Nghệ An: Số hóa hơn 41.500 trang tài liệu Hán Nôm

22/08/2017 10:41

(Baonghean.vn) - Đó là con số được nêu tại đợt tập huấn Bảo quản, tu bổ tài liệu Hán Nôm do Ban Quản lý di tích - Sở Văn hóa & Thể thao tổ chức trong 2 ngày 22 - 23/8.

Nghệ An là một trong những tỉnh có nguồn di sản Hán Nôm rất phong phú từ hình thức thể hiện đến nội dung như: Sắc phong thần, sắc chỉ, bằng cấp, lệnh chỉ, mộc bản, câu đối… Những tư liệu Hán Nôm này nằm rải rác trong các chùa, nhà thờ họ, đình làng, cộng đồng dân cư và được xem là nguồn sử liệu hết sức quan trọng, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử của tỉnh nhà.

ảnh 1
Tiến hành số hóa các tài liệu Hán Nôm. Ảnh: Thanh Quỳnh

Tuy nhiên, hiện nay, di sản Hán Nôm trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nhiều thách thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị. Phần lớn di sản Hán - Nôm được thể hiện trên chất liệu hữu cơ như: giấy dó, gỗ, vải, lụa, lá cây… phần đa bị mục nát, nội dung tài liệu vì thế cũng mất đi. Nhiều tại liệu bị hư hỏng nặng như ở đền Thanh Liệt, chùa Chợ Hến, đền Hạ - Quỳnh Vinh, đền Bản Thổ - Quỳnh Trang (Quỳnh Lưu)…

Trong khi đó, một số địa phương chưa nắm rõ được tính cấp thiết và tầm quan trọng của công tác tu bổ, bảo quản và phục chế tài liệu khi bị mất mát hư hỏng…nên việc phối hợp triển khai của công tác này diễn ra còn chậm và chưa triệt để.

Do vậy, việc mở các khóa tập huấn bảo quản, phục hồi và số hóa tài liệu Hán Nôm đã và đang Ban Quản lý di tích tỉnh cùng các cấp, ngành và địa phương đẩy mạnh phối hợp thực hiện.

ảnh 3
Các chuyên gia đến từ Thư viện Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn cách vệ sinh chống nấm mốc trên các tài liệu Hán Nôm. Ảnh: Thanh Quỳnh

Tại khóa tập huấn Bảo quản, tu bổ tài liệu Hán Nôm, các chuyên gia hướng dẫn cụ thể phương pháp thực hành vệ sinh và xử lý tài liệu nấm mốc trên các trang tài liệu làm từ chất liệu giấy gió.

Đặc biệt, công tác vệ sinh, cải thiện môi trường kho tài liệu cũng được hướng dẫn chi tiết tới các học viên.

Qua khóa tập huấn, các học viên còn được tìm hiểu và học cách sử dụng các thiết bị cần thiết để xử lý nấm mốc, ẩm thấp và các hư hỏng thường gặp trên tài liệu.

ảnh 4
Các học viên tham gia tập huấn được hướng dẫn cách bảo quản tư liệu lịch sử. Ảnh: Thanh Quỳnh

Cùng với đó, công tác số hóa cũng được tập huấn cho các học viên. Được biết, trong năm 2017, việc số số hóa tài liệu Hán Nôm được tiến hành trên 27 xã với hơn 7.200 trang tài liệu, nâng tổng số trang tài liệu được số hóa lên 41.543 trên địa bàn 139 xã của tỉnh. Đây là những thành quả đáng ghi nhận góp phần trong việc bảo quản, tu bổ các tài liệu Hán Nôm có giá trị trên địa bàn Nghệ An./.

Thanh Quỳnh

TIN LIÊN QUAN