Kinh tế 7 tháng qua các con số
(Baonghean) - 7 tháng đầu năm, kinh tế cả nước có nhiều chuyển biến, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng, đầu tư trực tiếp của nước ngoài tăng mạnh về quy mô và thực hiện.
Nông nghiệp có nhiều cải thiện về giá cả và thị trường tiêu thụ
Sau chuỗi ngày giải cứu nặng nề, tháng 7 ghi nhận sự phục hồi giá thịt lợn với mức 42.000 - 45.000 đồng/kg, giúp người chăn nuôi bước đầu có lãi, dù đàn lợn cả nước ước tính giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, trong khi đàn trâu giảm 0,8%, thì đàn bò tăng 2,2%; đàn gia cầm tăng 5%. Mức tăng cũng được ghi nhận đối với sản lượng thủy sản (tăng 5,2%) và tính chung 7 tháng năm 2017, sản lượng thủy sản cả nước ước tính đạt 4.006,2 nghìn tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ 2016; trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2.056,6 nghìn tấn, tăng 4,1% sản lượng thủy sản khai thác đạt 1.949,6 nghìn tấn, tăng 4,7%.
Xuất khẩu rau quả có sự bùng nổ với hơn 3 tỷ USD trong 7 tháng qua, vượt cả xuất khẩu dầu mỏ và gạo. Thị trường gạo cũng khởi sắc bởi sự phục hồi giá và có thêm nhiều hợp đồng tiêu thụ lớn từ Philipines và Trung Quốc.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng
Nhà đầu tư Thái Lan kiểm tra hàng thành phẩm ở Nhà máy Royal Foods Thái Lan, KCN Nam Cấm, Nghệ An. Ảnh tư liệu |
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7 ước tính tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, với ngành chế biến, chế tạo tăng 11,3%, dù ngành khai khoáng giảm 3,5%. Tính chung 7 tháng năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,5% (công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%) tuy thấp hơn mức tăng 7,2% của cùng kỳ năm 2016, nhưng cao hơn mức tăng 6,3% của 6 tháng đầu năm nay; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,8% do Việt Nam chủ động tiết giảm khai thác những lô có giá thành cao.
Cộng đồng doanh nghiệp tăng vọt cả mức khai sinh và khai tử
So cùng kỳ năm trước, trong tháng 7 tiếp tục ghi nhận xu hướng gia tăng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trên tất cả các vùng kinh tế. Tính chung 7 tháng có 72.953 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 690,7 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% về số doanh nghiệp và tăng 39% về số vốn đăng ký; có 17.549 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 5%; tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên hơn 90,5 nghìn doanh nghiệp.
Về cơ cấu, ngành bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ trọng cao nhất (35,5% tổng số doanh nghiệp thành lập mới), và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có tốc độ tăng cao nhất (tăng 68%); Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có số vốn đăng ký mới tăng nhanh nhất, tới 73,2%... Với xu hướng này, chắc chắn năm 2017 sẽ chứng kiến kỷ lục mới về số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Tuy nhiên, thị trường cũng ghi nhận mức tăng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 7 tháng năm 2017 là 6.608 doanh nghiệp, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước và số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 43.274 doanh nghiệp, tăng 19,5%. Mức 49.882 doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc phá sản so với 72.953 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cho thấy tỷ lệ 2/3 là đáng quan ngại.
Biểu đồ doanh nghiệp thành lập mới và giải thể, tạm ngừng của cả nước trong 7 tháng đầu năm 2017. Đồ họa: Hồng Toại |
Tăng tốc thu và giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước
Tính đến 15/7, tổng thu NSNN ước đạt 584,6 nghìn tỷ đồng, bằng 48,2% dự toán năm; Tổng chi NSNN ước đạt 646,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán năm, trong đó chi trả nợ gốc ước tính đạt 110 nghìn tỷ đồng, bằng 67,1% dự toán năm. Tính chung 7 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 140,2 nghìn tỷ đồng, bằng 47,2% kế hoạch năm và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó vốn Trung ương quản lý bằng 45,2% kế hoạch năm và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, vốn địa phương quản lý bằng 47,8% kế hoạch năm và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2016…
Thực tế cho thấy, nếu như tốc độ thu đạt khá tốt, và tốc độ giải ngân đầu tư từ nguồn NSNN trong tháng 7 cao hơn tháng trước và cùng kỳ năm trước, nhưng nhìn chung tình hình giải ngân và thực hiện nguồn vốn này trong 7 tháng qua còn chậm.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài tăng mạnh về quy mô và thực hiện
Tính đến ngày 20/7, cả nước thu hút 1.378 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 12,9 tỷ USD, tuy giảm 2,1% về số dự án, nhưng tăng 48,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, có 677 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5,9 tỷ USD, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 7 tháng năm 2017 lên 18,8 tỷ USD, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 7 tháng đạt 21,9 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng ước tính đạt 9,1 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước và góp vốn, mua cổ phần thì tổng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 7 tháng năm nay đạt 10,8 tỷ USD, chiếm 49,4% tổng vốn đăng ký; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 5,3 tỷ USD, chiếm 24%; các ngành còn lại đạt 5,8 tỷ USD, chiếm 26,6%.
Thanh Hóa có số vốn đăng ký lớn nhất với 3.054,5 triệu USD, chiếm 23,6% tổng vốn đăng ký cấp mới của 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới.
Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 4.808,3 triệu USD, chiếm 37,2% tổng vốn đăng ký cấp mới trong số 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng qua.
TS. Nguyễn Minh Phong
TIN LIÊN QUAN |
---|