'BOT' V.League: Các CLB 'chưa kịp nhấn ga đã phải phanh gấp'
(Baonghean.vn) - V.League 2017 bị ngắt ra đến 4 quãng nghỉ để “phục vụ” các ĐTQG và U22 Việt Nam. Việc chia nhỏ V.League giống như ma trận BOT khiến các CLB chỉ còn biết kêu trời. Thiết nghĩ, VFF khi mổ xẻ thất bại của đội tuyển U22 VN cũng cần lắng nghe ý kiến của các CLB.
Không hiểu sao VFF lại có quyết định ngưng hẳn đến hơn 2 tháng V.League 2017 để tập trung đội tuyển thi đấu vòng loại U23 Châu Á và SEA Games 29. Để rồi, SEA Games 29 thì thua tức tưởi còn các đội lại ì ạch khi khởi động lại V.League 2017.
Rõ ràng, 4 quãng nghỉ đấy không giúp cho U22 Việt Nam và đội tuyển tốt hơn, nhưng lại làm cho V.League như một con đường mà lái xe chưa kịp nhấn ga đã phải phanh. Các chuyên gia giao thông lý giải rằng, cự ly tối thiểu giữa 2 trạm BOT là 70 km để với tốc độ trung bình 60 km/h, cộng với gia giảm vào-ra trạm chí ít lái xe có 1 giờ chạy tốc độ cao.
Bất cập đủ đường
Đối với các nền bóng đá chuyên nghiệp, CLB chỉ nhả quân mấy ngày trước khi tập trung, giải đấu không hề bị ngắt quãng lâu như thế. Việc dừng chơi V-League cho U22 Việt Nam làm nhiệm vụ tại SEA Games 29, gây sự chán nản cho các nhà tài trợ, giảm hưng phấn của khán giả, gây khó khăn cho CLB, cầu thủ.
Là cầu thủ thi đấu nhiều nhất U22 VN, khi về HAGL, vị trí của Văn Thanh chính là khán đài. Ảnh: Dũng Nguyễn |
Việc cầu thủ tập chay, CLB phải trả lương ròng, còn cầu thủ giảm sút thể lực vì không cọ xát. Bản thân, HLV Hữu Thắng sau thất bại tại SEA Games 29 cũng thừa nhận, chính tại các CLB phải có HLV thể lực chứ không phải tập trung đội tuyển mới “nhồi” thể lực như hiện nay.
Tư duy chiến thuật, kỹ năng cơ bản và nền tảng thể lực phải được hình thành từ CLB chứ không thể bằng cách tập trung dài hạn như hiện nay. Ngay cả việc hướng dẫn Luật Bóng đá cũng phải được thực hiện từ CLB một cách kỹ lưỡng hơn, nếu không những sai sót ấu trĩ như thủ môn Phí Minh Long vẫn còn xuất hiện dài dài.
Với cách tập trung như hiện nay, các cầu thủ làm nhiệm vụ ở ĐTQG và U22 Việt Nam cũng uể oải trong ngày trở lại CLB vì bản thân họ cũng không có ngày nghỉ. Vòng 17 vừa qua, hầu như các cầu thủ HAGL tập trung nòng cốt cho U22 VN đều được BHL CLB cho nghỉ. Duy nhất Công Phượng ra sân thì không thi đấu đủ 90 phút, Văn Toàn lại ra sân từ ghế dự bị.
Có lẽ việc các tuyển thủ quốc gia bị “nhốt” quá lâu trên tuyển, cách ly với CLB, gia đình, bạn bè ảnh hưởng cả về thể lực và tâm lý.
Tiền đạo Tuấn Tài trở lại SLNA với đầu gối chấn thương. Ảnh: Dũng Nguyễn |
Là giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam, đúng ra V.League phải là nền tảng cho đội tuyển, nhưng hiện nay V.League bị xem là nơi phát hiện ban đầu. Các cầu thủ khi lên đội tuyển được học lại, kể từ việc uống nước, ném biên cho đến ngày kiệt sức sẽ trả về CLB.
Các HLV trưởng luôn phàn nàn khi tập trung đội tuyển phải tham gia đào tạo lại cầu thủ từ những công việc, đáng ra cấp CLB đã phải làm tốt.
Ngược lại, các CLB lại không mấy thích thú khi có quân lên tuyển bởi có bao bất cập, rủi ro đang chờ đợi. Điều ấy giải thích tại sao khi tiếp nhận cầu thủ từ đội tuyển về bao giờ các HLV cũng lắc đầu ngao ngán bởi cầu thủ không hư tính thì cũng đuối sức, hoặc chấn thương.
Chuyên nghiệp hóa
Không cần nhìn đâu xa, U22 Thái Lan chỉ tập trung trước SEA Games 29 hơn 1 tuần vẫn đoạt HCV. Thai League không có chuyện dừng cả mấy tháng trời, mọi việc cứ diễn ra bình thường, gần đến ngày tập trung HLV trưởng chỉ việc gom quân lắp ráp đội hình trên nền tảng thể lực và kỹ thuật cá nhân có sẵn từ CLB.
Khi nào V.League còn bị băm nát như việc bố trí quãng nghỉ như trạm thu phí BOT hiện nay thì bóng đá Việt Nam không thể lấy giải đấu chuyên nghiệp này làm nền tảng cho các đội tuyển.
Bóng đá Việt Nam hội nhập muộn, thiết nghĩ VFF không cần phải “sáng tạo” cách làm mới mà cần chú trọng nâng tầm giải đấu cao nhất của mình. Trong tương lai, rút kinh nghiệm lần này VFF chỉ nên tập trung đội tuyển ngắn ngày, chủ yếu là lắp ráp đội hình.
AT
TIN LIÊN QUAN |
---|