Trận chiến ngăn chặn Hồi giáo thống trị châu Âu

04/08/2017 06:22

Thất bại trong trận Tours năm 732 góp phần không nhỏ trong việc chấm dứt tham vọng thống trị châu Âu của người Hồi giáo.

tran-chien-ngan-chan-hoi-giao-thong-tri-chau-au

Lực lượng Frank phòng thủ tại Tours. Ảnh: Wikipedia.

100 năm sau ngày mất của nhà tiên tri Mohammad, các đạo quân Hồi giáo đã chinh phục lãnh thổ rộng lớn trải dài từ Trung Đông đến Tây Ban Nha, trước khi đến vùng Gaul, ngày nay là nước Pháp. Ngày 10/10/732, đội quân Hồi giáo đối đầu với vương quốc Frank theo Cơ đốc giáo trong trận chiến mang tính quyết định nhất lịch sử, ảnh hưởng rất lớn đến diện mạo tương lai của châu Âu, theo National Review.

Sau khi đánh bại đế chế Byzantine, đạo quân Hồi giáo tiến về Bắc Phi như vũ bão và chiếm Ai Cập, Libya, Tunisia, Algeria và Morocco. Năm 711, họ băng qua eo biển Gibraltar để tiến vào châu Âu.

Cuộc chinh phạt của Hồi giáo giúp truyền bá văn hóa và tôn giáo, nhưng cũng gây ra mối đe dọa trực tiếp cho Cơ đốc giáo ở phương Tây. Tại mỗi vùng đất bị chinh phục, người dân buộc phải cải sang đạo Hồi. Sau khi đánh bại tộc người Visigoth ở Tây Ban Nha, đội quân Hồi giáo tiếp tục xâm lược công quốc Aquitaine.

Vua Odo của Aquitaine cầu cứu vương quốc Frank để giúp đẩy lùi cuộc xâm lăng và được hoàng thân Charles Martel, người đứng đầu vương quốc Frank, chấp thuận. Vương quốc Frank khi đó là quốc gia lớn nhất Tây Âu, là nhà nước Cơ đốc giáo, sở hữu quân đội mạnh với bộ binh mang giáp nặng tinh nhuệ làm nòng cốt.

Ngày 10/10/732, 30.000 quân Frank và 80.000 quân Hồi giáo Umayyad đối đầu ở miền đông bắc nước Pháp. Đây là cuộc đối đầu giữa lực lượng bộ binh Frank và kỵ binh của tướng Abdul Rahman Al Ghafiqi.

Hoàng thân Charles ý thức được mối đe dọa từ phía tây nam nên đã xây dựng đội quân với nòng cốt là bộ binh hạng nặng được huấn luyện chuyên nghiệp quanh năm, còn lại lượng nhỏ lính dự bị là nông dân. Họ được trang bị áo giáp nặng, sử dụng vũ khí gồm khiên, dao găm, lao và rìu.

tran-chien-ngan-chan-hoi-giao-thong-tri-chau-au-1

Mũi tiến công vào châu Âu của quân Hồi giáo vào năm 732. Ảnh: Wikipedia.

Đội quân Hồi giáo tự tin vào khả năng nghiền nát mọi đối thủ châu Âu, khiến họ phớt lờ việc trinh sát, tạo điều kiện cho Charles chủ động chọn chiến trường. Ông điều quân ngăn chặn lực lượng Hồi giáo trên đường tấn công Tours. Hoàng thân Charles không chọn những tuyến đường dễ đi nhất, mà chọn cách đối đầu trực diện tại một khu vực nằm giữa Poitiers và Tours.

Lính vương quốc Frank áp dụng đội hình chiến đấu hình vuông giống người Hy Lạp cổ đại. Để chống kỵ binh Hồi giáo, Charles cho quân chiếm các vị trí trên cao có cây cối, địa hình gồ ghề che chắn.

Khi quân Hồi giáo vấp phải đội hình Frank án ngữ phía trước, họ rất ngạc nhiên và bối rối bởi lực lượng trinh sát không nắm được bố trí của đối thủ. Tướng Ghafiqi buộc phải hoãn binh, tìm cách thăm dò đối thủ mới. Việc này đòi hỏi quân Hồi giáo cử lực lượng tuần tra đi nắm thông tin và đụng độ ở quy mô nhỏ, đúng ý đồ của quân Frank.

Quân Hồi giáo phải tác chiến xa quê nhà dưới điều kiện thời tiết lạnh hơn, trong khi người Frank chiến đấu ngay trên lãnh thổ của họ. Việc chiếm vị trí phòng thủ lợi hại trong thời gian dài của quân Frank khiến người Hồi giáo chỉ có thể mạo hiểm tấn công hoặc rút về nước.

Những ngày giao tranh đầu tiên kết thúc nhưng không phe nào chiếm lợi thế rõ ràng. Quân Frank tổ chức phòng ngự chặt chẽ, khiến tướng Ghafiqi ngạc nhiên trước số lượng đông đảo của đối phương. Hai bên liên tục tăng cường quân số để chuẩn bị cho trận đánh quyết định sau một tuần giao tranh nhỏ lẻ.

Quân Hồi giáo cố gắng triệt hạ kẻ thù bằng những đợt tấn công dồn dập của kỵ binh. Trong một vài đợt công kích, kỵ binh Hồi giáo đã đột phá và xuyên thủng đội hình quân Frank, nhưng luôn bị đánh bật lại và chịu nhiều thương vong. Lực lượng của hoàng thân Charles vẫn giữ được đội hình phòng thủ chiến lược.

tran-chien-ngan-chan-hoi-giao-thong-tri-chau-au-2

Trang bị của bộ binh Frank trong trận chiến Tours. Ảnh: Wikipedia.

Ngược lại, các đơn vị trinh sát của quân Frank cũng đột nhập doanh trại quân Hồi giáo, giải phóng tù binh và gây tình trạng hỗn loạn. Tình trạng hậu phương rối loạn cùng mối lo ngại chiến lợi phẩm có thể rơi vào tay quân Frank khiến nhiều nhóm quân Hồi giáo tự ý rút lui, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc tấn công.

Ghafiqi cố gắng chặn đứng đà rút lui, nhưng lại tạo ra nhiều sơ hở trong phòng ngự. Một người lính Frank đã nhân cơ hội này đã ám sát tướng Ghafiqi, khiến quân Hồi giáo trở nên hỗn loạn, tan rã và rút lui về Tây Ban Nha. Quân Frank vẫn giữ chặt đội hình phòng thủ, không tổ chức truy đuổi do sợ bị phục kích.

Các sử gia uớc tính quân Hồi giáo mất khoảng 8.000-10.000 người, trong khi quân Frank thiệt hại khoảng 1.000 lính. Sau trận Tours, hoàng thân Charles với biệt danh "Búa tạ" và vua Odo trở thành những anh hùng của người Cơ đốc giáo. Dù không đè bẹp được đối thủ, trận đánh tại Tours đã chặn đứng sự bành trướng của Hồi giáo ở châu Âu.

"Đến nay, trận Tours vẫn được xem là một trong những sự kiện vĩ đại trong lịch sử thế giới, bởi nó quyết định Cơ đốc giáo hay Hồi giáo sẽ thống trị khắp châu Âu", sử gia Godefroid Kurth nhấn mạnh.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN