynh trẻ, không biết làm thế nào để lo cho con. Trong khi đó, thực tế hiện nay các trường đều tựu trường sớm" - ông Vũ Đức Đam nói. "Vì vậy cần phải xem lại, nếu không việc khai giảng sẽ rất hình thức".

Hiện nay, theo quy định hiện hành, ngày kết thúc năm học là 31/5 và ngày khai giảng năm học mới là 5/9 (thời gian nghỉ hè là 3 tháng). Khung kế hoạch thời gian năm học được Bộ GD-ĐT ban hành hàng năm thường quy định các trường tổ chức tựu trường từ đầu tháng 8, khai giảng tổ chức vào ngày 5/9.

Chẳng hạn, theo khung kế hoạch thời gian năm học 2017-2018 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, các địa phương xây dựng kế hoạch ngày tựu trường sớm nhất vào ngày 1/8, tổ chức khai giảng vào ngày 5/9.

Trước đó, đã từng có nhiều ý kiến nêu vấn đề rằng việc tựu trường trước, khai giảng sau như hiện nay đang làm mất đi ý nghĩa của ngày khai giảng.

Chia sẻ trên trang cá nhân mới đây, nhà báo Trương Anh Ngọc đặt câu hỏi "Có còn cần nữa ngày khai giảng, khi các cháu học sinh ở nhiều nơi vào đầu tháng 8 đã đến trường, và nhiều nơi thực ra đã học ngay trước ngày 5/9?".

Anh Ngọc cho rằng "không cần nữa, một khi bây giờ nó không còn có giá trị là ngày đầu tiên bọn trẻ đến trường, không còn có ý nghĩa thực sự như ngày xưa nữa.

Ai đó sẽ nói, ngày đó vẫn cần thiết, trước hết đó là ngày toàn dân đưa trẻ đi học, và sau đó là dịp để bọn trẻ ăn mặc đẹp, để các trường tổ chức hoành tráng, để cha mẹ các cháu và chính các cháu cảm thấy sung sướng, vì được đến trường. Thực ra nếu chỉ vì như thế, thì ngày 5/9 cũng chẳng còn giá trị thực tiễn nữa, một khi người ta có thể cho trẻ mặc đẹp hàng ngày, chụp ảnh chúng rồi post lên mạng khi nào thích. Một lễ khai giảng đơn thuần là vì mục đích hình thức như bao lễ lạt chúng ta đã thấy nhan nhản hàng ngày trên báo hoặc tivi, để các lãnh đạo đọc diễn văn và hứa hẹn thành tích (luôn là thế...), để quay phim chụp ảnh, thì thực ra lại càng không cần thiết nữa.

Khai giảng sau khi bọn trẻ đã đến trường từ tháng 8 thực chất chỉ là một câu chuyện hoàn toàn vô nghĩa mà người ta đã làm thành thói quen, khi kì nghỉ hè của bọn trẻ bị cắt ngắn, khi người ta tìm cách nhồi nhét cho trẻ chương trình mới từ sớm hoặc nghĩ đến trường là cách để ôn luyện lại bài cũ...

Trừ những lí do đặc biệt buộc phải khai giảng sớm và học ngay, thì mình nghĩ rằng, đã đến lúc phải nhìn lại một cách thiết thực về này khai trường...".

Quan điểm của nhà báo Trương Anh Ngọc bên cạnh các ý kiến tán đồng còn nhận được nhiều ý kiến khác. MC Phan Anh cho biết anh "ủng hộ có ngày khai giảng", nhưng "không ủng hộ các con phải phơi nắng để nghe các bài phát biểu năm nào cũng giống năm nào, dài dòng không cần thiết", bởi "Ngày khai giảng phải là ngày hội ngộ của phụ huynh, giáo viên cũ mới và các con. Nếu có thể phụ huynh nên được cho phép nghỉ nửa ngày để đến trường hội ngộ. Nó dở vì bị biến tướng chứ không phải là nó không có ý nghĩa!".

Theo Vietnamnet.vn

TIN LIÊN QUAN