Thông tin và rủi ro cần biết khi đầu tư vào tiền điện tử
(Baonghean.vn) - Tiền điện tử (tiền ảo) là hình thức tiền tệ được thiết kế cho mục đích bảo mật và mang đến tính ẩn danh cho giao dịch. Hiện tại, có rất nhiều tiền điện tử đang xuất hiện trên thị trường.
Tiền điện tử hoạt động như thế nào?
Tiền điện tử sử dụng công nghệ phân quyền để cho phép người dùng thực hiện thanh toán an toàn và lưu trữ tiền mà không cần sử dụng tên của họ hoặc thông qua một ngân hàng. Chúng chạy trên một sổ cái công cộng gọi là blockchain - một bảng ghi của tất cả các giao dịch được cập nhật và giữ bởi chủ sở hữu tiền tệ.
Các đơn vị tiền điện tử được tạo ra thông qua một quá trình được gọi là "đào" bằng cách sử dụng sức mạnh máy tính để giải quyết các vấn đề toán học phức tạp và tạo ra tiền. Người dùng cũng có thể mua các loại tiền tệ từ các công ty môi giới, sau đó lưu trữ và chi tiêu chúng bằng cách sử dụng ví tiền điện tử.
Loại tiền điện tử nào phổ biến nhất?
Bitcoin là phiên bản đầu tiên và là loại tiền phổ biến nhất cho đến ngày nay. Loại tiền này do Satoshi Nakamoto phát triển vào năm 2009, đến tháng 7/2017, bitcoin có số vốn hóa thị trường khoảng 45 tỉ USD.
Ethereum được phát triển vào năm 2015, hiện đứng thứ hai sau bitcoin về độ phổ biến và giá trị. Ethereum có vốn hóa thị trường khoảng 18 tỉ USD tính đến tháng 7.2017. Giá trị trong những tháng gần đây của đồng tiền này đạt đến mức cao nhất là 400 USD.
Ripple là một hệ thống sổ cái phân phối được thành lập vào năm 2012 có thể được sử dụng để theo dõi nhiều loại giao dịch, không chỉ riêng tiền điện tử. Nó được sử dụng bởi các ngân hàng bao gồm Santander và UBS và có vốn hóa thị trường khoảng 6,3 tỉ USD.
Itecoin là đồng tiền có hình thức tương tự bitcoin, nhưng đã có những đột phá như thanh toán nhanh hơn và quy trình cho phép nhiều giao dịch hơn. Tổng giá trị của tất cả các litecoin hiện nay khoảng 2,1 tỉ USD.
Tại sao sử dụng tiền điện tử?
Tiền điện tử được biết đến vì an toàn và cung cấp khả năng ẩn danh khi giao dịch. Các giao dịch trong đó không thể giả mạo hoặc đảo ngược và có mức phí thấp, làm cho nó đáng tin cậy hơn tiền tệ thông thường.
Là một hình thức tiền mặt mới, các thị trường tiền điện tử có thể giúp người dùng "cất cánh", đồng nghĩa một khoản đầu tư nhỏ có thể trở thành một khoản tiền lớn chỉ sau một đêm. Đây là điều hình thức tiền tệ thông thường khó lòng làm được. Nhưng chính điều này cũng đồng nghĩa sẽ có nhiều rủi ro nhất định.
Những rủi ro khi đầu tư vào tiền điện tử
1. Không có luật cụ thể cho các sàn giao dịch
Không giống như thị trường chứng khoán vốn được sự kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan chính phủ với vô số luật và quy định chặt chẽ, cùng những quy định tương đối khó khăn để được lên sàn. Thị trường tiền điện tử khá tự do, hầu như không có một hạn chế gì để coin có thể được lên các sàn, thậm chí không quá khó khăn để có thể tạo ra một sàn giao dịch cho các loại tiền điện tử.
Có những sàn tìm cách giữ uy tín bằng việc giới hạn chỉ những coin đáng tin cậy mới được đem giao dịch, có nhiều sàn khá dễ dãi trong việc chấp nhận rất nhiều loại coin. Có những sàn thu phí giao dịch, cũng có những sàn không thu phí giao dịch nên thông tin thống kê về dung lượng giao dịch có thể không chính xác.
Chính vì không có những luật pháp và quy định ràng buộc cho nên riêng các hoạt động tại sàn giao dịch đã chứa đựng rất nhiều rủi ro cho người giao dịch. Ngoài ra nhìn vào thông tin trên các sàn mà đánh giá sẽ còn có rất nhiều yếu tố không chính xác nữa.
2. Nguy cơ thao túng thị trường
Không giống như thị trường chứng khoán có nhiều giới hạn bởi luật pháp và quy định của các uỷ ban chứng khoán quốc gia nên việc thao túng thị trường tuy vẫn có nhưng khó khăn hơn so với trên các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số nơi không có quy định cụ thể nào. Bởi thế việc thực hiện những thủ thuật để thao túng thị trường trên các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số là không mấy khó khăn.
Những phần mềm rô bốt trên sàn được lập trình ra không mấy khó khăn cho phép những người chủ của nó tha hồ tạo ra những giao dịch ảo nhằm nâng giá hoặc hạ giá. Không những vậy người ta còn công khai mua bán các con rô bốt và cho thuê chúng cho những người cần.
Cộng với việc nhiều sàn không tính phí giao dịch nên người ta tha hồ đặt các giao dịch ảo để làm cho dung lượng giao dịch của một loại coin mới trông như rất nhiều nhưng thực ra chỉ là các giao dịch ảo của các rô bốt đó với nhau.
3. Hacker và vấn đề bảo mật của các sàn
Do không có luật hay quy định nào ràng buộc trách nhiệm cụ thể của các sàn, nên nếu sàn bị hack thì đối với những sàn lớn, họ có thể có những đền bù nào đó, còn lại có lẽ hầu hết các sàn bị hack thì không thể nào lấy gì đền bù cho khách hàng. Cụ thể trường hợp một sàn Bitcoin rất lớn đã bị sập năm 2014 là Mt. Gox - do bị hacker xâm nhập và đánh cắp đi toàn bộ số Bitcoin của người dùng tải lên sàn.
Các sàn nhỏ yếu tố bảo mật còn kém hơn rất nhiều. Việc một sàn hỗ trợ nhiều loại coin cũng chứa đựng nhiều rủi ro, vì có người lập ra một loại coin ảo để cài mã độc vào máy của sàn giao dịch với mục đích rút tiền của các ví tiền khác.
4. Rất nhiều yếu tố ảo
Ngoài việc lượng giao dịch ảo, người dùng ảo, hacker tấn công... thì còn có rất nhiều các yếu tố ảo khác như có thể tạo ra một loại coin mới với thông tin giới thiệu rất hay nhưng thực chất không có gì, hoặc tạo nhiều nick ảo tham gia nhiều diễn đàn và mạng xã hội để tung tin đánh lừa làm lầm tưởng một loại coin là tốt, là có nhiều người dùng, có nhiều giao dịch...
Chưa kể đến những nhu cầu kiếm tiền nhanh của những tay đầu cơ có thể nhân cơ hội nào đó để thổi giá một loại coin rác vớ vẩn nào đó lên tận mây xanh để thu hút những người nhẹ dạ.
Để nhận ra những yếu tố ảo này không đơn giản, nó đòi hỏi phải tìm tòi thông tin, so sánh và thử nghiệm.
5. Có thể đẻ ra bao nhiêu loại coin tuỳ thích
Các loại tiền kỹ thuật số để mà đáng tin thì phải ở dạng mã nguồn mở để mọi người có thể xem và kiểm tra mã nguồn của nó xem có đáng tin cậy hay không. Nhưng tiếc thay điều đó lại cho phép người ta sao chép và sửa đổi mã nguồn của các coin để tạo ra những coin mới một cách rất nhanh chóng và dễ dàng.
Nhưng để kiểm tra mã nguồn của các loại coin thì không hề đơn giản, riêng đọc và hiểu chúng cũng cực kỳ khó khăn, hơn nữa số lượng dòng lệnh trong mỗi loại coin là rất nhiều mà lượng coin mới thì được sinh ra mỗi ngày một nhiều hơn.
6. Quá dễ để sao chép các tính năng của nhau
Một loại tiền kỹ thuật số có được một công nghệ tiên tiến được nhiều người đánh giá rất cao, nhưng khi được công bố thì mã nguồn của nó được công khai và người ta chỉ cần vài thao tác là có thể tạo ra một loại coin mới từ nó.
Ngoài ra, một loại coin có sẵn cũng có thể sao chép tính năng của những coin khác nên về mặt kỹ thuật, người ta có thể sao chép của nhau hoặc nhân bản ra coin mới là tương đối dễ dàng.
7. Rất khó rút tiền thông thường nhất là khi thị trường hoảng loạn
Việc mua bán tiền kỹ thuật số trải qua một số công đoạn nhất định, thường người ta giao dịch trao đổi giữa các loại coin với nhau chứ ít giao dịch coin sang tiền thông thường. Nhất là ở Việt Nam việc giao dịch bằng tiền thông thường là rất khó khăn và mất nhiều thời gian.
Do đó, nếu thị trường có tin xấu làm giá cả đồng loạt giảm xuống thì có rất nhiều người bán ra và rất ít người mua coin, cho nên sẽ rất khó khăn nếu khi thị trường hoảng loạn mà rút ra tiền mặt thông thường.
8. Những rủi ro liên quan đến việc bảo quản coin của bạn
Ngoài các yếu tố rủi ro trên, việc bảo quản coin của bạn cũng có thể có những rủi ro nhất định như hỏng máy, hỏng ổ đĩa, quên mật khẩu, không đặt mật khẩu nên bị người khác lấy mất, Hacker thâm nhập máy và chuyển mất tiền, bị lừa qua mạng.
Ngọc Anh
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|