Mua xe ô tô thời điểm nào có lợi?

20/08/2017 10:33

Chưa bao giờ "cuộc chiến" thị phần ô tô trở nên khốc liệt như thời điểm hiện tại, khi các hãng đua nhau giảm giá với mức giảm lên tới vài trăm triệu đồng.

Giành giật từng tấc thị phần

Cuối năm 2016, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải đã gây sốc thị trường khi giảm giá mạnh các phiên bản Mazda với mức giảm lên tới 170 triệu đồng/xe. Kết quả hết năm 2016, hãng này vượt qua Toyota trở thành hãng bán nhiều xe con nhất Việt Nam, chiếm thị phần 24,1%. Tuy nhiên, sang đến năm 2017 thì Trường Hải không còn nhiều dư địa để giảm giá nữa, vì theo lãnh đạo của hãng này, mức giảm giá cuối năm 2016 đã “chạm đáy”. Vì vậy khoảng nửa năm trở lại đây, thị trường không ghi nhận thêm thông tin giảm giá đáng kể từ hai mẫu Mazda và Kia của Trường Hải.

Trong khi đó, Toyota - đối thủ nặng ký của Trường Hải dù bước vào cuộc đua giảm giá khá muộn và biên độ giảm không nhiều nhưng lại duy trì chiến lược này khá đều đặn đến thời điểm này. Đặc biệt, từ ngày 8 -8, hãng này đã thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ cho 3 mẫu Honda CR-V, Honda Civic và Honda Accord với mức giảm giá lên tới 170 triệu đồng; Vios, Corolla Altis hay Innova có mức ưu đãi từ 11 - 40 triệu đồng; các phiên bản Camry có mức giảm 90-100 triệu đồng; Land Cruiser VX cũng điều chỉnh giảm tới 130 triệu đồng... Việc giảm giá này đã đem lại hiệu ứng lập tức lên thị trường khi 7 tháng đầu năm 2017, Toyota đã vượt qua Trường Hải, lấy lại vị trí dẫn đầu phân khúc ô tô con với 23,4% thị phần, trong khi Trường Hải chỉ chiếm 19,8% thị phần.

Các hãng ô tô đua nhau giảm giá với mức giảm lên tới vài trăm triệu đồng.
Các hãng ô tô đua nhau giảm giá với mức giảm lên tới vài trăm triệu đồng.

Không chỉ 2 hãng xe chiếm thị phần lớn nhất mà các hãng khác cũng đua nhau giảm giá. Ford mới đây cũng công bố bảng giá mới với mức giảm 59 triệu đồng cho phiên bản EcoSport Titanium, một số phiên bản khác cũng có mức giảm 40 - 50 triệu đồng. Mẫu Odyssey của Honda được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản đã điều chỉnh giảm tới 200 triệu đồng hay Honda CR-V cũng được điều chỉnh giảm giá từ 100 - 170 triệu đồng. Tương tự, tại hãng Mitsubishi, mẫu xe Pajero 3.0 cũng ghi nhận mức giảm giá lên tới 164 triệu đồng hay Pajero Sport mới phiên bản động cơ xăng 4x2 AT cũng điều chỉnh giảm 106 triệu đồng...

“Cuộc chiến” xe 4 bánh càng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết khi hàng loạt mẫu xe được lắp ráp tại Đông Nam Á mới đây cũng đã được giới thiệu. Đáng nói, hàng loạt hãng xe Nhật Bản đã cho ra mắt những mẫu xe giá rẻ lắp ráp tại ASEAN dự kiến tung ra thị trường thời gian tới như Honda (lắp ráp tại Thái Lan), Toyota (Indonesia) hay Suzuki (liên doanh Thái Lan - Ấn Độ). Những mẫu xe này có giá dao động khoảng 400-500 triệu đồng, được dự đoán sẽ là “đối thủ” nặng ký của những dòng xe nhỏ hiện đang chiếm thị phần lớn tại Việt Nam như Kia Morning, Hyundai i10, Chevrolet Spark... khi thuế nhập xe nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam được xóa bỏ vào năm 2018.

Mua xe thời điểm nào có lợi?

Theo các chuyên gia, thị trường ô tô đang có dấu hiệu chững lại do ảnh hưởng của các thông tin về chính sách thuế, người dân có tâm lý chờ đợi đến sang năm khi mức thuế với xe nhập khẩu nguyên chiếc ASEAN sẽ về 0% thay vì 30% như hiện nay. Càng gần thời điểm này, hoạt động bán hàng của các hãng xe càng trở nên khó khăn hơn. Chưa bao giờ thị trường ô tô chứng kiến một cuộc chạy đua quyết liệt về giá như hiện nay nhưng sức tiêu thụ cũng không tăng, thậm chí còn giảm.

Anh Nguyễn Văn Cường, nhân viên kinh doanh một showroom Huyndai cho biết, thông thường các năm trước thời điểm tháng 6 âm lịch, người dân sẽ mua xe rất nhiều để tránh tháng 7 theo quan niệm dân gian. Tuy nhiên, thời điểm này năm nay, lượng mua chỉ nhỉnh hơn chút ít dù hãng tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá cho khách hàng. Chẳng hạn như dòng SantanFe trong tháng 5 có mẫu được Huyndai khuyến mãi lên tới 70 triệu đồng. Đáng nói, ngoài giá khuyến mãi niêm yết, các showroom còn đưa ra những chương trình hỗ trợ khách hàng với mức giảm giá thêm lên tới 60 triệu đồng, đưa tổng mức giảm lên tới 130 triệu đồng.

Số liệu mới công bố cho thấy, tình hình kinh doanh của các hãng ô tô những tháng đầu năm không mấy khả quan. Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) còn ghi nhận doanh số bán hàng của các thành viên tiếp tục giảm 15% so với tháng 6 và giảm 27% so với tháng 7-2016. Cộng dồn từ đầu năm, tổng doanh số bán hàng của VAMA giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy, với những số liệu này thì mục tiêu tăng trưởng doanh số 10% được đặt ra trong năm 2017 gần như không thể đạt được khi dự báo đến cuối năm doanh số sẽ không được cải thiện là bao.

Tâm lý chờ đợi thuế giảm của người tiêu dùng khiến các hãng ô tô phải đồng loạt giảm giá bán.
Tâm lý chờ đợi thuế giảm của người tiêu dùng khiến các hãng ô tô phải đồng loạt giảm giá bán.

Theo ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Phúc An, một chuyên gia trong ngành ô tô thì có nhiều yếu tố dự báo thị trường ô tô cuối năm nay sẽ trầm lắng. Sau tháng 7 âm lịch thì chỉ còn vài tháng nữa thuế nhập khẩu ASEAN sẽ về 0%, người dân sẽ có tâm lý chờ đợi.

“Không chỉ thuế nhập khẩu giảm mà thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng cũng sẽ giảm theo, như vậy mức giảm không phải 30% mà còn nhiều hơn nữa. Vì vậy, chắc chắn người dân sẽ chờ đợi sang đầu năm 2018 để mua được xe không chỉ giá rẻ mà còn xuất hiện thêm nhiều model mới, công nghệ mới...”, ông Nguyễn Tuấn phân tích và cho biết tình hình này chắc chắn các hãng xe sẽ phải tiếp tục giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Nhất là những model cũ sẽ được các hãng giảm mạnh để đẩy hàng.

Nhiều đề xuất chính sách mới về thuế ô tô

Bộ Tài chính đang dự kiến trình Chính phủ 2 phương án. Với phương án 1, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trước. Phương án 2, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ giữ nguyên như hiện hành, tức là không trừ giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính nghiêng về phương án 1, nghĩa là giá bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trước. Điều này là nhằm khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp ô tô trong nước cạnh tranh với ô tô nhập khẩu.

Cũng trong nội dung đề xuất sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính kiến nghị tăng mức thuế với dòng xe vừa chở người vừa chở hàng (xe pick-up hay xe bán tải) lên bằng 60% mức thuế của xe con cùng dung tích xi-lanh. Theo quy định hiện hành, mức thuế với dòng xe này đang dao động trong khoảng 15 -25% tùy dung tích xi-lanh.

Nếu mức thuế tăng lên theo đề xuất của Bộ Tài chính thì mức thuế với xe bán tải có thể tăng lên 33% do loại xe này chủ yếu có dung tích xi-lanh khoảng 2.000 -3.000 cm3, tương đương với xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống đang chịu mức thuế 55%/

Theo Báo An ninh Thủ đô

TIN LIÊN QUAN