Bắt đầu rút ngắn thời gian đào tạo đại học

19/08/2017 08:45

Từ năm học 2017 - 2018, một số trường ĐH bắt đầu rút ngắn thời gian đào tạo ĐH cho sinh viên khóa mới. Song song đó là nhiều thay đổi về chương trình học so với trước đây.

Học đại học còn 3 năm rưỡi

Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới. So với trước kia, thời gian đào tạo bậc ĐH sẽ rút ngắn từ 4 - 6 năm xuống còn 3 - 5 năm. Thời gian đào tạo CĐ thay vì ấn định 3 năm, nay là 2 - 3 năm. Thực hiện chủ trương này, một số trường ĐH bắt đầu rút ngắn thời gian đào tạo xuống còn 3,5 - 4 năm ngay trong năm học mới này.

Theo đó, sinh viên khóa mới nhập học vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM sẽ bắt đầu theo học chương trình rút ngắn còn 3,5 năm (bậc ĐH) và 2,5 năm (bậc CĐ). So với trước đây, thời gian học được rút ngắn nửa năm.

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cũng áp dụng đồng loạt thời gian đào tạo tất cả các ngành là 3,5 năm. Trước đó, từ năm 2016, sinh viên các ngành khối kinh tế, ngôn ngữ và xã hội của Trường ĐH Mở TP.HCM cũng chỉ học 11 học kỳ, tương đương 3,5 năm (giảm nửa năm so với trước đó).

Tương tự, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng rút ngắn thời gian đào tạo của các ngành xuống còn 4 - 4,5 năm. Trong đó, đáng chú ý là ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông vốn được đào tạo 5 năm thì nay rút xuống còn 4,5 năm. 70% số ngành khác được rút ngắn thời gian học từ 4,5 xuống còn 4 năm. Riêng các ngành khối kinh tế thì giữ nguyên 4 năm.

Trước đó, một số trường đào tạo khối ngành kỹ thuật như Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng đã chủ động cắt giảm chương trình từ 5 xuống còn 4 năm trên cơ sở tích hợp chương trình đào tạo.

Sinh viên phải làm việc nhiều hơn

Để rút ngắn thời gian đào tạo, các trường đều phải sắp xếp và bố trí lại chương trình học theo hướng phù hợp hơn. Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết trường đã cơ cấu lại các môn thuộc chương trình cơ bản cho phù hợp hơn. Chẳng hạn, trước đây môn toán cơ bản gồm 10 tín chỉ bắt buộc, nay chỉ còn 5 tín chỉ bắt buộc và 5 tín chỉ thuộc học phần tự chọn…

Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nói: “Dù rút ngắn thời gian nhưng trường vẫn giữ nguyên 120 tín chỉ nên sẽ có thay đổi trong sắp xếp các môn học. Chẳng hạn, môn giáo dục thể chất thay vì bố trí trong chương trình học chính khóa như trước thì nay chuyển thành hoạt động ngoại khóa và câu lạc bộ. Sinh viên có thể chủ động thời gian rảnh để tham gia rèn luyện và tích lũy tín chỉ”.

PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng trường phải rà soát và điều chỉnh toàn bộ chương trình đào tạo. Từ năm học này, sinh viên sẽ tham gia kiến tập, thực tập và làm báo cáo thực tế ở từng môn học cụ thể. Vì vậy sinh viên phải làm việc nhiều hơn trước đây để có thể đáp ứng được việc học.

Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng thực hiện theo cách tương tự. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng nhà trường, thông tin, dù rút ngắn nửa năm so với trước đây nhưng vẫn phải đảm bảo số lượng tín chỉ tối thiểu 120 cho toàn chương trình. Do vậy cách làm của trường là bố trí tăng số lượng tín chỉ ở mỗi học kỳ, sinh viên phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo kiến thức không đổi.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ nhìn nhận, rút ngắn chương trình đào tạo sẽ tạo cơ hội cho sinh viên tìm việc làm tốt hơn và đi làm sớm hơn. Tuy nhiên việc rút ngắn này cần đi đôi với thiết kế lại chương trình, bố trí môn học phù hợp mới đảm bảo hiệu quả đào tạo.

Theo TNO

TIN LIÊN QUAN