'Mổ xẻ' lý do đội trẻ SLNA thường vấp ngã trước 'cổng thiên đàng'

10/08/2017 11:17

(Baonghean.vn) – U15 SLNA vừa dừng bước tại bán kết U15 Quốc gia. Và trong 3 năm trở lại đây người ta đã quen với các đội trẻ SLNA thất bại trong những trận đấu quyết định.

Tâm lý

Khi quá nặng nề về áp lực thành tích, các cầu thủ trẻ dễ bị căng cứng và không còn kiểm soát được trận đấu và cuốn vào lối chơi của đối phương. Điều này khiến cho những pha xử lý cá nhân trở nên lúng túng, các đường phối hợp bị bẽ gãy. Tấn công nhiều mà không ghi được bàn thắng, các cầu thủ trẻ dễ bị nôn nóng.

Khi gặp bàn thua các cầu thủ đã "không còn là chính mình" và quan trọng nhất là thể lực đi xuống. Tại trận bán kết U15, chính vì đã thua trước đối thủ này cách đây một năm khiến cho các học trò HLV Ngô Quang Trường có thừa quyết tâm nhưng thiếu đi sự tỉnh táo cần thiết.

Nỗi buồn của các cầu thủ U15 SLNA khi thất bại 0-2 trước Viettel tại bán kết - Ảnh: Hoài Hoan
Nỗi buồn của các cầu thủ U15 SLNA khi thất bại 0-2 trước Viettel tại bán kết - Ảnh: Hoài Hoan

Thua vì người nhà

Năm 2015, tại trận bán kết giữa U17 Viettel và U17 SLNA, một cầu thủ gốc Nghệ An đã ghi bàn vào lưới đội bóng quê hương là Trần Văn Bửu. Hai năm sau, lại một cầu thủ gốc Nghệ An khác là Nguyễn Ngọc Tú đang thi đấu cho U15 Viettel 'gieo sầu' cho đội bóng quê hương bằng bàn thắng mở tỷ số.

Trong nhiều năm trở lại đây, các tài năng bóng đá xứ Nghệ đầu quân cho các lò đào tạo khác diễn ra khá phổ biến. Trình độ của các đối thủ nặng ký như Viettel, HAGL, PVF đều ngang ngửa hoặc đã vượt SLNA, vì vậy thất bại ở những trận đấu quyết định là điều có thể lý giải được.

Thiếu may mắn

Đa số những trận thua ở vòng loại trực tiếp đều để lại những sự tiếc nuối nhất định. Các đội trẻ SLNA đều chơi tấn công nhiều nhưng trong những tình huống quyết định thì lại không thể ghi bàn hoặc do thiếu may mắn. Tâm lý thi đấu kết hợp với việc đối thủ tấn công ít hơn nhưng hiệu quả hơn dẫn đến các cầu thủ SLNA bị ức chế tâm lý. Tại trận chung kết U13 Quốc gia năm 2016, U13 SLNA đã lỡ chức vô địch chỉ vì không thể giải quyết trận đấu trong 2 hiệp và phải bước vào loạt sút Penatly đầy cân não với Viettel. Và mới đây, U13 SLNA tiếp tục thất bại trước đối thủ này tại bán kết vì nguyên nhân này.

U15 SLNA nhận tấm huy chương đồng tại VCK U15 Quốc Gia năm nay cũng là một thành tích đáng khen ngợi bởi 9 năm qua, U15 SLNA chưa lọt vào bán kết - Ảnh: Hoài Hoan
U15 SLNA nhận tấm huy chương đồng tại VCK U15 Quốc Gia cũng là một thành tích đáng khen ngợi bởi suốt 9 năm qua, U15 SLNA chưa lọt vào bán kết - Ảnh: Hoài Hoan

Sự trỗi dậy của các lò đào tạo khác

Hiện nay lò đào tạo SLNA đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề sân bãi, điều kiện tập luyện. Và quan trọng nhất là hệ thống giáo án, kế hoạch của các HLV trẻ chưa đồng bộ. Trong khi đó, các lò đào tạo khác như PVF hay Viettel không những có được đầu vào chất lượng, mà còn có quy trình đào tạo bài bản và khoa học. Đồng thời, các đối thủ cũng được đầu tư mạnh mẽ hơn nên việc lò SLNA đánh mất vị trí độc tôn là điều dễ hiểu.

Dù sao, mục tiêu chính của công tác đào tạo trẻ không phải là danh hiệu. Và để có được thành công thì điều quan trọng nhất xuất phát từ chất lượng của các cầu thủ được đào tạo. Từ đó, có bao nhiêu cầu thủ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, gánh vác trọng trách tại CLB cũng như ĐTQG mới là bộ mặt của một trung tâm đào tạo. Vì vậy, để vực dậy vị thế của đào tạo trẻ SLNA không phải là một trận thắng, một chức vô địch mà là một kế hoạch vĩ mô và dài hơi.

Trung Kiên

TIN LIÊN QUAN