Lo lắng trước sự xâm lấn của hàng Thái Lan

17/09/2017 08:01

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số đơn vị liên quan trong Bộ để tìm nguyên nhân nhập siêu từ Thái Lan.

Với việc 98% các dòng thuế đánh vào hàng Thái sẽ về 0 từ năm 2018, việc các tập đoàn bán lẻ lớn của nước này đã thôn tính được tỷ lệ lớn chuỗi phân phối và kể cả tâm lý ưa chuộng hàng Thái của người Việt, các cánh cửa để hàng hóa nước này hầu như đã được khai thông. Vậy, còn cửa nào cho hàng hóa Việt?

Theo báo cáo của Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt khoảng 9,64 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Thái Lan đạt khoảng 3,07 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan đạt 6,57 tỷ USD, Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan 3,5 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Năm nhóm mặt hàng nhập khẩu lớn nhất là hàng điện gia dụng và linh kiện (646 triệu USD), rau quả (618 triệu USD), ôtô nguyên chiếc (432 triệu USD), xăng dầu các loại (406 triệu USD), chất dẻo nguyên liệu (403 triệu USD), linh kiện phụ tùng ôtô (340 triệu USD).

Các đại gia bán lẻ Thái Lan đã mua lại nhiều chuỗi siêu thị tại Việt Nam và vẫn còn tiếp tục xu hướng mở rộng.

Nhiều mặt hàng trong nước đã sản xuất được tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu từ Thái Lan như các mặt hàng điện, điện tử gia dụng và linh kiện, rau quả, máy vi tính, sản phẩm nhựa, sắt thép, các sản phẩm gia dụng như chất tẩy rửa, mỹ phẩm, đồ dùng nhà bếp, sản phẩm nội thất…

Đối với rau quả, năm 2016, Việt Nam nhập khẩu 410 triệu USD (chiếm 44,3% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam từ thế giới, gấp 10 lần kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Thái Lan trong năm 2016).

Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan rất nhiều loại rau quả, như: các loại đậu hạt, nấm, sầu riêng, dâu tây, chôm chôm, bòng bong, nhãn, măng cụt, mít, me, mận, mơ, xoài, bơ, ổi, chà là, bưởi, cam, dừa, hạt điều... trong khi Thái Lan chỉ mới cấp phép cho thanh long, vải và nhãn của Việt Nam. 8 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu rau quả từ Thái Lan đã lên tới 618 triệu USD.

Thực hiện lộ trình giảm thuế theo cam kết trong ATIGA, Việt Nam đã xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với xấp xỉ 90% tổng số dòng thuế đánh vào hàng hóa Thái Lan, và sẽ xóa bỏ thuế đối với 98% số dòng thuế vào năm 2018.

Cùng với đó, Thái Lan đã thiết lập kênh phân phối vững chắc và đang tiếp tục mở rộng tại Việt Nam với sự hiện diện của các tập đoàn bán lẻ hàng đầu nước này Central Group, TCC Group – những cái tên đã mua lại Metro, Big C... và tiếp tục có kế hoạch mở rộng. Các kênh để đưa hàng Thái vào Việt Nam gần như đã được khơi thông hoàn toàn, thậm chí cả ở khía cạnh tâm lý người tiêu dùng, vì người Việt Nam khá ưa chuộng hàng Thái Lan.

Bộ Công Thương cho rằng, do có tiềm lực về tài chính, Chính phủ Thái Lan dành ngân sách khá lớn cho việc triển khai với quy mô lớn và có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Việt Nam.

Vấn đề lớn hơn là bản thân Việt Nam vẫn có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với các mặt hàng của Thái Lan là đầu vào của sản xuất (chiếm tới 50% tổng kim ngạch nhập khẩu), gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; xăng dầu các loại; chất dẻo nguyên liệu; hóa chất; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy; vải các loại; giấy các loại; xơ, sợi dệt các loại; thức ăn gia súc và nguyên liệu...

Các hoạt động mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam cũng dẫn tới việc tăng nhập siêu.

Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị các đơn vị phải tìm hiểu toàn diện lý do tại sao Việt Nam lại nhập siêu từ Thái Lan, trong khi hàng hóa các nước khác trong khu vực như Malaysia, Indonesia cũng được áp dụng các chính sách tương tự.

So sánh “không thể như bóng đá, cứ nhìn thấy Thái Lan là thua”, ông Trần Tuấn Anh cho rằng cần cải thiện năng lực cạnh tranh, nếu không giai đoạn tới cũng sẽ bỏ lỡ các cơ hội như giai đoạn từ khi gia nhập ASEAN đến nay.

Theo Công an nhân dân

TIN LIÊN QUAN