Từ yêu cầu của Đảng đến mô hình mới của Thủ tướng
Cách đây một năm, ngày 19/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Tổ công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương.
Ngày 1/8/2016, trong phiên họp đầu tiên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Chính phủ khóa mới ra mắt quốc dân đồng bào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những phát biểu chỉ đạo mang tính định hướng cho cả nhiệm kỳ. Trong đó, ông lưu ý: “Ta đã bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả, bây giờ phải bắn có địa chỉ, không thể nói xong là xong việc. Phải thành lập tổ công tác theo dõi kết luận của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng thực hiện đến đâu”.
Tới ngày 19/8/2016, Người đứng đầu Chính phủ ký quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương.
Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ngày 14/8/2017. - Ảnh: VGP |
Do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng, Tổ công tác hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trên thực tế, trước khi Tổ công tác được thành lập, Văn phòng Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực trong việc giúp Chính phủ, Thủ tướng bảo đảm thực thi kỷ luật, kỷ cương hành chính. Trong đó, phải kể đến việc tham mưu cho Thủ tướng ban hành Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và việc sử dụng Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi. Hệ thống này chính là công cụ hết sức đắc lực để theo dõi tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao, khi mọi nhiệm vụ luôn được cập nhật về tiến độ thực hiện.
Trước đó, tại Đại hội XII của Đảng, một trong những hạn chế, yếu kém được chỉ ra là “kỷ cương, kỷ luật trong quản lý nhà nước, thực thi công vụ còn nhiều yếu kém”, “hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm”. Cùng với đó, “tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương chậm đổi mới; hiệu lực, hiệu quả ở nhiều nơi chưa cao. Trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền chưa được quy định rõ ràng”.
Đại hội yêu cầu trong 5 năm tới, phải “nâng cao hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch trong quản lý kinh tế, năng lực quản lý của Nhà nước”. Cụ thể hơn, “đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.
“Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước theo hướng xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ nhân dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Hoàn thiện thể chế hành chính dân chủ - pháp quyền, quy định trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ quan nhà nước; giảm mạnh, bãi bỏ những thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ của cán bộ, công chức; đẩy nhanh việc áp dụng chính phủ điện tử”.
Mặt khác, triển khai các nhiệm vụ kinh tế-xã hội được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XII, nhiệm kỳ Chính phủ mới đứng trước đòi hỏi và kỳ vọng rất lớn của xã hội, trước hàng loạt vấn đề nóng bỏng cần giải quyết. Yêu cầu kiểm tra, đôn đốc để các nhiệm vụ được thực thi “đến nơi đến chốn” trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn
Kỷ luật, kỷ cương cũng là vấn đề rất được người dân và doanh nghiệp quan tâm. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, ông Hiroshi Karashima cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đang gặp phải nhiều vấn đề trong việc thực thi, vận dụng pháp luật ở Việt Nam. Đặc biệt, trong trường hợp thủ tục có liên quan tới nhiều cơ quan cấp bộ, đôi khi việc phối hợp trao đổi giữa các bộ chưa đầy đủ, dẫn tới việc giải thích khác nhau, làm cho thủ tục bị đình trệ. Thêm vào đó, cũng có trường hợp xảy ra việc “đùn đẩy trách nhiệm”.
Do đó, cơ quan này kiến nghị thành lập một tổ chức mới giữa các bộ ngành, có thẩm quyền để giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh về thủ tục và chính sách. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ tham gia phối hợp điều hành giữa các bộ nhằm tăng cường năng lực xử lý các vấn đề.
Theo TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cải cách mạnh mẽ khâu tổ chức thực hiện để hiện thực hóa kết quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là yếu tố quyết định. Đổi mới phương thức vận hành, theo đó, bộ máy hành chính, hiện đang được lay chuyển bằng “lực kéo” của Thủ tướng thì nay cần chuyển động mạnh hơn bằng lực đẩy xã hội.
“Nếu không có giải pháp hữu hiệu để hiện thực hóa chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tạo sự chuyển động của cả bộ máy hành chính, sẽ không đạt được những mục tiêu kinh tế chủ yếu của Đại hội XII”, TS. Vũ Viết Ngoạn nói.
Nhất trí về vai trò của công tác tổ chức thực hiện, PGS. TS Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Hoa Kỳ) mới đây cũng góp ý xây dựng bảng theo dõi thực hiện nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương, là công cụ để “cân, đo, đong, đếm” việc thực thi chính sách, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
“Ngay từ khi Tổ công tác được thành lập, chúng tôi đã xác định đây không phải là công việc dễ dàng. Để đạt được kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ, sự mong đợi của người dân thì không thể tránh khỏi những va chạm. Công tác kiểm tra đòi hỏi sự thẳng thắn, khách quan và trung thực; với cương vị là Tổ trưởng Tổ công tác, tôi không tránh khỏi những áp lực, nhưng với tinh thần vì công việc chung, tôi không ngại va chạm, không né tránh”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ về nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ công tác.
Cho đến nay, hoạt động của Tổ công tác đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Một năm sau khi thành lập, tính tới ngày 19/8 năm nay, Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành 32 cuộc kiểm tra, với cuộc đầu tiên tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, còn cuộc kiểm tra mới đây nhất là tại 3 Tổng công ty thuộc ngành hàng không.
Với tinh thần công tâm, khách quan, không ngại va chạm, công khai và minh bạch, hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng đã có tác động mạnh mẽ, giúp giảm mạnh tỉ lệ nhiệm vụ quá hạn từ 25% vào cuối năm 2015 xuống còn 3,2% vào thời điểm tháng 7/2017.
Tính riêng từ đầu năm tới ngày 31/7, Chính phủ, Thủ tướng đã giao 13.137 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương. Đến nay, các bộ, cơ quan, địa phương đã hoàn thành 7.044 nhiệm vụ. Còn 6.093 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó 5.856 nhiệm vụ trong hạn và chỉ có 237 nhiệm vụ quá hạn.
Theo Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng, “nếu chỉ có một đầu tàu kéo cả toa tàu thì không nổi, nên phải vận hành cả lực đẩy, các toa tàu cũng phải có động cơ để kéo, tức là cần sự chuyển động của cả hệ thống. Tổ công tác hướng tới mục tiêu làm sao để cán bộ, công chức trong toàn hệ thống hành chính phải chuyển động thực sự”.
Theo Chinhphu.vn
TIN LIÊN QUAN |
---|