Nga áp dụng chủ nghĩa thực dụng cứng rắn với Mỹ

01/08/2017 14:27

(Baonghean.vn) - Diễn giải sai tín hiệu của Nga là hành động gây nguy hiểm trực tiếp tới Mỹ, trong bối cảnh Washington đang cân nhắc các biện pháp đáp trả tiếp theo.

Moskva sẽ đáp trả thế nào khi Mỹ đưa ra một loạt các biện pháp trả đũa để trừng phạt Nga do những hành động can dự vào công việc chính trị nội bộ của Mỹ, Ukraine và Trung Đông? Sự thông thái thông thường của Washington cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin là một kẻ hay bắt nạt chơi bằng bàn tay yếu, một khi đối mặt với việc gia tăng sức ép kinh tế từ Mỹ, sức mạnh quân sự và tài khéo léo trực tuyến thì nhà lãnh đạo Nga sẽ rút lui.

Tuy nhiên, các dấu hiệu mà Moskva đang thể hiện bằng cả lời nói và hành động lại vẽ ra một bức tranh hoàn toàn khác. Hiểu về họ sẽ là điều quan trọng nếu chúng ta muốn tránh leo thang căng thẳng một cách nguy hiểm với Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP

Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga hôm 28/7 cáo buộc Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt để tạo ra “các lợi thế cạnh tranh không công bằng cho Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu”, từ đó sẽ “tống tiền nhiều nước và doanh nghiệp quốc tế” hiện đang làm việc tại Nga - một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Moskva đang tìm cách “chia rẽ” giữa Washington và châu Âu.

Thông báo “cũng bảo lưu quyền đối với một loạt biện pháp trả đũa, vốn sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của Mỹ”, đồng thời liệt kê một loạt vấn đề, bao gồm “chủ nghĩa khủng bố, làm giàu vũ khí hủy diệt hàng loạt, buôn bán ma túy, nhập cư bất hợp pháp, và tội phạm mạng”, đây là những lĩnh vực cần sự hợp tác giữa Nga và Mỹ. Nếu không có sự hợp tác này thì Moskva có thể ngăn cản mục tiêu của Washington trong các vấn đề này.

 Nga vẫn có chút hi vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tận dụng thời gian để làm dịu đi cú sốc từ Quốc hội Mỹ. Ảnh: AP
Nga vẫn có chút hi vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tận dụng thời gian để làm dịu đi cú sốc từ Quốc hội Mỹ. Ảnh: AP

Ngoài những biện pháp đã được thông báo nhằm chống lại sự hiện diện ngoại giao và tài sản của Mỹ, Nga vẫn để ngỏ một cánh cửa thỏa hiệp. Việc Moskva cho phép Mỹ giảm nhân sự ngoại giao tại Nga trước ngày 1/9 - so với chỉ vỏn vẹn 3 ngày mà chính quyền Obama áp đặt lên đại sứ quán Nga hồi tháng 12 năm ngoái - cho thấy phía Nga vẫn có chút hi vọng Tổng thống Trump sẽ tận dụng thời gian từ nay đến hết tháng 8 để làm dịu đi cú sốc từ Quốc hội Mỹ và tránh làm căng thẳng hơn nữa mối quan hệ song phương.

Diễn giải sai ngụ ý của Nga là mối nguy hiểm trực tiếp nhất khi Mỹ cân nhắc các bước đi tiếp theo. Việc Tổng thống Putin sẵn sàng để ngỏ không gian đối thoại có thể bị coi là sự yếu đuối. Các hành động khiêu khích của Nga và sự ủng hộ đối với các chế độ “lừa đảo” (ám chỉ Triều Tiên) có thể tiếp tục khiến Washington coi Moskva là một kẻ thù không thể khoan nhượng, luôn tìm cách hủy hoại nền dân chủ tại Mỹ và thế giới.

Tuy nhiên, điện Kremlin được kỳ vọng sẽ cố gắng tạo ra sự cân bằng giữa việc thỏa hiệp thực tế với việc phòng thủ cứng rắn đối với các lợi ích không thể thương lượng. Tìm ra sự cân bằng tương tự trong chính sách của Mỹ có thể là chìa khóa để tránh một thảm họa trong quan hệ Nga - Mỹ./.

Lan Hạ

(Theo National Interest)

TIN LIÊN QUAN