Quản lý BOT ở Việt Nam đang rất có 'vấn đề'​

17/08/2017 09:48

GS Võ Đại Lược cho rằng, thay vì là động lực, thì các dự án BOT lại đang kìm hãm sự phát triển của các ngành kinh tế khác.

Liên quan đến những bất cập trong thu phí BOT hiện nay, GS.TS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương cho biết ông đã rất nhiều lần lên tiếng đề cập đến vấn đề này.

BOT tập trung quá nhiều vào đường bộ

GS. Võ Đại Lược khẳng định: "Đâu phải bây giờ tôi mới nói mà ngay từ khi loại hình BOT mới được đầu tư xây dựng ở Việt Nam, tôi cũng đã lên tiếng cảnh báo về vấn đề quản lý nhà nước đối với loại hình này.

Cách quản lý đối với loại hình BOT mà nhà nước đang làm như hiện nay thì nền kinh tế không thể phát triển được. Quản lý quá lỏng lẻo, tạo điều kiện hình thành các nhóm lợi ích tự tung tự tác".

Vấn đề quản lý phát triển dự án BOT ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập.

Theo GS. Võ Đại Lược, thực tế trên thế giới cho thấy hình thức BOT giao thông đang đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế vì khu vực tư nhân "san sẻ" cùng trách nhiệm với nhà nước trong việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông công cộng, nhưng cơ chế quản lý cũng như vận hành của thế giới chặt chẽ, khoa học, không như Việt Nam.

"Hiện nay vốn BOT dành cho đầu tư vào đường bộ quá nhiều mà các hình thức giao thông khác lại hạn chế. Hiện tổng vốn đầu tư BOT của Việt Nam chiếm 42% tổng vốn đầu tư GTVT thì phải nói là quá lớn, quá khủng khiếp và đang cao nhất thế giới, vì nhiều nước trên thế giới chỉ 10%.

Tại sao Việt Nam lại lớn như vậy? Đầu tư vốn nhiều mà thu phí cũng cao khủng khiếp thì tôi cho rằng đây là vấn đề cần phải xem lại một cách nghiêm túc. Cần phải làm rõ trách nhiệm của những bên liên quan ở đây, từ quản lý đến khai thác, vận hành", GS Võ Đại Lược đặt vấn đề.

Theo GS. Võ Đại Lược, phí BOT đang dồn gánh nặng lên vai doanh nghiệp và kìm hãm nhiều ngành nghề phát triển.

Ông Lược cho biết: "Phí BOT rõ ràng đang ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển. Phí cao, đương nhiên doanh nghiệp chết, và kinh tế nhà nước kiệt quệ. Rồi các dự án BOT tập trung quá nhiều vào đường bộ là do đâu, ai hưởng lợi? Rõ ràng chúng ta đang có vấn đề ở đây.

Việt Nam có bờ biển dài, sông ngòi dày đặc, tại sao chúng ta không làm BOT về vận tải biển, đường sắt mà chỉ vào đường bộ? Phải chăng đường bộ có lợi ích gì đó hơn chăng".

"Thực tế thì thay vì là động lực, thì BOT lại đang kìm hãm sự phát triển của các ngành kinh tế khác. Trách nhiệm này thuộc về Bộ GTVT", GS Võ Đại Lược nói.

Quản lý BOT "có vấn đề"

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho biết, BOT về bản chất là rất phù hợp với Việt Nam hiện nay và đây cũng là xu thế chung của nhiều nước trên thế giới khi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, những bất cập nảy sinh vừa qua đối với loại hình này chính là do khâu quản lý lỏng lẻo.

Ông Trương Đình Tuyển phân tích: "Chúng ta cần phải có cái nhìn rộng hơn là BOT vẫn là xu thế chủ đạo mà nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện. Việc huy động vốn đầu tư cho BOT kết hợp cùng với tư nhân và sau đó thu hồi vốn bằng việc thông qua việc người dân nộp phí là chuyện bình thường. Người dân có đóng góp vào xây dựng cơ sở hạ tầng nên mình phải cân đối, phải đặt BOT trong quan hệ với người dân.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là khâu quản lý của chúng ta hiện nay quá lỏng lẻo, dẫn đến không kiểm soát được việc quy hoạch, xây dựng BOT tràn lan, rồi doanh nghiệp khai thác thì cũng đặt ra những mức phí cao ngất ngưởng, thì đây là những hạn chế lớn".

Theo ông Tuyển, hiện nay cần phải cân đối giữa phát triển hạ tầng này với phát triển hạ tầng khác để tránh mất cân đối và rủi ro kinh tế giữa khoản vay và cho vay. Bởi khi nhà nước không làm được điều này thì sẽ dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô, tăng lên rủi ro cho nền kinh tế.

"Nhà nước cần phải tính đến phương án phát triển BOT như thế nào để nó thực sự có hiệu quả vì hiện nay các doanh nghiệp đầu tư BOT chủ yếu là nhà thầu, với việc vốn bỏ ra ít, rủi ro ít mà nền kinh tế chung lại phải gánh hậu quả", ông Tuyển khuyến cáo./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN