Người thân thuyền viên mất tích phản ứng với công tác cứu hộ tàu chìm
(Baonghean.vn) - Người thân thủy thủ Quyết cho rằng, công tác trục vớt tàu được thực hiện quá chậm trễ trong khi vẫn còn hai thuyền viên mất tích nghi bị mắc kẹt trong tàu.
» Bắt đầu trục vớt tàu VTB 26, tìm hai thuyền viên còn mất tích
Sáng 10/8, một số đơn vị liên quan cùng họp bàn về kế hoạch trục vớt tàu VTB 26 bị chìm ở vùng biển Cửa Lò (Nghệ An), hơn 3 tuần trước. Tại đây, người thân của thuyền viên còn mất tích đã phản ứng về quá trình cứu hộ.
“Khi triển khai đội thợ lặn, lực lượng cứu hộ và chủ tàu đã không cho đánh dấu những vị trí đã tìm. Khi tôi xin được sơ đồ con tàu này và tìm hiểu thì mới phát hiện một phòng bị sót, tôi trực tiếp hỏi thợ lặn thì họ cũng thừa nhận. Chúng tôi có ghi âm đầy đủ”, ông Nguyễn Hải Thịnh, bác ruột của thuyền viên Nguyễn Hải Quyết (26 tuổi, quê Hải Phòng) nói. Mặc dù là thủy thủ nhưng Quyết bị say sóng. Tối xảy ra vụ việc, các thuyền viên khác xác nhận Quyết mệt nên đóng kín cửa nằm nghỉ.
Bố thủy thủ Quyết (trái) và bác ruột trong cuộc họp. Ảnh. Tiến Hùng |
Từ thông tin này, người thân của thủy thủ cho rằng, căn phòng mà các thợ lặn bỏ sót chính là nơi Quyết đang bị mắc kẹt. “Lúc thợ lặn phát hiện thi thể cuối cùng trong đợt tìm kiếm, vị trí đó chỉ cách phòng của Quyết một mét. Hành lang vẫn còn đi lại được, phòng cũng chưa bị than và bùn vùi lấp. Vậy mà lại bỏ sót”, ông Thịnh nói và đề nghị, sau vụ việc này, khi họp rút kinh nghiệm về quá trình cứu hộ, các đơn vị liên quan cần đưa chi tiết này ra để đánh giá.
Khuôn mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi, ông Nguyễn Hải Thành (bố thủy thủ Quyết), cho hay hơn 3 tuần nay, ông cùng một số người thân đã phải túc trực ở đây để đợi thông tin của cậu con trai. Quyết đã có vợ và một con trai bốn tuổi. “Nguyên nhân ở đâu chúng tôi không biết nhưng bây giờ mới trục vớt thì quá lâu. Kể cả không có người dưới đó cũng không đáng để lâu như thế này. Giữa một khu du lịch, độ sâu cũng chỉ hơn 10 mét nhưng lại để hơn 3 tuần nay”. Ông Thành nói và cho hay, trước sự chậm trễ này, ngày 3/8, gia đình đã trực tiếp liên hệ một đội thợ lặn khác để thuê tìm kiếm tại căn phòng bị bỏ sót, nghi con trai ông đang bị mắc kẹt.
Tuy nhiên, do vướng mắc một số thủ tục, đội thợ lặn thông báo phải mất thêm 3 ngày nữa mới triển khai được. “Lúc đó, phía chủ tàu cũng cam kết 3 ngày nữa sẽ trục vớt tàu, như vậy sẽ không cần đội thợ lặn khác. Nhưng đợi mãi, đến nay ( ngày thứ 7) việc trục vớt mới bắt đầu. Nếu biết như vậy thì tôi đã thuê thợ lặn rồi”, ông Thành chia sẻ với PV Báo Nghệ An.
Người thân thuyền viên mất tích cho rằng, thợ lặn đã tìm không kỹ. Ảnh: Tiến Hùng |
Trước những phản ứng này, ông Vương Bình Minh - Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nghệ An, cho hay: Sau khi xảy ra sự cố, tất cả lực lượng đã tập trung tìm kiếm, đến nay chưa ai dám khẳng định 2 nạn nhân còn ở trên tàu hay không. “Đến ngày 28/7, chúng tôi có văn bản thông báo cho chủ tàu khẩn trương triển khai phương án trục vớt trong thời hạn 5 ngày. Nếu sau thời hạn này mà công ty vẫn chưa thực hiện thì chúng tôi tự tìm kiếm đơn vị trục vớt”, ông Minh nói.
Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nghệ An, cho hay trong thời gian chờ đợi, đơn vị cũng đã gửi giấy mời cho 6 công ty chuyên về trục vớt, trong đó có 3 công ty tại Nghệ An để nghe họ trình bày phương án và năng lực trục vớt nhằm đề phòng phía chủ tàu không thực hiện.
“Đến ngày thứ 4 thì chủ tàu là Công ty An Hải thông báo đã tìm được đối tác trục vớt là Công ty Minh Thu. Họ báo cho chúng tôi là hai bên đang thỏa thuận. Nên chúng tôi tạm dừng việc chỉ định các nhà thầu trục vớt khác”, ông Minh nói và cho hay, trong quá trình này, việc thương thảo hợp đồng giữa Công ty Minh Thu và chủ tàu, Cảng vụ không được biết. Mặc dù phía Cảng vụ cũng đã đề nghị nhà thầu khẩn trương gửi phương án trục vớt để phê duyệt.
Đến ngày 7/8, Cảng vụ Hàng hải Nghệ An mới nhận được phương án trục vớt. “Ngày 8/8, chúng tôi tổ chức họp xem xét các điều kiện và một ngày sau, ra quyết định tổ chức trục vớt. Về phía quản lý nhà nước, chúng tôi đã có những chỉ đạo kịp thời chứ không phải vô trách nhiệm”, ông Minh nói thêm.
Khu vực tàu VTB 26 bị chìm chỉ cách bờ khoảng 3 hải lý, độ sâu khoảng 10 mét. Ảnh: Tiến Hùng |
Trong khi đó, trước những phản ứng này của người thân thuyền viên mất tích, phía chủ tàu vẫn giữ thái độ im lặng. “Theo tôi được biết thì chủ tàu cũng rất khó khăn trong công tác tìm nhà thầu trục vớt nên mất thời gian. Ngoài ra, họ cũng khó khăn do liên quan đến bảo hiểm”, ông Minh nói và mong muốn người thân các thuyền viên cảm thông, chia sẻ.
Trước đó, khoảng 2h ngày 17/7, tàu VTB 26 chở 4.700 tấn than phát tín hiệu cấp cứu khi neo đậu tránh bão tại đảo Hòn Ngư (Nghệ An). Con tàu sau đó lật úp, nhiều thuyền viên rơi xuống biển. Trong ngày đầu tiên cứu hộ, 7 thuyền viên đã được cứu sống cùng 2 thi thể khác. 4 người còn lại mất tích. Vị trí tàu chìm cách bờ khoảng hơn 3 hải lý, cách phía bắc Đảo Ngư chừng 800m. Khu vực này có độ sâu khoảng 10m.
Đến ngày thứ 3 tìm kiếm, khi đội thợ lặn vào cuộc, một thi thể bị kẹt trong cabin tầng 2 được tìm thấy. Một ngày sau lực lượng này phát hiện thêm một thi thể nữa bị bùn vùi lấp trong khoang tầng 2. Đến nay, vẫn còn hai nạn nhân còn mất tích là Nguyễn Văn Chiêu (29 tuổi, sĩ quan boong) và Nguyễn Hải Quyết (26 tuổi, thủy thủ), cùng quê Hải Phòng.Tàu VTB 26 dài gần 100 mét, rộng hơn 15 mét, trọng tải gần 6.000 tấn.
Tiến Hùng
TIN LIÊN QUAN |
---|