Đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc, một tấm gương cộng sản mẫu mực
(Baonghean.vn) - Cuộc đời Nguyễn Văn Cừ tuy ngắn ngủi, bị địch sát hại khi mới 29 tuổi, nhưng đồng chí đã để lại cho chúng ta một sự nghiệp cách mạng chói sáng của một Tổng Bí thư trẻ tuổi, chí lớn, tài cao, tận trung với nước, tận hiếu với dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912, trong một gia đình nhà Nho nghèo yêu nước ở xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Kế thừa truyền thống yêu nước, hiếu học của dòng họ, lớn lên trên mảnh đất "địa linh nhân kiệt", mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của xứ Kinh Bắc, ngay từ nhỏ Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện tư chất thông minh, bản lĩnh kiên cường bất khuất, lòng yêu nước thiết tha, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Ảnh tư liệu |
Năm 1927, sau khi học xong Trường Kiêm bị Bắc Ninh, được một người bà con đỡ đầu, Nguyễn Văn Cừ thi vào Trường Bưởi với kết quả xuất sắc và được nhà trường cấp học bổng. Tại đây, Nguyễn Văn Cừ đã tiếp cận những sách báo tiến bộ, giác ngộ cách mạng và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trở thành một hội viên tích cực. Do hoạt động chống đối, đả kích giám thị nhà trường, Nguyễn Văn Cừ đã bị mật thám bắt giam 5 ngày và bị nhà trường đuổi học.
Về quê, Nguyễn Văn Cừ tiếp tục chắp nối liên lạc với các đồng chí trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, xây dựng cơ sở cách mạng ở địa phương. Chính tại quê hương, Nguyễn Văn Cừ đã gặp đồng chí Ngô Gia Tự, một chiến sĩ cộng sản mà anh rất mực kính trọng. Ngô Gia Tự đã trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn cho Nguyễn Văn Cừ nghiên cứu tác phẩm Đường Cách mạng và nhiều tác phẩm quan trọng khác của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, giúp anh hiểu sâu hơn những luận điểm cách mạng của Người.
Ngôi nhà, nơi sinh ra và lớn lên của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại làng Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. |
Mùa Thu năm 1928, Nguyễn Văn Cừ bị mật thám bắt lần thứ hai, gán cho tội hoạt động chính trị, giam giữ 12 ngày, tra tấn hết sức dã man. Nhưng ngay sau khi được thả, anh lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Thực hiện quyết định của Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Ninh, Nguyễn Văn Cừ đã tham gia phong trào "vô sản hóa" ở vùng mỏ Hòn Gai, hòa mình vào quần chúng để thâm nhập thực tiễn, xây dựng tổ chức hội và giác ngộ công nhân.
Là cán bộ hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, đồng chí có điều kiện đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều công nhân, lao động ở nhiều ngành nghề khác nhau. Chỉ sau một năm “vô sản hoá”, năm 1929, ở tuổi 17, Nguyễn Văn Cừ đã trở thành người trực tiếp chỉ đạo phong trào công nhân, phong trào cộng sản ở khu vực có số lượng công nhân tập trung lớn nhất nước ta.
Đồng thời, đồng chí Nguyễn Văn Cừ trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đông Dương cộng sản Đảng. Cuối tháng 2/1930, đồng chí thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở mỏ Mạo Khê - chi bộ đầu tiên của Đảng ta ở vùng mỏ Quảng Ninh. Sau đó, dưới sự chỉ đạo của đồng chí, các chi bộ Đảng ở Uông Bí, Vàng Danh, Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông lần lượt ra đời.
Chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với tác phẩm "Tự chỉ trích" |
Tháng 2/1931, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp bắt và giam cầm ở các nhà tù Hòn Gai, Hoả Lò rồi lưu đày đi Côn Đảo. Chính những năm tháng tù đày khổ ải, Nguyễn Văn Cừ đã cùng đồng chí của mình biến nơi tù đày thành trường học cách mạng, thành nơi trui rèn ý chí, bản lĩnh người chiến sĩ cách mạng.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, cho lý tưởng cao đẹp của Đảng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là một mẫu mực về phẩm chất cao quý của người cộng sản. Ngoài tinh thần say sưa học tập, rèn luyện và vươn lên không ngừng, bằng niềm tin và nghị lực, đồng chí đã biến nhà tù đế quốc thành trường lớp lý luận cách mạng, tự trang bị cho mình những hiểu biết sâu rộng về khoa học chính trị, trở thành Tổng bí thư – cán bộ lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Không chỉ là tinh thần học tập đáng khâm phục, ở đồng chí còn là một tấm gương sáng về sự liên hệ quần chúng, gắn bó máu thịt với quần chúng và vận động quần chúng. Bất kỳ ở đâu, sống giữa những người bạn phu mỏ, hay bạn tù Côn Đảo, dù là đảng viên hay lúc giữ cương vị cao nhất của Đảng, đồng chí luôn thể hiện là người cán bộ có đạo đức cách mạng trong sáng, giản dị, gương mẫu trong cuộc sống, có tác phong chan hòa, gần gũi với mọi người, có khả năng tập hợp, đoàn kết cán bộ, đảng viên và nhân dân, được nhân dân yêu mến và cảm phục.
Tác phẩm "Tự chỉ trích" của Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ. |
Với kẻ thù và những phần tử phản động, phá hoại, đồng chí kiên quyết đấu tranh bác bỏ, không khoang nhượng. Với những sai lầm, thiếu sót của cán bộ, đảng viên, đồng chí luôn nhỏ nhẹ, chân thành trao đổi thường xuyên, có lý, có tình góp phần quan trọng vào việc củng cố sự đoàn kết trong Đảng, chống suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên góp phần đưa cách mạng Việt Nam tiến lên.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết: “Người cộng sản có bổn phận nói sự thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng chớ không phải theo đuôi họ hay phỉnh họ”. Và dầu cho có sai lầm, có thất bại thì “phải có can đảm mở to mắt ra nhìn sự thật”. “Chúng ta không bao giờ có thể đổ hết những nguyên nhân thất bại cho việc quân thù đàn áp và cử tri chưa giác ngộ. Chúng ta phải biết nhìn nhận những khuyết điểm về chủ quan mà chính ta gây ra, chính ta phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”.
Đồng chí cho rằng, Đảng “có bổn phận phải phân tích xác thực hoàn cảnh, không bi quan hoảng hốt mà cũng không đắc chí tự mãn, để tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa lỗi và tiến thủ”. Do đó, đồng chí yêu cầu Đảng phải: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu, thoả hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất mạnh mẽ”.
Khu lưu niệm cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ tại thôn Phù Khê Thượng, xã Phù Kê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. |
Ở độ tuổi 26, với đức độ và tài năng xuất sắc, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được Hội nghị Trung ương 5 (tháng 3 năm 1938) nhất trí bầu làm Tổng bí thư của Đảng. Và, đồng chí Lê Duẩn đã từng nhận định: “Về tuổi đời, anh Cừ kém chúng tôi và các anh Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập từ 5 đến 10 tuổi, nhưng anh là một trí tuệ lỗi lạc của Đảng, rất sắc sảo và nhạy bén về chính trị, lại có khả năng đoàn kết, thuyết phục anh em. Anh là một người cộng sản có phẩm chất đạo đức rất trong sáng, được mọi người kính phục.”
Nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh, noi theo tấm gương học tập sáng ngời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta quyết tâm thực hiện chủ trương của Đảng, xây dựng một xã hội học tập, hướng tới một đất nước văn minh, hiện đại và phát triển.
Trong đó việc nghiên cứu và học tập một trong những tài sản vô giá mà Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ để lại là vô cùng ý nghĩa và thiết thực. Đó là tác phẩm “Tự chỉ trích” với những quan điểm tự phê bình và phê bình trong Đảng: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ”
Thái Bình
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|