Chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng

17/09/2017 07:39

(Baonghean.vn) - Thủ tướng yêu cầu điều tra, làm rõ vụ phá rừng tại Bình Định; Tăng cường chăm sóc phát triển trẻ em toàn diện; Nghiên cứu trường hợp chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần; Triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ;... là những chỉ đạo nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng.

1. Thủ tướng yêu cầu điều tra, làm rõ vụ phá rừng tại Bình Định

Một phần hiện trường diện tích rừng ở xã An Hưng, huyện An Lão bị tàn phá. Ảnh: Báo Bình Định
Một phần hiện trường diện tích rừng ở xã An Hưng, huyện An Lão bị tàn phá. Ảnh: Báo Bình Định

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo xử lý vấn đề báo nêu về vụ phá rừng tự nhiên tại huyện An Lão, tỉnh Bình Định.

Trước đó, các báo điện tử: VTV.vn, ANTV… đã có thông tin phản ánh về vụ việc phá rừng tự nhiên tại xã An Hưng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ những vụ việc phá rừng tự nhiên trên địa bàn xã An Hưng, huyện An Lão như thông tin báo chí phản ánh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/10/2017.

2. Tăng cường chăm sóc phát triển trẻ em toàn diện

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án "Tăng cường chăm sóc phát triển trẻ em toàn diện gắn liền với đổi mới hệ thống y tế tại Việt Nam" do Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF) tài trợ.

Dự án nhằm góp phần tăng cường năng lực của hệ thống y tế trong lĩnh vực bà mẹ - trẻ em nhằm mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng cho phát triển trẻ em toàn diện (IECD) bao gồm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc dinh dưỡng, vệ sinh môi trường cho trẻ em đặc biệt là nhóm trẻ dễ bị tổn thương góp phần đảm bảo hòa nhập xã hội và công bằng xã hội vì chất lượng của giống nòi cũng như chất lượng của nguồn nhân lực xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tương lai.

Dự án được thực hiện từ năm 2017 - 2021, địa điểm thực hiện dự án cấp quốc gia (tại Hà Nội) và 3 tỉnh trọng điểm: Gia Lai, Kon Tum và Điện Biên.

3. Nghiên cứu trường hợp chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xác định hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe và các ngành nghề tương tự có thuộc diện không thực hiện cổ phần hóa trong khái niệm "bệnh viện, trường học" hay không, theo chủ trương "cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện, trừ các bệnh viện, trường học" nêu tại Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 1/10/2017 để thống nhất triển khai, thực hiện chủ trương này của Đảng.

Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét việc chuyển Trung tâm Dạy nghề giao thông vận tải Hải Dương thành công ty cổ phần sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo.

4. Lập Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” để giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” lần thứ 14.

Theo đó, ông Phùng Xuân Nhạ, Giáo sư, Tiến sĩ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm Chủ tịch Hội đồng. Phó Chủ tịch gồm: Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (thường trực); bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Hội đồng cấp Nhà nước xét phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” lần thứ 14 có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ xem xét, lựa chọn những cá nhân có đủ tiêu chuẩn, trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” lần thứ 14.

5. Triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ

Diễn tập phòng, chống cháy nổ. Ảnh minh họa.
Diễn tập phòng, chống cháy nổ. Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Mục đích của kế hoạch là xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm bảo đảm triển khai thi hành Luật kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc tổ chức các hoạt động triển khai thi hành Luật trên phạm vi cả nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải nâng cao trách nhiệm, tích cực, chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch theo đúng nội dung, tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có lộ trình cụ thể để bảo đảm từ ngày 1/7/2018, Luật được thực hiện thống nhất, đầy đủ, đồng bộ trên phạm vi cả nước.

6. Chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Luật hợp tác xã

 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luậncủa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã về tiến độ triển khai sơ kết 05 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.

Thông báo kết luận nêu rõ, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (Ban Chỉ đạo) được thành lập theo Quyết định số 352/QĐ-TTg ngày 22/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo có chức năng nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng về các chủ trương, chính sách và giải pháp chiến lược nhằm đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; giúp Thủ tướng chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã được phê duyệt.

7. Khuyến khích thành lập cơ sở trợ giúp xã hội

 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhà nước khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thành lập cơ sở trợ giúp xã hội để chăm sóc, trợ giúp đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội trên lãnh thổ Việt Nam.

Các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội gồm: 1- Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi; 2- Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 3- Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật; 4- Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; 5- Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp thực hiện việc chăm sóc nhiều đối tượng bảo trợ xã hội hoặc đối tượng cần trợ giúp xã hội; 6- Trung tâm công tác xã hội thực hiện việc tư vấn, chăm sóc khẩn cấp hoặc hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho đối tượng cần trợ giúp xã hội; 7- Cơ sở trợ giúp xã hội khác theo quy định của pháp luật.

8. Đơn giản hóa 30 TTHC ngành Giáo dục và Đào tạo

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chính phủ vừa thông qua Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, nội dung đơn giản hóa liên quan đến 30 thủ tục hành chính trong 4 lĩnh vực: 1- Giáo dục và Đào tạo (24 thủ tục); 2- Tiêu chuẩn nhà giáo (2 thủ tục); 3- Quy chế thi tuyển sinh (2 thủ tục); 4- Hệ thống văn bằng, chứng chỉ (2 thủ tục).

Chính phủ giao Bộ giáo dục và Đào tạo căn cứ nội dung Phương án đơn giản hóa được Chính phủ thông qua, trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ, bãi bỏ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

9. Phê duyệt Danh sách thành viên Ủy ban quốc gia về trẻ em

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Danh sách thành viên Ủy ban quốc gia về trẻ em theo Quyết định 856/QĐ-TTgngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Chủ tịch Ủy ban quốc gia.

Theo Quyết định 856/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em, Ủy ban quốc gia về trẻ em có nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, điều phối giữa các bộ, ngành và địa phương để giải quyết các vấn đề về trẻ em, thực hiện quyền trẻ em; đề xuất phương hướng, giải pháp để thực hiện các vấn đề liên quan đến trẻ em và thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.

10. Báo cáo tình hình xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án ngành công thương

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luậncủa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ liên quan dự thảo Báo cáo Thường trực Ban Bí Thư, Quốc hội về tình hình xử lý các tồn tại, yếu kém đối với 12 dự án, doanh nghiệp thuộc ngành công thương thời gian vừa qua, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9/2017.

Bộ Công Thương kiên quyết chỉ đạo, đôn đốc các dự án, doanh nghiệp hoàn thành cơ bản việc xử lý tồn tại, vướng mắc về hợp đồng EPC trong năm 2017. Trường hợp phức tạp, còn nhiều vướng mắc thì xem xét, cho gia hạn đến hết Quý I/2018, doanh nghiệp, dự án phải rà soát, báo cáo và có cam kết, lộ trình xử lý cụ thể.

Đồng thời chỉ đạo, đôn đốc việc kiện toàn Ban Chỉ đạo ở các đơn vị cơ sở và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về tình hình, tiến độ xử lý của các dự án, doanh nghiệp.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN