Sản xuất điện từ mặt đường khi xe cộ qua lại

21/09/2017 18:45

Anh đang phát triển các vật liệu làm mặt đường mới có thể chuyển sự rung động do xe cộ chạy qua thành điện năng.

Xe cộ qua lại trên đường có thể tạo ra điện năng. Ảnh: ITV.
Xe cộ qua lại trên đường có thể tạo ra điện năng. Ảnh: ITV.

Các nhà khoa học Anh đang nghiên cứu những vật liệu thông minh có thể tạo ra điện từ chuyển động của xe cộ để làm mặt đường, Science Daily hôm 18/9 đưa tin.

Dự án do các kỹ sư tại Đại học Lancaster thực hiện nhằm phát triển những vật liệu thông minh như gốm áp điện, khi phủ lên mặt đường có thể thu nhận và chuyển đổi sự rung động do xe cộ tạo ra thành điện năng.

Lượng điện năng tạo ra mỗi kilomet sẽ là 1-2 megawatt với lưu lượng xe thông thường, khoảng 2.000 - 3.000 xe một giờ. Đây là mức năng lượng cần thiết cho 2.000 - 4.000 đèn đường hoạt động.

Ngoài việc đem lại các lợi ích môi trường, dự án mới cũng sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều tiền thuế. Hiện chi phí để thắp sáng một bóng đèn đường là khoảng 20 USD/kWh. Chi phí thắp sáng 2.000 - 4.000 bóng đèn sẽ tương đương 2.434 - 4.868 USD/ngày. Các nhà nghiên cứu cho biết, chi phí lắp đặt và vận hành công nghệ mới chỉ bằng khoảng 20% số tiền này.

"Nghiên cứu nhằm giúp sản xuất vật liệu làm đường thông minh trong tương lai. Chúng tôi sẽ phát triển các vật liệu mới để tận dụng hiệu ứng áp điện ở những nơi xe cộ qua lại gây áp lực lên mặt đường và tạo ra điện áp. Các vật liệu này cần chịu được áp lực lớn và phải cân đối giữa chi phí và mức năng lượng chúng tạo ra", giáo sư Mohamed Saafi, người đứng đầu dự án, cho biết.

Hệ thống mới sẽ chuyển cơ năng thành điện năng để cung cấp năng lượng cho đèn đường, đèn giao thông và các điểm sạc xe điện, theo giáo sư Saafi. Chúng cũng có thể được sử dụng cho nhiều chức năng khác, ví dụ như theo dõi lưu lượng giao thông.

Công nghệ mới sẽ được thử nghiệm ở Anh và một số nước châu Âu sau khi hoàn thiện.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN