Kế hoạch kích nổ bom hạt nhân trên Mặt Trăng của Mỹ và Liên Xô

24/08/2017 06:32

Mỹ và Liên Xô từng lên kế hoạch cho nổ bom hạt nhân trên Mặt Trăng để thể hiện vị thế siêu cường trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

ke-hoach-kich-no-bom-hat-nhan-tren-mat-trang-cua-my-va-lien-xo

Vụ thử bom hạt nhân Castle Romeo của Mỹ năm 1954. Ảnh: Bộ Năng lượng Mỹ.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, để thể hiện tầm vóc một siêu cường, Mỹ và Liên Xô từng lên kế hoạch kích nổ vũ khí hạt nhân trên Mặt Trăng nhằm chứng minh sự vượt trội về công nghệ của mình, theo National Interest.

Năm 1958, không quân Mỹ yêu cầu Quỹ nghiên Armour (ARF), tiền thân của viện Công nghệ Illinois, triển khai Dự án A119, tập trung nghiên cứu về những tác động của một vụ nổ hạt nhân lên bề mặt thiên thể này.

"Không quân Mỹ rất quan tâm đến khả năng thực hiện một vụ nổ lớn bất ngờ trên Mặt Trăng. Mục tiêu chính của vụ nổ này nhằm chứng minh ưu thế về sức mạnh của nước Mỹ. Không quân Mỹ muốn một đám mây hình nấm rộng đến mức có thể nhìn thấy được từ Trái Đất", giám đốc Dự án A119 Leonard Reiffel viết trên tạp chí Nature.

Theo Reiffel, những nghiên cứu này không chỉ giúp các nhà khoa học Mỹ nắm bắt được tác động của vũ khí hạt nhân trong không gian mà còn nhằm phục vụ mục đích quân sự bí mật của chính quyền thời điểm đó.

"Chắc chắn dự án này phục vụ cả các mục đích quân sự vì các thông tin được cung cấp có liên quan đến môi trường ngoài vũ trụ và khả năng sử dụng các loại vũ khí hạt nhân đối với chiến tranh không gian", Reiffel nhấn mạnh.

Năm 1959, để có được học bổng của Học viện Miller, Carl Sagan, sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học California, đã tiết lộ một số công việc từng làm cho ARF, trong đó có báo cáo với tựa đề "Những tác động có thể xảy ra từ vụ nổ hạt nhân trên Mặt Trăng đối với việc giải quyết một số vấn đề thiên văn học và sự nhiễm xạ trên Mặt Trăng sau vụ nổ hạt nhân".

Lầu Năm Góc không bình luận về kế hoạch tấn công Mặt Trăng bằng vũ khí hạt nhân trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, nhưng nhiều báo cáo trong thời điểm đó đã bị tiêu hủy.

ke-hoach-kich-no-bom-hat-nhan-tren-mat-trang-cua-my-va-lien-xo-1

Oanh tạc cơ Tu-160 có khả năng mang bom hạt nhân của Nga. Ảnh: National Interest.

Trong khi đó, sau thành công của việc phóng vệ tinh Sputnik, hai nhà khoa học Nga là Sergei Pavlovich Korolev và Mstislva Vsyevolodovich Keldysh đã đề xuất với lãnh đạo Liên Xô một loạt dự án nhằm cạnh tranh với Mỹ trong lĩnh vực vũ trụ, trong đó trình bày tất cả các phương án nhằm đặt chân lên Mặt Trăng.

Trong các dự án có ký hiệu E liên quan đến kế hoạch bay lên Mặt Trăng có E-4 là kế hoạch tiến hành một vụ nổ hạt nhân nhỏ trên bề mặt Mặt Trăng.

"Năm 1958, đã có kế hoạch đưa một quả bom nguyên tử lên Mặt Trăng để cho các nhà thiên văn học trên khắp thế giới có thể chụp ảnh và ghi hình lại vụ nổ. Như vậy không ai trên thế giới nghi ngờ về việc Liên Xô có khả năng đổ bộ lên bề mặt Mặt Trăng. Nhưng ý tưởng này đã bị bác bỏ vì các nhà vật lý nhận thấy ánh sáng phát sinh từ vụ nổ tồn tại rất ngắn trên bề mặt Mặt Trăng và như vậy không thể chụp hoặc ghi hình", kỹ sư tên lửa nổi tiếng người Nga Boris Chertok tiết lộ với Reuters về dự án E-4.

Về sau, Liên Xô đã đưa được nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin vào vũ trụ năm 1961, còn Mỹ đã thành công với Chương trình Apollo, khiến những kế hoạch kích nổ vũ khí hạt nhân trên Mặt Trăng bị hủy bỏ hoàn toàn.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN