Ký ức đi tìm đồng đội

27/07/2017 21:41

(Baonghean) - Thắp nén hương thơm lên mộ liệt sĩ, trong lòng lại đau đáu câu hỏi: Còn bao nhiêu liệt sĩ chưa được quy tập, còn bao nhiêu trường hợp chưa xác định được nhân thân?

Đầu tháng 11/1995, tôi được điều về Đoàn Quy tập, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An. Với cương vị là tiểu đội trưởng, lúc đầu tôi cũng rất mơ hồ về nhiệm vụ của đơn vị. Một ngày đầu tháng 11/1995, đơn vị quán triệt chuẩn bị mọi mặt cho thực hiện nhiệm vụ quy tập tại nước bạn Lào.

Do làm tốt công tác tư tưởng nên ai cũng phấn chấn, mọi người trong đoàn đều trải qua ít nhất là một đợt quy tập, riêng tôi đây là lần đầu tiên, lại là tiểu đội trưởng nên càng trăn trở, thao thức.

Chúng tôi hành quân theo QL7A, ngày đó QL 7A còn hẹp, xấu và rất khó đi, 2 ngày chúng tôi mới đến được thị xã Pôn-xa-vẳn của tỉnh Xiêng Khoảng. Vào mùa khô, khí hậu ở Lào rất khắc nghiệt, có những vùng ngày nắng sém da, đêm xuống lại lạnh buốt thấu xương.

Sau khi hiệp đồng với Bộ CHQS tỉnh Xiêng Khoảng và các cơ quan liên quan, bạn cử 1 trung đội tăng cường gồm 28 đồng chí với đầy đủ vũ khí đi cùng để bảo vệ đơn vị (lúc này địa bàn Xiêng Khoảng đang có phỉ hoạt động). Chúng tôi đi qua nhiều bản, mường, địa hình cực kỳ phức tạp, đường sá rất khó đi, càng vào sâu nhiều nơi phải đi theo phương vị.

Có những địa bàn phải vạch lối băng rừng đi bộ mấy kilomet. Nhiều nơi còn sót lại những quả đạn cối, B41, M79 sáng loáng gây cảm giác rợn người. Các địa bàn đơn vị quy tập là Thẩm-Nậm-Xiêm, Phu-Vả-Xay, Hín-Tạng, Bản-Ban, Luông-Pha-Đeng…, nói là nghĩa trang nhưng trong chiến tranh việc chôn cất còn sơ sài, thiếu bản đồ, không chính xác, bom đạn, cây cối, thời gian làm mất dấu.

Có nơi một vài mộ, có nơi 15- 20 mộ, có mộ dưới gốc cây to, có mộ nằm giữa lòng đường xe ô tô chạy, phần lớn nghĩa trang nằm sâu trong rừng vắng hoang vu. Có mộ sâu 1,5 - 2m, có mộ cạn, thậm chí có nghĩa trang bị bom đạn cày xới tung, hài cốt liệt sĩ rơi vãi, có liệt sĩ trong miệng còn nguyên một đầu đạn M79... Những cảnh tượng đó làm ai nấy trong chúng tôi đều vô cùng xúc động, nhiều đồng chí đã khóc.

Tìm đồng đội. Ảnh: Cảnh Nam
Tìm đồng đội. Ảnh: Cảnh Nam

Thời gian các liệt sĩ hy sinh từ khoảng 1962- 1985, nhiều mộ chỉ còn ít cốt nhưng cũng có những mộ còn tươi nguyên phải hoả táng. Chúng tôi tỉ mỉ tìm kiếm, nhặt nhạnh, sắp xếp, hạn chế tối đa những sai sót, mong sao bù đắp những hy sinh, mất mát, thiệt thòi của liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ.

Hoàn thành nhiệm vụ, nước bạn tổ chức lễ tiễn đưa long trọng, chúng tôi lại hối hả chuẩn bị mọi mặt để lên đường mang theo hài cốt của các liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn sau bao nhiêu năm xa cách về với quê hương đất mẹ.

Trong số hơn 180 hài cốt đợt này chưa đến 1/2 liệt sĩ có thông tin, thông tin cũng rất sơ sài hoặc khó xác định, còn phần lớn là chưa xác định được tên, tuổi, đơn vị, quê quán. Mặc dù thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có sự quan tâm đặc biệt, các ban, ngành có nhiều sáng kiến đổi mới nội dung, phương pháp và cách thức để tìm kiếm, cất bốc và lưu trữ. Song những việc đó hình như vẫn đang còn ít ỏi so với những hy sinh, cống hiến của liệt sĩ cũng như tâm tư nguyện vọng của thân nhân các liệt sĩ.

Cần có những đề tài nghiên cứu khoa học để chế tạo các chất hoá học thử phản ứng và công cụ hỗ trợ để khoan thăm dò tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm và cất bốc. Cần có hồ sơ lưu trữ thật đầy đủ, chi tiết về những điều cần biết, đã biết về liệt sĩ để tra cứu, bổ sung, xét nghiệm, xác định, trả lại tên tuổi cho các liệt sĩ, để gia đình, người thân của liệt sĩ được biết, được đón về, được hương khói và cúng viếng.

Cứ mỗi dịp lễ, Tết, tâm trạng tôi lại bồi hồi xúc động, lại nhớ về những ngày tháng quy tập, nhớ về các liệt sĩ. Thắp nén hương thơm lên mộ liệt sĩ, trong lòng lại đau đáu câu hỏi: Còn bao nhiêu liệt sĩ chưa được quy tập, còn bao nhiêu trường hợp chưa xác định được nhân thân?

Ngô Trí Minh

TIN LIÊN QUAN