Khởi nghiệp '0 đồng' với cây sáo trúc
Không chỉ là người giữ lửa cho niềm đam mê nhạc cụ dân tộc của giới trẻ, chăm chỉ dạy và thổi sáo miễn phí trên Youtube, Nguyễn Văn Mão (biệt danh Mão “Mèo”) còn khởi nghiệp thành công với chuỗi 25 cửa hàng cung cấp sáo trúc trên khắp cả nước.
Cái duyên của Nguyễn Văn Mão đến với nghiệp kinh doanh sáo trúc cũng thật tình cờ. Mão cho biết anh biết và thích thổi sáo từ khi lên 8 tuổi. Đến khi là sinh viên đại học, Mão vẫn giữ thói quen thổi sáo bằng những cây sáo mua ngoài chợ với giá 10.000 -15.000 đồng/cây. Mão thường xuyên tung các clip thổi sáo lên mạng Youtube, rồi các clip dạy cách thổi sáo cho những người lần đầu tiên tiếp xúc với cây sáo trúc.
“Với mong muốn ban đầu là giúp các bạn trẻ Việt Nam yêu thích sáo trúc nhiều hơn, dạy thổi sáo cho những người muốn học” - Mão nhớ lại. Dần dần nhiều bạn trẻ khi xem clip đã thích học thổi sáo và hỏi Mão mua sáo tốt ở đâu. Nắm bắt tâm lý ấy, Mão đã đăng tải bán một vài cây sáo trúc trên mạng. Nhưng số người gọi điện đến hỏi mua sáo quá nhiều, Mão nảy ý tưởng kinh doanh từ chính những cây sáo do mình làm ra.
Năm 2012, công việc bán sáo trúc của Mão phát triển mạnh hơn, mang lại thu nhập lên tới 20 - 25 triệu đồng/tháng. Để sáo mình làm ra không bị lẫn với những loại hàng phổ thông khác, Mão đi đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Để quảng bá rộng rãi thương hiệu của mình cũng như kết nối niềm đam mê sáo trúc trên khắp mọi miền, Mão lập trang web về sáo trúc. |
Năm 2013, tích lũy được số vốn nhất định và cũng muốn tạo điều kiện thuận lợi cho những người yêu sáo tìm mua, Mão mở cửa hàng bán sáo trúc đầu tiên tại Hà Nội. Để quảng bá rộng rãi thương hiệu của mình cũng như kết nối niềm đam mê sáo trúc trên khắp mọi miền, Mão lập trang web về sáo trúc. Từ chỗ là Chủ nhiệm CLB sáo trúc Hà Nội, rồi đến Chủ nhiệm CLB sáo trúc miền Bắc, và nay Nguyễn Văn Mão là Chủ nhiệm CLB sáo trúc Việt Nam với số lượng thành viên cố định lên đến 40.000 - 50.000 người.
Nhớ lại hồi đầu khởi nghiệp với “0 đồng”, Mão bảo, những ngày mới bước vào kinh doanh, Mão cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Mão quyết tâm tìm hiểu và nhận thấy, để làm ra một ống sáo tốt, trước hết người làm sáo phải biết thổi sáo và biết cách xử lý ống sáo. Từ công đoạn chọn phôi ban đầu đến khi hoàn thành mất một ngày. Tất cả đều thực hiện thủ công, ít sử dụng máy móc.
Hiện nay, kỹ thuật làm sáo đã phát triển hơn rất nhiều, nếu áp dụng triệt để công nghệ, mỗi ngày có thể cho ra hàng trăm cây sáo. Biết rõ lợi nhuận, nhưng phương pháp thủ công vẫn được Mão gìn giữ, hoàn toàn sử dụng đôi tai để cảm âm tiếng sáo, cộng với kỹ thuật được rèn luyện theo thời gian. “Cây sáo tốt quan trọng là nguyên liệu phải tốt. Khi nhập thô về, mình gần như phải bỏ đi một nửa. Tất cả đều được máy đo chuyên dụng kiểm tra, sau đó mới gọt đẽo thủ công” -Mão cho biết.
Cẩn thận trước khi xuất xưởng, nếu kiểm tra thấy lỗi hoặc cho ra âm thanh thiếu hoàn hảo, ngay lập tức Mão cho đốt bỏ. Bởi vậy, tính trung bình mỗi ngày cơ sở sáo của Mão có thể sản xuất 500 cây, qua các bước kiểm tra khắt khe sẽ chỉ cho xuất xưởng 300 cây. Chính vì vậy, cây sáo trúc Mão Mèo làm ra nổi tiếng độc đáo về thẩm mỹ và chất lượng.
Thương hiệu "Sáo trúc Mão Mèo" đã được Mão đăng ký bản quyền và từng cây sáo bán ra thị trường đều được dán tem thương hiệu. Hiện cơ sở "Sáo trúc Mão Mèo" tạo công ăn việc làm cho hơn 100 người. Mỗi tháng cơ sở sản xuất bán khoảng 8.000 cây với giá 330.0000 đồng/cây. Doanh thu riêng về sáo có những tháng cao điểm lên tới gần 1 tỷ đồng/tháng.
Kinh doanh từ niềm đam mê của mình là một hướng đi tốt, nhưng điều thúc đẩy Mão kinh doanh trong lĩnh vực này vẫn đến từ tâm huyết của Mão với các phong trào sáo trúc của các bạn trẻ. Quan niệm chỉ cần thổi một khúc nhạc từ tiêu sáo làm tâm hồn con người dịu lại, quên đi mỏi mệt, áp lực cuộc sống… nên Mão ấp ủ muốn “phủ sóng” “sáo trúc Mão Mèo” ra khắp thế giới.
Theo Kinh tế&Đô thị
TIN LIÊN QUAN |
---|