Vì sao Mỹ không thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào động cơ tên lửa Nga?

06/09/2017 08:14

Tạp chí The Wall Street Journal (WSJ), dựa vào các nguồn tin cấp cao và các nguồn tin trong giới công nghiệp Mỹ, khẳng định rằng Mỹ sẽ không thể ngừng nhập khẩu các động cơ tên lửa RD-180 của Nga ít nhất là cho đến năm 2025, thậm chí còn lâu hơn nữa.

Động cơ RD-33MK. Ảnh: Sputnik
Động cơ RD-33MK. Ảnh minh họa: Sputnik

"Mặc dù cả hai viện của Quốc hội Mỹ đã đưa ra yêu cầu cần nhanh chóng ngừng việc sử dụng các động cơ tên lửa RD-180 của Nga vì lý do an ninh quốc gia nhưng thực tế lại phức tạp hơn nhiều so với suy nghĩ của các nghị sỹ- những người muốn thay các động cơ tên lửa RD-180 của Nga bằng các động cơ do Mỹ tự sản xuất"- bài báo của WSJ khẳng định.

WSJ cũng cho biết, đối tác cung cấp chính các công nghệ tên lửa cho Lầu Năm góc là công ty United Launch Alliance (ULA). Công ty này sẽ tiếp tục phóng các tên lửa Atlas V có sử dụng các động cơ tên lửa do Nga sản xuất đến tận năm 2025. Thậm chí việc nhập khẩu động cơ tên lửa của Nga còn có thể kéo dài đến năm 2028.

Từ mùa Hè năm 2016, Lầu Năm góc đã phải thừa nhận rằng Mỹ không có đủ khả năng để thay thế các động cơ tên lửa RD-180 bằng các loại động cơ tương tự nhưng có giá thành đắt đỏ hơn của Mỹ. Ngân sách Mỹ không đủ lớn để chi hàng tỷ USD cho việc nghiên cứu, tự sản xuất động cơ thay thế cho RD-180 của Nga.

Việc Lầu Năm góc buộc phải đưa thông tin này ra là do Ủy ban các vấn đề quân sự thuộc Hạ viện Mỹ hồi giữa tháng 5/2016 đã thông qua dự thảo nghị quyết về việc phân bổ ngân sách cho Lầu Năm góc trong năm tài khóa 2017. Theo đó, ngân sách dự định dùng cho việc mua động cơ RD-180 của Nga bị cắt giảm ½, tức là Mỹ chỉ dự định mua 9, thay vì 18 động cơ loại này. Trước đó đã có đề nghị Mỹ phải mua thêm 18 động cơ RD-180 để đảm bảo cho việc phóng thành công các tên lửa mang Atlas V lên vũ trụ.

Được biết, hiệp định giữa Moskva và Washington đề cập đến việc cung cấp 101 động cơ RD-180 do xí nghiệp "Energomash" của Nga cho Mỹ với giá trị khoảng 1 tỷ USD đã được ký kết năm 1997.

Tuy nhiên, do quan hệ Nga-Mỹ trở nên căng thẳng nên các nghị sỹ Mỹ đã đưa ra đề nghị cấm sử dụng động cơ RD-180 của Nga. Tuy nhiên ngay sau đó, tập đoàn ULA của Mỹ đã đặt mua thêm 20 động cơ RD-180 của Nga. ULA là một trong số các công ty của Mỹ đang nghiên cứu để sản xuất các động cơ tên lửa mới. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách mảng mua sắm và công nghệ Frank Kendall trước đó đã tuyên bố rằng các động cơ do Mỹ sản xuất chỉ có thể được chế tạo sau năm 2021.

Theo Sputnik/Infonet

TIN LIÊN QUAN