Thế giới đối phó với dịch sốt xuất huyết thế nào?
(Baonghean.vn) - Dịch sốt xuất huyết hiện nay đã xuất hiện và lan rộng tại 61 tỉnh, thành phố ở nước ta. Các nước trên thế giới cũng từng xảy ra dịch sốt xuất huyết, và họ đối phó với nạn dịch sốt xuất huyết như thế nào?
Ảnh minh họa |
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới WHO, có khoảng gần 400 triệu ca sốt xuất huyết mỗi năm, 1% trong số đó tử vong, và 40% dân số thế giới có khả năng bị lây nhiễm bệnh này.
Năm nay, dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu bùng phát tại nhiều nước như Bồ Đào Nha, Pháp, Mỹ và Nhật Bản. Một số nước như Trung Quốc, Malaysia, Campuchia, Ấn Độ cũng đang gia tăng các ca bệnh sau nhiều năm không có dịch.
1. Mỹ
Ảnh minh họa. |
Là một nước phát triển với nền y học tiên tiến, nhưng Mỹ cũng không tránh khỏi việc bệnh sốt xuất huyết xảy ra cho người dân nước này. Chính phủ Mỹ đã cùng Liên minh châu Âu EU góp vốn tài trợ cho Tập đoàn chăm sóc sức khỏe Sanofi nghiên cứu và chế tạo ra vắc-xin chống lại virus Zika và virus gây bệnh sốt xuất huyết vào hồi đầu năm 2016. Dự án đã ngốn kinh phí gần 1,65 tỷ USD cho cả khâu nghiên cứu, sản xuất và chờ phê chuẩn của 20 nước trên thế giới.
Hiện hàng triệu liều vắc-xin đã được tạo ra và sẵn sàng đưa đến EU và các quốc gia ở châu Á, Mỹ Latinh. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ và các nước khác còn thử nghiệm trên quy mô nhỏ trên vài đối tượng trong nhóm nghiên cứu, nhằm theo dõi diễn tiến kháng virus của bệnh.
2. Mexico
Ảnh minh họa |
Tháng 12/2016, Mexico đã thông qua và cho phép sử dụng vắc-xin chống lại virus sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới. Đặc biệt, vắc-xin này chính là loại mà Tập đoàn Sanofi phát triển và đề nghị thử nghiệm tại các quốc gia trên thế giới đã nói trên. Tuy được phản hồi là an toàn và hiệu quả, nhưng loại vắc-xin này lại chủ yếu dùng cho người từ 9 đến 45 tuổi, không được áp dụng trên trẻ nhỏ.
Chính phủ Mexico cho biết sẽ ưu tiên tiêm vắc-xin ở những khu vực phát dịch và có nguy cơ lây nhiễm cao. Ủy ban Tiêm chủng Quốc gia Mexico cũng sẽ cân nhắc việc cung cấp vắc-xin này miễn phí trên phạm vi toàn quốc.
3. Phillippines
Sau Mexico, Phillipines là quốc gia thứ 2 tiến hành tiêm vắc-xin của hãng Sanofi giúp phòng sốt xuất huyết trên diện rộng. Janette Garin, Bộ trưởng Bộ Y tế Phillippines, cho biết rằng chương trình này được triển khai trên hệ thống y tế công cộng và trường học công. Cụ thể. hơn 1 triệu học sinh của 6.000 trường học ở các khu vực có dịch sốt xuất huyết nhiều nhất nước này đã được tiêm chủng.
Philippines là một trong số những quốc gia châu Á bị ảnh hưởng hàng đầu vì căn bệnh quái ác này. Năm 2013, có khoảng 200.000 người mắc bệnh.
4. Singapore
Phun thuốc phòng chống dịch bệnh ở Singapore. Ảnh: Getty |
Giống với Nhật Bản, đảo quốc Sư tử lựa chọn biện pháp ngăn chặn sốt xuất huyết theo hướng thân thiện với môi trường. Chương trình kiểm soát vector phát hiện khu vực có tỷ lệ phát bệnh cao cũng như khu vực có ấu trùng muỗi được phát triển và áp dụng kể từ năm 1968. Ngay khi thu thập được kết quả, chính phủ Singapore sẽ cho vệ sinh và triệt ổ nước môi trường sống của ấu trùng muỗi, ngăn chặn dịch bệnh bùng nổ.
5. Nhật Bản
Kể từ năm 2014, nước Nhật lại bắt đầu phải đương đầu với sự trở lại của nạn dịch sốt xuất huyết được cho là đã biến mất hoàn toàn trước đó vào năm 1945. Các ca bệnh này được cho là bị lây nhiễm bắt nguồn từ khách du lịch đến thăm quan Tokyo, hay còn gọi là sốt xuất huyết ngoại nhập.
Chính phủ nước Nhật đã tiến hành xử lý và làm sạch môi trường. Các nhân viên đội y tế - cứu hộ được mặc đồ chuyên dụng và đeo mặt nạ xuống đường phun thuốc diệt muỗi và tháo nước tại các khu vực cống rãnh nơi công cộng.
6. Việt Nam
Phun thuốc diệt muỗi phòng nguy cơ phát dịch sốt xuất huyết. |
Cục Y tế dự phòng cho biết sau khi có khuyến cáo mới từ WHO về việc cấp phép sử dụng vắc-xin trong năm nay, Việt nam sẽ có quyết định riêng liên quan đến việc cho lưu hành vaccine mới. Tuy vậy, các chuyên gia y tế cho rằng, trước khi được áp dụng chính thức, vắc-xin này vẫn phải đi qua một quá trình nghiên cứu lâm sàng, đánh giá hiệu quả và hoàn thiện các hồ sơ thủ tục dự kiến sẽ kéo dài hàng năm.
Tại Việt Nam, ngày 20/7, Hội nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết được diễn ra với sự tham gia góp mặt của nhiều chuyên gia y tế cả nước. Theo thống kê, số người bệnh sốt xuất huyết trên cả nước hiện là 57.492 ca, 15 người tử vong, tăng gần 10% so với năm 2016. Dịch bệnh được cho là diễn tiến theo chiều hướng gia tăng và mạnh mẽ hơn.
Đã có vắc xin chống sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới! Sự phê chuẩn vắc xin chống sốt xuất huyết tại Mexico được xem là một bước tiến quan trọng trong việc ngăn ngừa căn bệnh lây truyền qua muỗi đốt vốn đang đe doạ một nửa dân số thế giới. Các thử nghiệm lâm sàng với hơn 40.000 người ở 15 quốc gia cho thấy vắc xin Dengvaxia giúp tạo ra miễn dịch cho 2/3 người tiêm phòng trong độ tuổi từ 9 trở lên, và hiệu lực bảo vệ lên tới 93% đối với thể sốt xuất huyết nặng; đồng thời làm giảm nguy cơ phải nằm viện tới 80%. Một điều đáng chú ý là vắc xin này không được tiêm cho trẻ dưới 9 tuổi bởi các nghiên cứu cho thấy hiệu quả bảo vệ đối với độ tuổi này rất thấp. Trước đó, vắc xin này đã được nghiên cứu và phát triển suốt 20 năm với kinh phí lên tới 1,5 tỉ euro (tương đương 1,65 tỉ đô la Mỹ), bao gồm cả khoản đầu tư cho sản xuất, cũng như chờ đợi sự phê chuẩn của ít nhất 19 nước. Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia, công ty này sẽ bắt đầu thu về 1 tỷ đô la Mỹ mỗi năm từ năm 2018 hoặc 2019. Còn theo ước tính của trang Bloomberg, với đối tượng tiêm từ 9-45 tuổi sống ở những vùng có nguy cơ cao, doanh thu của vắc xin này sẽ lên tới 1,4 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020. Hiện nhiều triệu liều vắc xin đã được sản xuất và đưa đi khắp thế giới, trong đó đã tới EU đầu năm 2016 và Mỹ là 2017. |
Thái Bình
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|