Doanh nghiệp tố huyện, xã chây ỳ, nợ 10 năm không trả

27/07/2017 11:52

(Baonghean.vn)- Một số doanh nghiệp phản ánh các địa phương chây ỳ nợ, khiến doanh nghiệp gặp khó. Có địa phương nợ 10 năm chưa trả nhưng vẫn khởi công công trình mới.

Cần đánh giá chất lượng cải cách hành chính

Sáng 27/7, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa, UBND tỉnh họp để nghe và cho ý kiến về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong 6 tháng đầu năm 2017; giao ban với các hội doanh nghiệp, doanh nhân. Tham dự buổi làm việc có các sở, ngành liên quan, đại diện các hội doanh nghiệp trên địa bàn.

Thực hiện Quyết định 3171 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, Nghệ An phấn đấu đến năm 2020 có trên 20.000 doanh nghiệp. Chương trình hành động có 04 nhóm giải pháp và 35 nhiệm vụ để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh Thu Huyền
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh Thu Huyền

Theo báo cáo của các sở, ngành, địa phương, hiện nay, đã có một số đơn vị đưa 100% thủ tục hành chính vào thực hiện theo cơ chế một cửa như: Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Sở Kế hoạch và Đầu tư. Một số Sở có tỷ lệ thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa trên 50% như: Sở Văn hoá Thể thao, Sở Lao động TB&XH, TX Cửa Lò, UBND các huyện: Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Yên Thành,.... Kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị tiếp tục được tăng cường.

cần sớm đưa vào hoạt động hệ thống ấn nút điện tử để đánh giá mức độ hài lòng các dịch vụ công. Ảnh Thu Huyền
Ông Thái Đại Phong - đại diện Hội doanh nghiệp Cựu chiến binh đề nghị cần sớm đưa vào hoạt động hệ thống ấn nút điện tử để đánh giá mức độ hài lòng các dịch vụ công. Ảnh: Thu Huyền.

Về nội dung này, nhiều ý kiến cho rằng công tác cải cách hành chính đã có chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Đại diện Hội DN Cựu chiến binh – ông Thái Đại Phong – Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong đề nghị Sở Tư pháp, các sở ngành liên quan rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Trước đây có những văn bản ưu đãi đầu tư mà nay không còn phù hợp thì cần rà soát, loại bỏ.

Ngoài ra, cần sớm đưa vào hoạt động hệ thống ấn nút điện tử để đánh giá mức độ hài lòng các dịch vụ công, bởi hiện nay vẫn còn nhiều sở ngành chưa thực sự cải cách, gây bức xúc cho doanh nghiệp khi tiếp cận, giải quyết công việc.

Huyện, xã chậm trả nợ cho doanh nghiệp

Cũng tại cuộc họp, các đại biểu nghe báo cáo tình hình giải quyết kiến nghị doanh nghiệp tháng 6 năm 2017; Báo cáo tổng hợp kiến nghị doanh nghiệp, nhà đầu tư tháng 7/2017.

Theo đó, tổng số đơn vị được giao xử lý, trả lời là 7 đơn vị (gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thị xã Hoàng Mai, Cục Thuế Nghệ An, Sở Tài Chính; Thanh Tra tỉnh, Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải) giải quyết 10 kiến nghị.

Chủ tịch Hội doanh nghiệp Nam Đàn phát biểu. Ảnh Thu Huyền
Ông Phan Quang - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Nam Đàn đề nghị chủ đầu tư các huyện, xã thanh toán nợ cho doanh nghiệp. Ảnh: Thu Huyền.

Xung quanh vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản, tại cuộc họp, ông Phan Quang - Chủ tịch hội doanh nghiệp Nam Đàn đề nghị chủ đầu tư các huyện xã thanh toán nợ cho doanh nghiệp, nhất là các công trình trong xây dựng nông thôn mới. Có những địa phương nợ doanh nghiệp 10 năm không trả nhưng vẫn khởi công công trình mới.

Sản xuất tại công ty TNHH sắt thép Định Nhàn. Ảnh Thu Huyền
Sản xuất tại công ty TNHH sắt thép Định Nhàn. Ảnh: Thu Huyền.

Cũng vấn đề này, Đảng uỷ khối doanh nghiệp phản ánh kiến nghị của Công ty Cổ phần xây dựng và phát triển nông thôn 10 hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng. Những năm qua, do nguồn vốn bố trí cho các công trình không đủ đáp ứng theo kế hoạch tiến độ thi công nên công ty phải vay vốn ngân hàng để hoàn thành công trình nhưng chủ đầu tư không bố trí kịp thời nguồn vốn để chi trả; có một số công trình kéo dài 4 - 8 năm chưa thanh toán, tổng số tiền các đơn vị còn nợ công ty đến nay là hơn 44 tỷ đồng. Vì vậy, công ty không hoàn thành các khoản phải nộp vào ngân sách nhà nước và phải chịu lãi suất ngân hàng trong suốt thời gian dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo việc làm, chế độ chính sách cho người lao động.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa phát biểu kết luận buổi làm việc. ẢNh Thu Huyền
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa phát biểu kết luận buổi làm việc. ẢNh Thu Huyền

Ngoài ra, nhiều ý kiến phản ánh xung quanh truy thu nợ thuế, thời điểm nộp thuế, hiện tượng chồng chéo trong thanh tra các doanh nghiệp, cơ chế chính sách ưu đãi về miễn tiền sử dụng đất...

Sau khi nghe ý kiến của các sở ngành, hội doanh nghiệp, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kết luận tại cuộc họp, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa đánh giá cao trách nhiệm của các sở ngành đã vào cuộc xử lý khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng chí cũng trao đổi cụ thể về từng ý kiến trả lời; đồng thời tiếp tục giao trách nhiệm cho các sở ngành, địa phương liên quan xử lý những vướng mắc còn tồn đọng cho doanh nghiệp. Những kiến nghị nào chưa được giải quyết thấu đáo đề nghị lãnh đạo các sở ngành, địa phương phải tiếp tục tham gia các cuộc họp tới.

Về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết chậm nhất đến 31/8/2017, tỉnh sẽ đưa vào hoạt động chính quyền điện tử, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong các thủ tục hành chính. Tỉnh sẽ quyết tâm tăng tinh thần phục vụ từ bộ máy công, tạo lòng tin cho doanh nghiệp.

Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN