Thợ nghề 'thẩm mỹ' tàu cá lớn

04/09/2017 07:27

(Baonghean.vn) - Nhờ có đội ngũ sửa chữa, tân trang lại động cơ trên tàu thuyền nên nhiều ngư dân Quỳnh Lưu luôn kịp thời bám biển, vươn khơi khai thác hải sản có giá trị.

Với hơn 10 năm trong nghề sửa chữa động cơ, máy móc tàu thuyền, anh Nguyễn Văn Nhiên (xóm 10, Sơn Hải) ngày càng được nhiều ngư dân Quỳnh Lưu biết đến với tay nghề cao. Những con tàu ra khơi đánh bắt hải sản gặp sự cố hư hỏng đều được nhóm thợ trong xưởng của anh Nhiên nỗ lực sửa chữa trong thời gian ngắn để bà con ngư dân sớm hành trình vươn khơi đánh bắt.

"Do nhu cầu của ngư dân về cải hoán và đóng mới tàu thuyền ngày càng cao nên máy móc, động cơ trên tàu luôn được nâng cấp, bảo dưỡng thường xuyên. Do vậy, mỗi tháng cơ sở chúng tôi tiếp nhận hàng chục máy tàu có công suất lớn từ 400 CV trở lên để tu sửa. Đối với động cơ tàu lắp rắp mới làm trong khoảng 3 ngày; còn động cơ bị hư hỏng trong quá trình hoạt động trên biển thì thời gian sửa lâu hơn" - Anh Nhiên cho biết.

Những động cơ máy bị hoen rỉ được ngư dân mang về xưởng sửa chữa.
Những động cơ máy bị hoen rỉ được ngư dân mang về xưởng sửa chữa. Ảnh Việt Hùng

Do hoạt động và khai thác trên biển nên các thiết bị, máy móc trên tàu thường bị hoen rỉ, hư hỏng; khi về cập bến, các chủ phương tiện đều tìm cách đưa thiết bị lên bờ để sửa.

Theo anh Nguyễn Văn Mạnh, chủ tàu cá ở xã Quỳnh Long cho hay, nếu không có đội ngũ sửa chữa tàu ở trên địa bàn thì họ phải gửi máy tàu đi các tỉnh khác để sửa, vừa mất thời gian vừa gây chậm trễ các chuyến đi biển. Hiện nay, ở các xã vùng biển Quỳnh Lưu đều có các cơ sở chuyên sửa động cơ tàu nên ngư dân yên tâm bám biển.

Nghề sửa máy tàu đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao. Ảnh: Việt Hùng
Nghề sửa máy tàu đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao. Ảnh: Việt Hùng

Chia sẻ về nghề sửa động cơ máy tàu, anh Trần Văn Long - người có 20 năm trong nghề cho biết, trước đây anh chủ yếu sửa động cơ máy nhỏ từ 90 -110CV; trong khoảng 4 năm trở lại đây, anh tiếp nhận sửa chữa cả động cơ máy từ 400 CV trở lên.

Ngoài sửa chữa tàu máy, cơ sở của anh Long còn nhận lắp đặt cấu tạo máy cho các con tàu vừa đóng mới. Tùy thuộc vào chủ tàu, nếu động cơ lắp ráp mới trên những con tàu “khủng” phải hơn 1 tỷ đồng; nếu lắp ráp máy cũ được mua về tân trang lại khoảng 600 - 700 triệu đồng.

Tàu khủng được được đưa lên băng ray ở xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu)để sửa động cơ máy. Ảnh: Việt Hùng
Tàu lớn được đưa lên băng ray ở xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) để sửa động cơ máy. Ảnh: Việt Hùng

Quỳnh Lưu có số lượng phương tiện tàu thuyền lớn với 1.275 chiếc, trong đó có khoảng 600 chiếc có công suất trên 90CV. Để đáp ứng nhu cầu sửa chữa tàu khi gặp sự cố hư hỏng, trên địa bàn các xã Tiến Thủy, Sơn Hải, Quỳnh Long... xuất hiện trên 20 cơ sở. Hầu hết, các cơ sở trên đều có đội ngũ thợ lành nghề, có thâm niên lâu năm nên đáp ứng tốt nhu cầu của bà con ngư dân trên địa bàn huyện.

Việt Hùng

TIN LIÊN QUAN