Đừng để khách sạn gắn 'sao' vô tội vạ

10/07/2017 15:22

(Baonghean) - Những năm gần đây, ở Nghệ An có không ít khách sạn tự phong “sao” hoặc không duy trì chất lượng “sao” được cấp.

Loạn “sao” khách sạn

Cuối tháng 6/2017, đoàn thanh tra của Tổng Cục Du lịch vừa có văn bản thu hồi hạng 3 sao của 3 khách sạn trên địa bàn tỉnh gồm: Khách sạn Xanh Nghệ An, Khách sạn Media (thành phố Vinh) và Khách sạn Kim Ngân II (thị xã Cửa Lò).

Lý do 3 khách sạn này bị thu hồi hạng sao là không duy trì được chất lượng dịch vụ cũng như chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ theo hạng sao đã được công nhận.

Thông tin này như “giọt nước tràn ly” bởi theo nhiều người, thực trạng loạn chất lượng “sao” khách sạn ở Nghệ An diễn ra đã nhiều năm nay, ảnh hưởng tới thương hiệu du lịch tỉnh nhà. Có ý kiến cho rằng, nếu quản lý chặt chẽ, số lượng khách sạn bị thu hồi “sao” chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số đó.

Khách sạn Media (TP. Vinh) - 1 trong 3 khách sạn vừa bị Tổng cục Du lịch thu hồi hạng 3 sao.  Ảnh: Phước Anh
Khách sạn Media (TP. Vinh) - 1 trong 3 khách sạn vừa bị Tổng cục Du lịch thu hồi hạng 3 sao. Ảnh: Phước Anh


Ông Trần Ngọc Khoan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nghệ An cho biết, quy trình tái thẩm định xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch là 3 năm/lần. Theo ông, thời gian này là phù hợp, vì trong 3 năm đó, các vấn đề về chất lượng cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực, cung cách phục vụ, tính bền vững của chất lượng dịch vụ… sẽ được bộc lộ rõ.

“Được công nhận hạng sao đã khó, nhưng giữ được nó còn khó hơn. Nếu chủ khách sạn không đầu tư duy trì cơ sở vật chất, không thường xuyên tập huấn nhân viên… thì chất lượng sẽ tuột dốc rất nhanh. Nhiều khi cứ gắn sao trước biển khách sạn năm này qua năm khác nhưng bên trong thì xuống cấp lắm rồi!” - ông Trần Ngọc Khoan chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nghệ An cũng thẳng thắn bày tỏ quan niệm, việc các khách sạn không giữ được “phong độ” nhưng vẫn gắn sao quảng cáo là một hình thức “treo đầu dê, bán thịt chó”, lừa đảo khách hàng.

Các khách sạn tự phong sao vi phạm đã đành, một số website quảng bá du lịch và đơn vị lữ hành dẫn khách vào cũng là đồng phạm. Vì lợi nhuận, lữ hành ký hợp đồng với khách là nghỉ ở khách sạn 3,4 sao nhưng có khi lại đưa đến cơ sở chất lượng dịch vụ chỉ bằng nhà nghỉ.

Siết chặt thanh tra, hậu kiểm

Theo tìm hiểu, hiện việc cấp sao cho khách sạn đang được áp dụng theo TCVN 4391:2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó quy định 5 tiêu chí mà cơ sở lưu trú phải đạt được để được công nhận khách sạn từ 1 đến 5 sao, bao gồm: vị trí, kiến trúc; trang thiết bị, tiện nghi phục vụ; dịch vụ và mức độ phục vụ; nhân viên phục vụ và vệ sinh.

Theo ông Trần Ngọc Khoan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nghệ An, khó khăn nhất với phần lớn khách sạn khi làm thủ tục thẩm định sao là tiêu chí nhân viên phục vụ. Ông cho rằng, đây là “bài toán khó” không chỉ với du lịch Nghệ An mà còn trên bình diện cả nước.

“Theo quy định của từng hạng sao, đội ngũ nhân lực phải đáp ứng được từ 90% - 100% đã qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, từ khách sạn 1 sao trở lên nhân viên trực tiếp phục vụ phải biết 1 ngoại ngữ thông dụng trong phạm vi giao dịch. Thực tế, để đảm bảo tiêu chí này vô cùng khó, nhất là với đặc thù nhân lực du lịch thời vụ ở Nghệ An” - ông Khoan chia sẻ.

Ngoài ra, nhiều chủ khách sạn cũng “kêu trời” vì tiêu chuẩn thẩm định hạng sao có quá nhiều yêu cầu chi tiết, trong đó có nhiều yêu cầu không mấy hữu ích trong thực tế.

Chất lượng nhân lực là một trong những tiêu chí khó trong thẩm định xếp hạng cơ sở lưu trú. Ảnh minh hoạ
Chất lượng nhân lực là một trong những tiêu chí khó trong thẩm định xếp hạng cơ sở lưu trú. Ảnh minh hoạ


Luật Du lịch sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua vào tháng 6 vừa qua cho phép cơ sở lưu trú được tự nguyện đăng ký xếp hạng sao. Đây được xem là quy định thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Nhiều chuyên gia du lịch nhận định, không cần quá lo lắng về việc quy định “thoáng” sẽ khiến quản lý bị buông lỏng, vì thực tế sẽ chứng minh doanh nghiệp không dại gì mà không đăng ký xếp hạng sao vì đây là cơ sở để quảng bá, chứng minh chất lượng dịch vụ với khách hàng.

Dĩ nhiên, tự nguyện đăng ký xếp hạng sao không đồng nghĩa với việc các khách sạn có quyền tự phong sao. Tự phong sao để quảng cáo khi chưa có văn bản công nhận của cơ quan quản lý nhà nước là hành vi vi phạm pháp luật. Như vậy, khi quy định mới có hiệu lực, Nhà nước chỉ cần dồn sức cho việc thanh, kiểm tra, hậu kiểm chứ không ôm đồm nhiều quy trình như trước đây.

Để lành mạnh thị trường lưu trú du lịch, ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, thời gian tới sẽ quyết liệt siết chặt hậu kiểm, đôn đốc thanh, kiểm tra thường xuyên.

Người đứng đầu ngành Du lịch Nghệ An cũng cho rằng, đối với lĩnh vực kinh doanh khách sạn, thương hiệu và uy tín là yếu tố sống còn, nhất là khi các đánh giá, bình luận chất lượng dịch vụ ngày càng được chia sẻ với tốc độ nhanh trên mạng xã hội.

Thiết nghĩ, để tạo thuận lợi cho du khách trong lựa chọn dịch vụ lưu trú, nên chăng các “kênh” thông tin chính thống của ngành Du lịch Nghệ An như tạp chí, website… cũng cần đăng tải, cập nhật công khai danh sách các khách sạn được xếp hạng sao để tránh tình trạng nhầm lẫn.

Hiện toàn tỉnh có 822 cơ sở lưu trú với 19.703 phòng, nhưng chỉ có 1 khách sạn 5 sao, 6 khách sạn 4 sao, 14 khách sạn 3 sao và hơn 80 khách sạn 1 - 2 sao, hơn 720 cơ sở còn lại đều quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở vật chất và phục vụ hạn chế.

Phước Anh

TIN LIÊN QUAN