7 điều cần biết về văn hóa ứng xử ở các nước ASEAN

03/08/2017 14:31

(Baonghean.vn) - Với nền văn hóa - xã hội lâu đời và đa dạng ở các nước Đông Nam Á thì việc tìm hiểu thị trường, thủ tục giao thương giữa các nước trong khối ASEAN vẫn chưa đủ mà cần phải tìm hiểu về văn hóa ứng xử của các nước này nếu muốn thành công.

Sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ nâng cao vị thế của hiệp hội trong cấu trúc kinh tế khu vực và thế giới, mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp bên ngoài lẫn giữa các thành viên ASEAN.

Giới đầu tư hy vọng khi ASEAN tiến tới một thị trường chung, các luật lệ, quy định và tiêu chuẩn kinh doanh sẽ được đồng nhất, dẫn đến môi trường làm ăn ngày càng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nắm vững về thủ tục, thị trường thôi vẫn chưa đủ. Đông Nam Á nói chung và các nước thành viên nói riêng có nhiều truyền thống và quy tắc ứng xử mà một nhà đầu tư cần phải tôn trọng để đảm bảo thành công.

1.Tục lệ chào hỏi

Người Thái thì vẫn luôn gìn giữ cách vái chào theo kiểu truyền thống.
Người Thái thì vẫn luôn gìn giữ cách vái chào theo kiểu truyền thống.

Khi chào hỏi đối tác, Việt Nam và một số nước trong khối đã quen với cách bắt tay của phương Tây. Người Philippines đôi khi còn tỏ ra khá thân mật, đàn ông có thể vỗ vai nhau sau khi bắt tay còn phụ nữ thì hôn lên má. Ngược lại, nhiều người theo đạo Hồi ở Brunei, Malaysia và Singapore ngại bắt tay người khác phái và chỉ cúi chào. Người Thái thì vẫn luôn gìn giữ cách vái chào theo kiểu truyền thống, người nhỏ hơn hay chức vụ thấp hơn vái chào trước và cúi sâu hơn để thể hiện sự kính trọng.

2.Tiệc mời đối tác

Hợp tác làm ăn không thể thiếu những buổi tiệc hay ăn trưa. Indonesia, với dân số 240 triệu người, là nước có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất thế giới. Do đó, tiệc mời đối tác tại đây tuyệt đối không được có thịt lợn.

3. Thời gian hội họp

Ở các nước có người Hồi giáo sinh sống thì cần biết rằng: Người Hồi giáo cầu nguyện 5 lần mỗi ngày nên doanh nghiệp làm việc tại các nước này nên tìm hiểu để tránh tổ chức hội họp vào những giờ đó.

4. Quà tặng

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đối với đất nước Indonexia quà tặng nhất thiết không phải là thức uống có cồn và bất kỳ thực phẩm nào mang tặng phải có dấu "halal" dành cho người Hồi giáo.

Người tặng quà cũng nên để ý đến ý nghĩa màu sắc ở từng nước để chọn giấy gói phù hợp. Ví dụ màu đen và xanh dương là màu tang ở Singapore cũng như không được ưa chuộng ở Thái Lan. Người Thái thích màu vàng và người Indonesia cũng tin các màu vàng, đỏ mang lại may mắn còn người Philippines hầu như không kiêng kỵ về màu sắc.

5. Mở đầu cuộc họp

Nhiều nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, thường mở đầu cuộc họp bằng những cuộc trò chuyện nhỏ đôi khi không liên quan đến công việc. Vì thế, doanh nghiệp Việt muốn tìm cơ hội tại Singapore cần lưu ý rằng ở nước này, cuộc họp thường đi thẳng vào vấn đề ngay từ đầu.

6.Trao danh thiếp

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ở Việt Nam, khi trao danh thiếp thì nhìn mặt nhau để thể hiện sự tôn trọng. Còn ở Singapore thì ngươc lại, nhìn mặt nhau khi trao danh thiếp thể hiện sự bất lịch sự, mà chỉ nhìn thoáng vào mắt đối tác rồi cúi xuống, có thể nhìn vào danh thiếp.

7. Tặng quà

Ở Myanmar việc tặng quà nho nhỏ cho quan chức và nhân vật chủ chốt trong công ty là chuyện bình thường. Nhưng ở Campuchia và Singapore thì việc tặng quà trong cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp được xem là hối lộ./.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN