Nga - Trung Quốc khẳng định quan hệ 'ở mức cao chưa từng có'

02/07/2017 19:38

(Baonghean) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 2/7 đã bắt đầu chuyến thăm chính thức hai ngày tới Nga và có cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin. Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng, hai nhà lãnh đạo đã có tới 3 cuộc gặp song phương - một tần suất dày đặc ít thấy trong quan hệ quốc tế.

Sự kiện này một lần nữa khẳng định Trung Quốc và Nga đang hết sức coi trọng mối quan hệ mà hai bên gọi là “ở mức cao chưa từng có”, bất chấp những nhận xét bên ngoài về mối quan hệ được xây dựng trên nền tảng tính toán lợi ích của mỗi bên chứ không phải là sự chân thành.

Nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin và ông Tập Cận Bình
Nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin và ông Tập Cận Bình có tần suất gặp gỡ song phương dày đặc với 3 cuộc gặp trong vòng 3 tháng. Ảnh internet

Điểm nhấn kinh tế

Trước thềm chuyến thăm, phía Trung Quốc đã nhấn mạnh đây là “sự kiện quan trọng nhất trong năm” trong các quan hệ song phương của Trung Quốc và sẽ “mang lại chất xúc tác mới cho sự phát triển quan hệ song phương” trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế thế giới còn chậm và hình hình quốc tế có nhiều biến động.

Những thỏa thuận được ký giữa hai bên trong chuyến thăm này của ông Tập Cận Bình lên tới 10 tỷ USD. Các lĩnh vực hợp tác ngoài năng lượng còn có tài chính, tàu cao tốc, xây dựng hạ tầng, nghiên cứu vũ trụ, nông nghiệp, khoa học và công nghệ, sáng tạo, cung cấp điện xuyên biên giới.

Việc kinh tế - thương mại được xác định là trọng tâm trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch Tập Cận Bình không có gì bất ngờ, bởi dư luận đều nhận thấy đây chính là sợi dây vững chắc xuyên suốt trong quan hệ Nga - Trung thời gian gần đây, kể từ khi Nga bị các nước phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Trung Quốc và Nga đã có nhiều cuộc đối thoại kinh tế sâu rộng và ngày một nồng ấm hơn với điểm nhấn quan trọng là hợp đồng cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga cho Trung Quốc trị giá 400 tỷ USD đến năm 2030 - một con số “khủng” hiếm có trong các thỏa thuận thương mại song phương.

Bên cạnh ý chí chính trị, tính chất bổ sung rất cao giữa hai nền kinh tế Nga và Trung Quốc là điều kiện thuận lợi để hai nước đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại. Thế mạnh lớn nhất của Nga chính là điều mà Trung Quốc luôn luôn cần: năng lượng. Ngược lại, Trung Quốc trở thành nguồn cung cấp vốn quan trọng cho các doanh nghiệp Nga.

Vấn đề hạt nhân Triều Tiên không thể “gây khó” cho cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Vladimir Putin (KCNA).
Vấn đề hạt nhân Triều Tiên không thể “gây khó” cho cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Vladimir Putin. Ảnh: KCNA

Đà hợp tác giữa hai nước hiện còn đang có động lực mới, đó chính là sự phục hồi đều đặn của nền kinh tế Nga kể từ nửa sau năm 2016 sau khoảng thời gian 2 năm lao đao bởi giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt của phương Tây. Năm ngoái, Nga đã chặn được đà suy giảm và năm 2017 này, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến sẽ vươn lên mức 1,5-2%.

Ở phía bên kia, kinh tế Trung Quốc cũng đạt những tín hiệu tích cực. Mặc dù tốc độ tăng trưởng có chậm hơn một vài năm trước, nhưng nền kinh tế Trung Quốc đang được chuyển đổi một cách vững chắc, GDP năm 2017 vẫn được dự báo ở mức 6,8% - một con số đáng mơ ước trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nhờ triển vọng kinh tế lạc quan của cả hai bên, Trung Quốc năm 2016 là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Trong 4 tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái, lên hơn 24.5 tỷ USD. Hai bên hiện đang quyết tâm đưa kim ngạch thương mại song phương lên 200 tỷ USD vào năm 2020.

“Cặp bài trùng” trong các điểm nóng quốc tế

Hợp tác kinh tế là nền tảng rất quan trọng đưa Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau trong hàng loạt vấn đề then chốt của khu vực và toàn cầu, nổi bật nhất hiện là tình hình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Trước khi chuyến thăm diễn ra, từng có ý kiến cho rằng vấn đề Triều Tiên có thể là một khúc mắc trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, sau khi Nga bất ngờ công bố “lộ trình” để giải quyết vấn đề Triều Tiên, động thái được xem là cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc.

Tuy vậy, nếu nhìn nhận một cách kỹ lưỡng thì những đề xuất mà Nga đưa ra trong “lộ trình” mới có nhiều tương đồng so với những đề xuất trước đây của Trung Quốc, đặc biệt là cách tiếp cận phản đối gia tăng sức ép và can dự như Mỹ đang theo đuổi; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu Mỹ và Triều Tiên cùng cần hành động để giảm nhiệt tình hình hướng tới mục tiêu cuối cùng là các bên quay trở lại đàm phán.

Nga – Trung vẫn là “cặp bài trùng” trong trục quan hệ 3 nước lớn (New China)
Nga - Trung vẫn là “cặp bài trùng” trong trục quan hệ 3 nước lớn: Ảnh: New China

Nhiều người còn cho rằng, nhiều khả năng Nga đã có trao đổi cụ thể với phía Trung Quốc trước khi đưa ra “lộ trình” này nhằm tạo sức nặng trong tiếng nói của các nước lớn về vấn đề Triều Tiên khi Trung Quốc đang chịu sức ép ngày càng tăng từ phía Mỹ.

Bởi thế, trái với nhận định rằng vấn đề Triều Tiên sẽ “phủ bóng” cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đây lại chính là cơ hội để Nga và Trung Quốc cho thấy sự đồng thuận của hai đối tác chiến lược toàn diện.

Cách Nga ngầm ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên cũng giống như cách Trung Quốc ngầm ủng hộ Nga trong vấn đề Syria, và không khó để nhận thấy rằng khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc cần thông qua bất kỳ nghị quyết liên quan đến hai “điểm nóng” này, Nga và Trung Quốc thường có phiếu giống nhau.

Tại Diễn đàn quốc tế diễn ra mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có phát biểu rằng ba nước lớn Mỹ, Nga, Trung Quốc có thể hợp tác để giải quyết các vấn đề của thế giới, thay vì Mỹ và Trung Quốc hợp tác chống lại Nga hay Nga và Trung Quốc hợp tác chống lại Mỹ. Nhưng dư luận cho rằng, viễn cảnh về sự hợp tác thiện chí giữa 3 “ông lớn” là khá xa vời.

Vì vậy, việc Nga và Trung Quốc có cùng lá phiếu giống nhau sẽ còn tiếp tục, như một cách để chứng minh sự khẳng định mà cả Nga và Trung Quốc cùng nhiều lần nhắc tới rằng "bất kể tình hình quốc tế thay đổi thế nào, phát triển và làm sâu sắc quan hệ Trung - Nga là lựa chọn chiến lược cho cả hai nước".

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN