Bắt đầu trục vớt tàu VTB 26, tìm hai thuyền viên còn mất tích

10/08/2017 10:30

(Baonghean.vn) - Phía nhà thầu dự kiến mất khoảng 15 ngày để hoàn thành việc trục vớt tàu VTB 26 với tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng.

Sáng 10/8, ông Vương Bình Minh, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nghệ An chủ trì buổi họp, bàn về kế hoạch trục vớt tàu VTB 26 bị chìm tại vùng biển Cửa Lò trong cơn bão số 2. Dự buổi làm việc có đại diện Bộ đội biên phòng tỉnh, lãnh đạo Thị xã Cửa Lò, chủ tàu, bảo hiểm, nhà thầu chịu trách nhiệm trục vớt, thân nhân 2 thuyền viên mất tích và một số cơ quan liên quan.

Ông Vương Bình Minh, chủ trì buổi làm việc. Ảnh. Tiến Hùng.
Ông Vương Bình Minh chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Tiến Hùng.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thu, Phó giám đốc Công ty TNHH Minh Thu, nếu không có sự cố bất thường, sẽ mất khoảng 15 ngày để hoàn thành công việc với tổng chi phí ước tính 4,5 tỷ đồng. “Nhiều phương tiện sẽ tham gia vào việc trục vớt trong đó có 5 xà lan, 1 xà lan dùng để chở thiết bị trục vớt, 4 cái còn lại sẽ đặt cẩu chữ A có sức nặng từ 150 đến 250 tấn. Ngoài ra còn có các phương tiện ứng phó tràn dầu, máy nén khí, xuồng máy, tàu lai dắt….”, lãnh đạo công ty được thuê để trục vớt nói.

Trước khi trục vớt, lực lượng này sẽ thả phao quây chống sự cố tràn dầu trong quá trình thi công. Sau đó, sẽ cử thợ lặn xử lý thủng tàu. Kiểm tra lại và đóng tất cả các van két nhiên liệu, lỗ thông hơi.

Do 2 thuyền viên mất tích được nghi ngờ vẫn còn bị mắc kẹt trên tàu nên lực lượng trục vớt sau đó sẽ dùng máy hút sỏi cát ở những vị trí bị vùi lấp để tìm kiếm người mất tích. Sau khi hút sỏi xong, tiếp tục cử thợ lặn vào cabin các tầng 1,2,3 tìm kiếm 2 thuyền viên.

h
Thân nhân các thuyền viên còn mất tích trong vụ chìm tàu. Ảnh: Tiến Hùng.

“Đơn vị trục vớt phải chú trọng vào môi trường, đặc biệt là chủ động ứng phó sự cố tràn dầu vì trên tàu ước tính đang chứa hơn 10.000 lít dầu. Công việc trục vớt phải được triển khai ngay trong ngày hôm nay”, ông Vương Bình Minh nói và đề nghị các đơn vị liên quan tạo điều kiện để đơn vị thi công hoàn thành việc trục vớt đúng tiến độ.

Sau khi hoàn thành công đoạn tìm người mất tích, lực lượng trục vớt sẽ dùng các sà lan lật tàu lại sau đó nâng nổi mũi tàu rồi dùng bơm nước công suất lớn bơm cuốn chiếu làm nổi tàu. Sau khi trục vớt xong sẽ kéo tàu ra Hải Phòng bàn giao cho chủ tàu. Đồng thời thi công hoàn trả lại mặt bằng bị lồi do hàng hóa trên tàu rơi xuống biển hoặc do quá trình thi công để tìm kiếm cứu nạn người mất tích, làm lõm đáy biển.

Tàu VTB 26 bị chìm ở vùng biển Cửa Lò. Ảnh. Tiến Hùng.
Tàu VTB 26 bị chìm ở vùng biển Cửa Lò. Ảnh: Tiến Hùng.

Trước đó, khoảng 2h ngày 17/7, tàu VTB 26 chở 4.700 tấn than phát tín hiệu cấp cứu khi neo đậu tránh bão tại đảo Hòn Ngư (Nghệ An). Con tàu sau đó lật úp, nhiều thuyền viên rơi xuống biển. Trong ngày đầu tiên cứu hộ, 7 thuyền viên đã được cứu sống cùng 2 thi thể khác. 4 người còn lại mất tích. Vị trí tàu chìm cách bờ khoảng hơn 3 hải lý, cách phía bắc Đảo Ngư chừng 800m. Khu vực này có độ sâu khoảng 10m.

Sau khi tàu bị chìm, mặc dù lực lượng cứu hộ nhận định một số người vẫn còn mắc kẹt trong tàu, nhưng không thể huy động thợ lặn tìm kiếm bởi lúc này sóng to, nước tại khu vực này đục ngầu, che khuất tầm nhìn.

Đến nay, vẫn còn hai nạn nhân còn mất tích là Nguyễn Văn Chiêu (29 tuổi, sĩ quan boong) và Nguyễn Hải Quyết (26 tuổi, thủy thủ), cùng quê Hải Phòng.Tàu VTB 26 dài gần 100 mét, rộng hơn 15 mét, trọng tải gần 6.000 tấn

Tiến Hùng

TIN LIÊN QUAN