Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc ấn tượng với trưởng bản vùng cao Nghệ An

24/08/2017 12:38

(Baonghean.vn) - Chia sẻ ấn tượng khi trực tiếp trao đổi với một cán bộ bản ở Quế Phong, cũng như thông qua làm việc với các cấp của tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đánh giá cao sự thống nhất, quan tâm của cán bộ lãnh đạo các cấp về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

» 'Nghe được tấm lòng, nói được tiếng nói của đồng bào'

Giữ nguyên bộ máy làm công tác dân tộc

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An sáng 24/8, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến đánh giá trong những năm qua, từ cấp tỉnh đến cơ sở đã hết sức quan tâm chăm lo công tác dân tộc, thực hiện tốt chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Từ đó, đời sống bà con dân tộc phát triển, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp. Tỉnh đã ban hành kịp thời văn bản triển khai văn bản của Trung ương; bộ máy công tác dân tộc được củng cố, kiện toàn và ngày càng có hiệu quả. Ngoài những chính sách của Trung ương, tỉnh đã quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện những chính sách riêng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Sáng 24/8, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc cùng đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Minh Thông - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Đặc biệt, nhắc lại chuyến thăm và làm việc tại huyện Quế Phong trong ngày 23/8, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến bày tỏ sự ấn tượng với cán bộ thôn, bản. “Tôi rất ấn tượng trưởng bản Na Chảo, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, đồng chí nói vanh vách, không cần sổ sách khi trao đổi về các số liệu của bản” - Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng đánh giá cao sự thống nhất của cán bộ lãnh đạo các cấp từ tỉnh đến cơ sở về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc rất tốt. “Cán bộ thôn, bản, xã, huyện, tỉnh cởi mở, thực lòng, quan tâm, chia sẻ với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này rất quan trọng” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Với đặc thù về địa lý và số lượng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh, người đứng đầu Uỷ ban Dân tộc đề nghị tỉnh ủng hộ, xem xét giữ nguyên cơ cấu cơ quan làm công tác dân tộc như hiện nay trong thời gian tới. Vì sau Hội nghị Trung ương 6 (khoá XII), việc tổ chức bộ máy Ban Dân tộc các tỉnh có thể sẽ được tổ chức lại theo cơ cấu “mềm”, tức là có tỉnh có, có tỉnh không.

Tuy đạt được nhiều kết quả, song để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân tộc trên địa bàn, trong thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh, Sở Nội vụ, các sở, ngành nghiên cứu kỹ và kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết 52 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 -2020, tầm nhìn 2030; nhất là việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ là người dân tộc thiểu số công tác trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp.

Mặt khác, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến đề nghị tỉnh quan tâm tăng cường công tác tuyên truyền vận động vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi theo hướng để người dân chú ý phát huy nội lực, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

“Đối với đồng bào không gì tốt hơn nêu gương và tạo sức lan toả. Do đó, tỉnh cần tiếp tục tuyên dương già làng, trưởng bản có uy tín, các học sinh có thành tích cao trong học tập” - Bộ trưởng gợi mở.

Bộ trưởng cũng đề nghị, tỉnh chú ý lựa chọn các học sinh ngoan, học giỏi ở miền núi, các xã biên giới đặc biệt khó khăn có thể về sinh hoạt hè tại TP. Vinh trong các gia đình địa phương để tăng kỹ năng sống cho các cháu. “Nếu tỉnh triển khai được, Uỷ ban Dân tộc sẽ hỗ trợ” - Bộ trưởng khẳng định.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Cũng tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến đề nghị tỉnh quan tâm ủng hộ chủ trương xây dựng cơ sở dữ liệu vùng dân tộc thiểu số miền núi và cập nhật trong hàng năm để phục vụ cho công tác quản lý và hoạch định chính sách, cung cấp cho các cấp khi có yêu cầu; thực hiện tốt nội dung Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác dân tộc.

Người đứng đầu Uỷ ban Dân tộc đề nghị tỉnh lựa chọn những tấm gương tiêu biểu đại diện cho tỉnh dự Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ, tri thức, doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2017 được tổ chức lần đầu tiên trong thời gian tới.

Về các kiến nghị cụ thể của tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc đồng tình và trả lời cụ thể, đưa ra hướng thực hiện trong từng nội dung, trong đó yêu cầu Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Vụ Chính sách, Uỷ ban Dân tộc nhanh chóng rà soát lại các xã đặc biệt khó khăn để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 tới; hỗ trợ huyện Quế Phong 350 triệu để xây dựng mô hình kinh tế…

Quan tâm phát triển miền Tây

Phát biểu đáp từ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường hết sức đồng tình với đánh giá của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Nghệ An xác định miền Tây là một cực tăng trưởng của tỉnh, đồng thời có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển vùng này.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết sẽ đưa vào chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới; đồng thời mong muốn Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến và Uỷ ban Dân tộc tiếp tục ủng hộ, đồng hành, giúp đỡ để Nghệ An thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.

Trước đó, báo cáo với đoàn công tác của Uỷ ban Dân tộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông cho biết, vùng dân tộc miền núi của Nghệ An có diện tích 13.745 km², chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; trong đó có 46 xã khu vực I, 112 xã khu vực II, 94 xã khu vực III và 1.175 thôn, bản đặc biệt khó khăn; có 27 xã của 6 huyện biên giới tiếp giáp 419,5 km đường biên giới với nước bạn Lào.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng quà đến Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến. Ảnh: Thành Duy
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng quà Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến. Ảnh: Thành Duy

Dân số vùng dân tộc miền núi có 1.197.628 người (chiếm 41%), trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số là 466.137 người, chiếm 15,2% dân số toàn tỉnh và chiếm 36% dân số trên địa bàn miền núi, gồm 5 dân tộc có dân số đông: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu.

“Đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái; có nhiều tiềm năng lớn về tài nguyên đất đai để trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, phát triển thuỷ điện, khai thác khoáng sản và phát triển thương mại, du lịch của tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.

Với vai trò, vị trí như vậy, Nghệ An đã triển khai chính sách của Trung ương và tỉnh đối với vùng dân tộc miền núi và mang lại kết quả cao.

“Đến 2016, tất cả các xã của vùng dân tộc miền núi Nghệ An có đường ô tô đến trung tâm, có lưới điện quốc gia; thu nhập bình quân đầu người của vùng đạt bình quân 23 triệu đồng/người” - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lương Thanh Hải cho biết.

Thành Duy

TIN LIÊN QUAN