Những nơi ưa đẻ trứng của muỗi truyền sốt xuất huyết ngay trong nhà bạn
Muỗi đẻ trứng trên vũng nước đọng của thùng cát cứu hỏa; trong ống sắt cắm cột cờ; trong lọ hoa lưu cữ nước 2 ngày trở lên… hay ngay trong một chút nước đọng ở vỏ hộp đồ ăn con bạn vừa vứt ra vườn.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sốt xuất huyết (SXH) vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng ở miền Nam, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Tại Hà Nội, trong tuần từ 24 - 30/7, toàn thành phố tiếp tục ghi nhận thêm 2.305 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, Hà Nội ghi nhận 8.982 trường hợp mắc, 5 trường hợp tử vong.
Những bình vạn liên thanh thủy canh như thế này rất đẹp, duyên dáng trong nhà và chủ nhà này ngỡ ngàng khi được biết đây là nơi muỗi truyền SXH đẻ trứng. Ảnh: H.Hải |
Theo TS Phu, nhiều người nghĩ chống SXH thì diệt muỗi nên mới chú ý đến phun thuốc muỗi, ngăn muỗi đốt. Nhưng đó chỉ là phần ngọn của vấn đề. Bởi một con muỗi cái nhiễm vi rút thường sau 8-12 ngày sau hút máu có thể truyền bệnh và truyền bệnh suốt vòng đời muỗi và truyền vi rút cho trứng; có thể đốt rất nhiều người vì có thể bay trong phạm vi 200m.
Một con muỗi đẻ khoảng 100 - 200 trứng mỗi lần, trứng nở ra lăng quăng, lăng quăng phát triển thành muỗi. Vì thế, nếu không ngăn được trứng đẻ muỗi, thì số lượng muỗi tăng gấp nhiều lần, diệt không xuể.
“Vì thế biện pháp ngăn chặn SXH cơ bản nhất vẫn là ngăn muỗi đẻ trứng, bọ gậy mới ngăn được SXH”, PGS Phu nói.
PGS Phu cho biết thêm, khi đi kiểm tra tình hình SXH ở Hà Nội, nhiều người dân ngỡ ngàng bởi các ổ loăng quăng ngay trong nhà, quanh nhà mà họ không lường tới.
Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch trong và quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây…
Vì thế, ở các đồ vật, đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, nước đọng trong lốp xe hỏng xếp ngoài đường, vỏ dừa…đều là những nơi đẻ trứng ưu thích của muỗi.
“Chúng tôi đi kiểm tra ở Hà Nội, một biệt thự rất đẹp, gắn quanh nhà trên các hàng rào là nhiều chiếc can vàng cắt nửa với những dải vạn liên thanh rủ xuống rất đẹp nhưng lại là ổ loăng quăng, soi vào thấy nhung nhúc. 200 trứng đẻ ra 200 con loăng quăng, phát triển thành muỗi, diệt sao cho xuể”, PGS Phu nói.
Hơn 10 lọ vạn liên thanh được trang trí như thế này tại một spa ở Hà Nội. Khi được phóng viên chia sẻ về loăng quăng, chủ nhà mới nhìn ra và tự hứa sẽ thay nước mỗi ngày. Ảnh: H.Hải |
Bọ gậy ở khắp nơi quanh nhà bạn. Lọ hoa 2 ngày không thay nước thì muỗi đã có thể đẻ trứng; trên khe của nắp nhựa thùng nước ngoài sân; những lọ hoa lộ thiên ngoài trời ở bàn thờ, ở đình chùa; Phi đựng cứu hỏa bình thường đầy cát, mua tạo lớp nước ở trên cũng có bọ gậy; 1 ống nước cắm trên bờ tường để cắm cờ, khi rút ra cũng bọ gậy bên trong; bọ gậy ở lốp xe, vỏ dừa…
Tại các khu đô thị, những vật dụng vứt ra ở các khu đất xen kẹt như hộp vỏ cơm khi mưa xuống nước đọng cũng là môi trường thuận lợi cho muỗi đẻ trứng.
“Ngay cả bình nước trữ trên tầng cao của các hộ gia đình, khi gió bật nắp thì đây sẽ là môi trường lý tưởng cho muỗi đẻ trứng”.
Vì thế, để ngăn ngừa SXH, mỗi người dân hãy có ý thức, để ý quanh nhà những vật dụng có nguy cơ chứa nước đọng để dọn sạch. Bởi loăng quăng ở ngay trong nhà người dân, nếu chính người dân không có ý thức dọn dẹp thì rất khó năng ngừa SXH.
Theo đó, hàng tuần cần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá ... ngăn không cho muỗi có nơi đẻ trứng, không có loăng quăng, bọ gậy sẽ không còn SXH.
Theo Dantri
TIN LIÊN QUAN |
---|