Người mang đến bình yên cho 'cổng trời'

15/08/2017 08:20

(Baonghean) - Cho đến tận bây giờ, già làng Và Phái Tểnh vẫn chưa quên được thời kỳ khó khăn cải biến mảnh đất vốn chỉ dày đặc cây thuốc phiện ở "cổng trời" Mường Lống ngày nào.

Vận động đồng bào xóa cây thuốc phiện

Một ngày cuối tháng 7, trời nắng như đổ lửa, chúng tôi ngược hành trình lên Mường Lống - nơi mà người ta vẫn ví như Sa Pa của xứ Nghệ. Trong chuyến hành trình ấy, chúng tôi tìm gặp già làng Và Phái Tểnh, người có công lớn trong việc giúp đồng bào Mông xóa bỏ cây thuốc phiện. Già Tểnh năm nay đã 68 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh.

Trong câu chuyện của mình, già Tểnh không quên những ký ức cách đây mấy chục năm về trước, khi núi rừng Mường Lống đâu đâu cũng chỉ thấy cây hoa anh túc. Biết là độc hại nhưng người ta thu mua, bán có tiền nên chẳng ai chịu bỏ thói quen ấy. Cứ thế mảnh đất Mường Lống ngập đầy hoa anh túc.

Còn già Tểnh lúc ấy, được giác ngộ sớm nên khi vừa lớn lên đã tham gia hoạt động tại địa phương. Năm 1967, ông trở thành giáo viên dạy chữ Mẹo Tây Bắc kiêm Thường vụ xã Đoàn, Thư ký đội sản xuất hợp tác xã Mường Thù. Đến năm 1968 thì được điều công tác tại Công an huyện Kỳ Sơn, sau đó lại quay về tham gia hoạt động chính quyền tại địa phương và làm Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Công an xã Mường Thù. Năm 1977, xã Mường Thù sát nhập với xã Mường Lống, già Tểnh làm Chủ tịch UBND xã Mường Lống, rồi chuyển sang làm Bí thư Đảng ủy xã cho đến lúc về hưu vào năm 2005.

Năm 1996, Nhà nước có chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, thời điểm ấy, Mường Lống có tới 600 ha đất trồng loại cây này, gần như cái ăn cái mặc của bà con đều trông chờ vào đó. Là người đứng đầu địa phương lúc bấy giờ, già Tểnh nhiều đêm mất ngủ, trằn trọc, làm thế nào để bà con dân bản nghe theo chủ trương của Nhà nước, làm thế nào để họ hiểu được tác hại của cây thuốc phiện là những câu hỏi cứ quẩn quanh trong đầu ông. Nếu ép buộc thì bà con sẽ chống đối, họ biết sống dựa vào đâu, nhưng nếu không quyết tâm thì mảnh đất Mường Lống sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi cái cảnh âm u vì nghiện ngập. Già Tểnh cho rằng chỉ có kiên trì vận động, kiên trì thuyết phục bà con để họ tin và làm theo.

Nghĩ là làm, ngày nắng cũng như ngày mưa, không ngại đèo núi hiểm trở, ông cùng các cán bộ xã đến tận từng nhà để nói chuyện với bà con, động viên họ từ bỏ cây anh túc. Thế nhưng cũng chẳng dễ dàng gì, nghiêm cấm thì người ta lén lút trồng, rồi lén lút bán.

Già Tểnh vẫn còn nhớ thời điểm ấy có gia đình ông Lầu Già Lồng ở bản Tham Pạng, cán bộ thuyết phục mãi nhưng vẫn không nghe theo. Già Tểnh phải đến gặp gỡ thường xuyên, phân tích có lý có tình, mãi sau này gia đình đó mới chịu dừng việc trồng cây thuốc phiện. Vậy là những cố gắng của già cũng có kết quả, chỉ sau chưa đầy 1 năm, cây thuốc phiện cứ lụi dần rồi chết hẳn.

Già làng Và Phái Tểnh - “cây đại thụ” nơi cổng trời Mường Lống. Ảnh: Phương Thảo
Già làng Và Phái Tểnh - “cây đại thụ” nơi cổng trời Mường Lống. Ảnh: Phương Thảo

Thế nhưng, bà con dân bản đã quen với việc sản xuất thuốc phiện, đến lúc từ bỏ họ loay hoay không biết tìm phương thức sản xuất mới. Gìa Tểnh lại cùng các cán bộ ra tận vùng Bắc Hà (Lào Cai) để tìm mua giống mận về để bà con trồng.

Kể đến đây, già Tểnh chỉ tay về phía dãy núi ẩn hiện sau những ngôi nhà bằng gỗ sa mu “đằng kia đều là rừng mận cả đấy, mận này là mận tam hoa, phải đúng dịp mùa xuân, hoa mận trắng cả vùng, thế là nó cũng về định cư ở đất Mường Lống ta được gần 2 chục năm rồi”. Bà con biết trồng mận lấy quả, rồi dần dần biết nuôi gà nuôi ngựa, kinh tế cứ thế mà khấm khá dần, hơn hẳn thời kỳ trồng cây thuốc phiện.

“Cây đại thụ” giữa rừng

Trong câu chuyện kể với chúng tôi, già Tểnh có nhắc đến người con trai đã mất của mình - anh hùng lực lượng vũ trang, Trung úy, liệt sỹ Và Bá Giải. Sinh ra trong gia đình có 9 anh chị em nên Và Bá Giải tự lập từ sớm. Lớn lên, thấy con trai tình nguyện tham gia vào lực lượng bộ đội biên phòng, già Tểnh lấy làm vui và tự hào lắm. Thế nhưng, khi chưa kịp lập gia đình để sinh cho bố mẹ đứa cháu nội, ngày 26/7/2004, Và Bá Giải đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trinh sát địa hình tại khu vực Đồn Biên phòng 551 (huyện Tương Dương).

Những gì mà già Tểnh đã làm, đứa con trai yêu quý của già đã làm lại càng khiến người dân Mường Lống thêm tin yêu và kính trọng. Tuy đã nghỉ hưu nhưng tiếng nói của già Tểnh luôn được đồng bào dân tộc Mông ở đây coi trọng. Mấy năm trước, bà con đất Mường Lống vượt biên trái phép sang Lào nhiều lắm, già Tểnh khuyên răn nhiều nên họ cũng nghe theo.

Cứ mỗi lần gặp trẻ nhỏ trong bản là già Tểnh lại động viên chúng gắng học hành, để biết con chữ, sau này đỡ vất vả. Không biết chữ thì không biết làm ăn, không biết kiếm tiền, lại bị kẻ xấu lợi dụng. Già Tểnh chỉ dặn dò thế mà bọn trẻ ở Mường Lống răm rắp nghe theo, đường xa mấy cũng lặn lội đến trường.

Già Tểnh còn là một trong những người khởi thảo xây dựng và vận động dòng họ Và thực hiện mô hình “Dòng họ sạch về ma túy”. Già còn cùng với các bậc trưởng họ soạn thảo ra hương ước riêng, gia đình nào có người nghiện ma túy thì cứ chiếu theo quy định đó mà chịu sự trừng phạt của dòng họ. Nhưng già Tểnh bảo, hiện giờ cũng chỉ mới nhắc nhở, bảo ban, may mắn là con em trong dòng họ đều ngoan ngoãn, biết nghe lời.

Tính đến thời điểm này, toàn xã Mường Lống có 35 người nghiện ma tuý. Con số ấy vẫn còn khiến già Tểnh phải suy nghĩ nhiều. Già bảo trước kia nhà nào cũng có người nghiện, giờ xóa được cây anh túc mới đỡ đi nhiều. Nhưng làm sao để cái đất Mường Lống này không còn ma túy là điều già luôn mong mỏi.

Đã nhiều lần được mời đi dự hội nghị tuyên dương người có uy tín tiêu biểu, trao đổi kinh nghiệm và phát huy vai trò của người có uy tín trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở nhiều nơi, lần nào già Tểnh cũng không khỏi tự hào. “Mình đi nhiều, chia sẻ nhiều cũng chỉ mong bản làng nào cũng đổi thay, cũng tiến bộ như đất Mường Lống này”. Trong hồi ức của già Tểnh, những mùa hoa anh túc - những mùa hoa thuốc phiện, loài cây ma mị một thời tràn ngập trên nương rẫy của người Mường Lống đã xa rồi.

Giờ đây, ngôi nhà của già Tểnh, ngôi nhà của Anh hùng lực lượng vũ trang Và Bá Giải được bao bọc giữa núi rừng ngập tràn mận tam hoa. Và hành trình của chúng tôi cũng trở nên ý nghĩa hơn khi được gặp, được nắm lấy bàn tay thô ráp, chai mòn của con người từng ngày đêm lên rẫy phá bỏ cây thuốc phiện, mang bình yên trở về nơi thung lũng “cổng trời”...

Phương Thảo

TIN LIÊN QUAN