Đại biểu Quốc hội: 'Thời học sinh tôi cũng bị cán bộ xã phê xấu lý lịch'

23/08/2017 11:26

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, năm 1982, khi làm hồ sơ đi học ông cũng bị cán bộ xã phê xấu vào sơ yếu lý lịch.

ĐB Đặng Thuần Phong quê Bến Tre, ông là ĐBQH khóa XI, XII, XIII và XIV. Ảnh: VPQH
Đại biểu Đặng Thuần Phong quê Bến Tre, ông là ĐBQH khóa XI, XII, XIII và XIV. Ảnh: VPQH

Xảy ra từ ngày trước

Nhìn nhận về những vụ việc cán bộ xã phê xấu vào lý lịch của người dân xảy ra ở Hải Dương, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ngãi chỉ vì do gia đình họ còn nợ những khoản đóng góp, ĐB Đặng Thuần Phong cho biết: Đây là việc không phải bây giờ mới xảy ra, trước đây cũng đã có. Ông lấy ví dụ ngay từ trường hợp của bản thân.

“Năm 1982, lúc đó tôi làm hồ sơ để đi học cũng bị Trưởng Công an xã (vì chuyện cá nhân) phê nặng nề vào lý lịch là “gia đình không chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước”. Tôi rất buồn, khi về nhà được bố động viên rồi thời gian trôi đi cũng đỡ suy nghĩ hơn. Trước tôi, người chị gái cũng bị phê xấu vào lý lịch”- ĐB Phong kể.

Những vụ cán bộ xã phê xấu vào lý lịch người dân gây bức xúc dư luận.
Vụ cán bộ xã phê xấu vào lý lịch người dân gây bức xúc dư luận.


Theo ĐB Đặng Thuần Phong, hành vi phê xấu vào lý lịch của cán bộ xã trong những trường hợp vừa qua là do nhận thức.

“Họ không hiểu thẩm quyền của mình nên hành động theo cảm tính, nghĩ phê như thế là để tạo sức ép lại gia đình công dân đó. Họ không nghĩ làm như vậy ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mệnh chính trị và cuộc đời nghề nghiệp của người khác. Hiện nay điều kiện xã hội ngày càng phát triển, quyền con người, quyền công dân luôn được đảm bảo theo tinh thần của Hiến pháp thì cách phê vào lý lịch của cán bộ xã như những vụ vừa qua là không thể chấp nhận” - ĐB Phong nói.

Xử lý nghiêm cán bộ vi phạm

ĐB Đặng Thuần Phong nói thêm, cần nghiên cứu xem đối với thủ tục để người dân đi học, đi xin việc làm có cần phải xác nhận và đóng dấu của địa phương như cách làm hiện nay không. Nếu thấy không cần thiết có thể bỏ để tránh thủ tục hành chính cho người dân.

ĐB Phong cho rằng, đối với những cán bộ có hành vi sai phạm khi phê vào lý lịch của người dân cần phải xử lý nghiêm để làm gương, chứ không chỉ xin lỗi là xong.

Theo Dân Việt

TIN LIÊN QUAN