Giấc mơ Phú Nghĩa

12/08/2017 10:55

(Baonghean) - Có lẽ, một trong những điểm khác biệt của xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) với các xã thuộc vùng bãi ngang chính là những cồn điệp nhấp nhô chạy dọc ven biển. Cùng với vẻ đẹp kỳ vĩ và hoang sơ của núi Rồng, sự đổi thay của cuộc sống đã làm nên nét quyến rũ của một vùng quê ven biển.

Không còn sức vóc của một tráng niên nhưng ông Bùi Ngọc Kế, xóm Nghĩa Bắc, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) - một CCB của Đoàn tàu không số vẫn một lòng thiết tha với biển. Mỗi buổi sáng, ông thường dành thời gian ra bãi biển, vun gốc cho những cây phi lao nhỏ phòng gió bão quật đổ, một công việc tự nguyện với tất cả tấm lòng nhiệt tình và yêu mến của một người con làng biển.

Xuất phát từ tấm lòng yêu mến ấy, ông Kế còn dành thời gian sưu tầm tư liệu, khám phá dòng “trầm tích” của làng quê, gom thành những câu chuyện và kể lại cho con cháu. “Mảnh đất này đã có lịch sử gần nghìn năm, qua bao biến cố, thăng trầm, các dòng họ từ khắp nơi tìm về đây mở đất, lập làng. Cuộc sống hôm nay chưa thể nói là giàu nhưng không còn vất vả và đói khổ như xưa, phía trước đang hứa hẹn bao sự đổi thay, khởi sắc” - cựu binh Bùi Ngọc Kế không giấu được niềm tự hào và thể hiện giọng điệu của một nhà nghiên cứu.

Theo lời các bậc cao niên ở Quỳnh Nghĩa, những cồn điệp chạy dọc bờ biển được hình thành từ hàng nghìn năm trước, do sự tác động của biến đổi địa chất. Thuở xa xưa, đây là một vịnh nước mặn, thuận lợi cho giống sò, điệp sinh sôi. Đến lúc mực nước biển dâng cao, rồi lại rút dần ra xa, theo cách nói của sử sách là “biển tiến” và “biển lùi” khiến cho giống sinh vật này không kịp thích nghi nên chết hàng loạt. Do sự tác động của sóng và dòng chảy đã cuốn sò, điệp lên bờ và tích tụ thành cồn, đến tận ngày nay vẫn còn dấu tích.

Cùng với những cồn điệp, từ hơn 30 năm trước, các nhà khảo cổ học còn phát hiện 3 lưỡi mai và 1 lưỡi cuốc làm bằng đá xám được cho là công cụ lao động của người nguyên thủy. Còn tư liệu “Hương ước làng Nghĩa Lý” (một tên gọi khác của Quỳnh Nghĩa) có ghi: “Làng ta có thời cố Lê là Trang Nghĩa Lộ, đến cuối thế kỷ 14 lại có tên gọi là thôn Hiền Lương nằm trong xã Hoàn Hậu, tổng Phú Hậu sau này”.

Phong cảnh núi Rồng, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu). Ảnh: Sỹ Minh
Phong cảnh núi Rồng, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu). Ảnh: Sỹ Minh

Đầu thế kỷ 17, vùng đất này được đổi tên thành xã Phú Nghĩa, gồm 2 thôn lớn là Thượng thôn (xã Quỳnh Nghĩa hiện nay) và Hạ thôn (xã Tiến Thủy hiện nay). Và tên gọi Phú Nghĩa thể hiện ước mơ và khát vọng của cư dân làng biển nơi đây, là ước mơ về một cuộc sống trù phú, giàu có, đủ đầy và đậm nghĩa tình, đề cao tấm lòng nhân nghĩa.

Sang đến thế kỷ 18, có tới 20 dòng họ về đây quần tụ, họ Nguyễn đến từ Nam Sách (Hải Dương), họ Đinh đến từ đất cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), họ Hồ đến từ nhiều vùng khác nhau, họ Trương Đắc đến từ huyện Minh Linh (Quảng Trị) và họ Bùi đến từ đất Hà Trung (Thanh Hóa)... Các dòng họ cùng ra sức lao động, sản xuất và bảo vệ quê hương. Đồng thời, xây dựng nên những giá trị văn hóa, tinh thần phong phú, mang đậm bản sắc, thể hiện qua hệ thống đình chùa, miếu mạo cũng như các hoạt động lễ hội và phong tục. Để rồi, xây đắp nên sự cố kết cộng đồng, làng xã, cùng đoàn kết và hợp sức chống chọi bão tố, thiên tai và giặc dã, giữ gìn làng quê và cuộc sống yên bình...

Cư trú dọc bãi biển, điều kiện tự nhiên khá phong phú nên người dân Phú Nghĩa sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau. Có ruộng đồng và đất bãi để bà con nông dân trồng lúa, ngô, lạc, vừng; có ruộng muối để bà con diêm dân sản xuất; có mặt biển bao la để bà con ngư dân phát triển nghề đánh bắt, khai thác hải sản. Và, từ bao đời nay, đánh bắt hải sản trở thành nghề chính, nghề mũi nhọn ở làng Phú Nghĩa, từ khi những con thuyền nhỏ ra lộng cho đến hôm nay với đội tàu công suất lớn gần 150 chiếc ngày đêm bám biển, vươn khơi, 6 tháng đầu năm nay đã khai thác được gần 10.000 tấn tôm, cá.

Cùng với đó là nghề chế biến hải sản được duy trì và phát triển, giải quyết việc làm và đem lại nguồn thu lớn cho người dân. Ngoài ra, làng biển Phú Nghĩa còn có nghề mộc truyền thống, xuất phát từ nghề đóng tàu, thuyền, về sau phát triển thành nghề mộc gia dụng. Và, khi nền kinh tế thị trường phát triển, các loại hình dịch vụ ở xã Quỳnh Nghĩa bắt đầu bắt nhịp và tăng tốc, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế - xã hội. Gần đây, địa phương này đã bắt đầu khai thác tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch - dịch vụ, giúp cho bộ mặt đời sống nhanh chóng được đổi thay, nhịp sống của làng biển ngày càng thêm hối hả.

Nét hấp dẫn của Hòn Ông – Hòn Bà ở núi Rồng, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu). Ảnh: Sỹ Minh
Nét hấp dẫn của Hòn Ông – Hòn Bà ở núi Rồng, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu). Ảnh: Sỹ Minh

Khi nói đến làng biển Quỳnh Nghĩa không thể không nói đến núi Rồng (tên chữ là Long Lĩnh) - ngọn núi nằm ở phía Đông Nam, là “lá chắn” mỗi khi có giông bão, cũng là một thắng cảnh, một “kiệt tác” của thiên nhiên ban tặng. Ngọn núi cao 189m, chạy dài theo mép biển, che chắn cho làng mạc phía sau.

Núi có hình dáng của một con rồng đang ngậm nước phun mưa, đầu hướng Đông Nam, thân rồng uốn lượn, đuôi rồng xòa ra theo hình cánh phượng, là nơi thâu nạp khí thiêng của bầu trời, mặt biển và lòng đất. Từ xưa, núi Rồng đã được người đời ca tụng, được ghi chép ở nhiều sử sách, trong đó sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn đã viết: “Vách núi cheo leo, hang núi sâu thẳm, chim muông đầy đàn, trong hang thần không cần sửa sang xây dựng mà đầy đủ thắng cảnh tự nhiên”.

Nói rằng núi Rồng là “kiệt tác” quả không sai, hệ thống thạch nhũ quanh núi uốn lượn theo hình những con sóng tạo nên lớp vây rồng. Chếch một bên là bãi đá kéo dài với vô số khối đá kích thước khác nhau và có hình thù kỳ vĩ, ấn tượng nhất là cặp đá Ông - đá Bà đứng bên nhau, thể hiện khát vọng hạnh phúc trường tồn.

Tiếp đến là đá Ổ Gà với hình đàn gà mẹ và đàn con tíu tít bên nhau, thể hiện khát vọng về sự nảy nở, sinh sôi của vạn vật. Trên thân rồng còn có Gò Khỉ, đỉnh Kê Quan, Hàm Ếch, Hàm Thông..., mỗi tên gọi đều được dựa theo một dáng hình, thể hiện một ước vọng, một quan niện nhân sinh của người đời. Bên cạnh chân núi là bãi cát mịn, từng con sóng ùa về ru giấc ngủ của nhân gian, từ xưa nơi đây là bãi tắm của làng, cũng là nơi những con thuyền nhỏ gối bãi.

Nhịp sống hối hả nơi cảng Lạch Quèn, xã Quỳnh Nghĩa(Quỳnh Lưu). Ảnh: Việt Hùng
Nhịp sống hối hả nơi cảng Lạch Quèn, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu). Ảnh: Việt Hùng

Trong núi có hang Rồng với vẻ đẹp nguyên sơ, những khối đá xếp chồng lên nhau muôn vàn màu sắc. Cửa hang thông ra mặt biển nên có thể đi thuyền vào đây khám phá, chiêm ngưỡng sự tài hoa, khéo léo của tạo hóa đã tạc nên những hình khối kỳ vĩ, lung linh và huyền ảo. Phía trần hang, có một điểm thông với bên ngoài được gọi là giếng trời, là nơi đón ánh nắng mặt trời khiến cho cảnh sắc thêm tươi xinh và lộng lẫy. Từ đây, có thể quan sát thảm thực vật bám trên vách đá, thể hiện sức sống mãnh liệt cùng một bản lĩnh kiên cường, in đậm bóng dáng của những người con làng chài Phú Nghĩa. Vẻ đẹp của núi Rồng và sự hấp dẫn của hang Rồng, nét quyến rũ của biển đang giúp nơi đây trở thành một điểm đến lý tưởng.

Chúng tôi rảo bước qua những cồn điệp, những rặng phi lao điệp trùng, đồng lúa và bãi ngô đang ngút ngát xanh tươi. Trên lạch Quèn, tàu thuyền tấp nập, chợ cá vang lên những tiếng lao xao, điểm tô cho phong cảnh bình yên nơi làng biển. Những mẻ cá vừa được đem về từ biển khơi còn tươi rói, những chuyến xe hối hả vào ra, đưa đến những miền quê xa gần, làm cho nhịp sống làng biển thêm sôi động. Bộ mặt làng quê đang khởi sắc với những con đường nhựa, những dãy nhà khang trang và những công trình kiên cố, trụ vững trước sự khắc nghiệt qua những trận bão giông, khát vọng từ muôn xưa đang thành hiện thực.

Rời làng biển Quỳnh Nghĩa, hình ảnh đọng lại trong tâm trí chúng tôi là rặng phi lao chắn sóng, thân hình rắn rỏi của những ngư phủ cùng ánh mắt, nụ cười thân thiện của bà con nơi đây. Và kia, dáng núi Rồng trước biển - ngọn núi huyền thoại đứng sừng sững giữa sóng gió đời thường...

Công Khang

TIN LIÊN QUAN