Thu hồi rừng do các tổ chức quản lý để chia cho 3 nghìn hộ thiếu đất sản xuất

07/09/2017 12:44

(Baonghean.vn) - Rà soát, thu hồi diện tích rừng do các tổ chức quản lý chia cho hơn 3 nghìn hộ đang thiếu đất sản xuất là ý kiến của bà Cao Thị Xuân tại buổi làm việc ở Quế Phong.

Tiếp tục chương trình làm việc tại Nghệ An, sáng 7/9, Hội đồng Dân tộc Quốc hội có buổi làm việc với UBND huyện Quế Phong về tình hình, kết quả thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006 - 2016. Về phía Đoàn giám sát có bà Cao Thị Xuân - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm Trưởng đoàn và các ông, bà ủy viên Hội đồng Dân tộc, chuyên viên Vụ Dân tộc (Văn phòng Quốc hội), đại diện Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về phía tỉnh Nghệ An có đại diện Thường trực HĐND tỉnh; Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Ban Dân tộc tỉnh; Chi cục Kiểm lâm; lãnh đạo huyện Quế Phong, các phòng, ban liên quan và UBND xã Tiền Phong.

Tính từ năm 2011 - 2016, huyện Quế Phong tổ chức giao đất, giao rừng cho 8 cộng đồng dân cư tại hai xã Hạnh Dịch và Đồng Văn với tổng diện tích 920,93 ha, bao gồm đất rừng tự nhiên (789,93 ha); rừng trồng (24,36 ha) và đất trống (107,19 ha).

Tính đến thời điểm hiện tại, huyện đã giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 3.760 hộ với diện tích 20.462,96 ha. Công tác tổ chức quản lý, bảo vệ rừng được thực hiện tốt, ý thức người dân được nâng cao. Diện tích đất trống được bà con chủ động trồng rừng hoặc tham gia các dự án trồng rừng.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Công Kiên
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Công Kiên

Nhờ đó, diện tích rừng trồng và độ che phủ rừng tăng lên, năm 2006 diện tích rừng trồng là 3.502,8 ha, độ che phủ rừng đạt 73,08%, đến năm 2016 diện tích rừng trồng tăng lên 5.764,9 ha, độ che phủ rừng cũng tăng lên 75,6%. Cộng đồng dân cư và hộ gia đình nhận rừng được hưởng nhiều quyền lợi như được tham gia các dự án, nhận tiền và gạo hỗ trợ theo Nghị quyết 30a...

Đối với xã Tiền Phong, trước năm 2005 có 9 cộng đồng thôn, bản được giao đất, giao rừng với tổng diện tích 1.014,7 ha. Thực hiện Nghị định 163 của Chính phủ, xã có 458 hộ gia đình được giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 2.196 ha.

Người dân xã Hạnh Dịch (Quế Phong) chăm sóc rừng quế nguyên liệu. Ảnh: Công Kiên
Người dân xã Hạnh Dịch (Quế Phong) chăm sóc rừng quế nguyên liệu. Ảnh: Công Kiên

Năm 2017, có thêm 281 hộ ở 4 bản tái định cư thủy điện Hủa Na được giao tổng số 962 ha đất lâm nghiệp. Đồng thời, UBND xã phối hợp với BQL Khu BTTN Pù Hoạt giao khoán, bảo vệ rừng phòng hộ và rừng đặc dụng với diện tích 2.972 ha cho 152 hộ thuộc 4 bản: Na Sành; Huồi Muồng, Na Cấng và Na Chạng.

Chính sách giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình ở Quế Phong thể hiện tính đúng đắn và sớm phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống, diện tích rừng được bảo vệ và phát triển.

Ông Vi Văn Quốc - Bí thư bản Huồi Muộng, xã Tiền Phong (Quế Phong) kiến nghị cho dân tái định cư trở lại ven lòng hồ thủy điện Hủa Na để sản xuất.
Ông Vi Văn Quốc - Bí thư bản Huồi Muộng, xã Tiền Phong (Quế Phong) kiến nghị do thiếu đất sản xuất, các cấp chính quyền tạo điều kiện cho dân tái định cư trở lại ven lòng hồ thủy điện Hủa Na để sản xuất. Ảnh: Công Kiên

Tuy vậy, vẫn còn những tồn tại, yếu kém như việc triển khai thực hiện còn chậm, số diện tích rừng chưa được giao còn lớn nhưng chưa có cơ chế chính sách để giao cho người dân. Tình trạng chuyển nhượng trái phép diện tích rừng và đất lâm nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng và tranh chấp, chồng lấn giữa các hộ gia đình và các tổ chức được giao đất như Công ty TNHH Thanh Thành Đạt vẫn còn diễn ra.

Trên cơ sở đó, huyện đề xuất xem xét tăng mức hỗ trợ cho công tác chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng, bên cạnh đó giúp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tăng nguồn sinh kế để người dân ổn định cuộc sống. Đồng thời, hỗ trợ nguồn lực cho địa phương trong việc thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng.

Ông Lữ Đình Thi - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Quế Phong báo cáo với Đoàn giám sát sẽ đề nghị rà soát, thu hồi đất của các nông – lâm trường để giao cho hộ nghèo. Ảnh: Công Kiên
Ông Lữ Đình Thi - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Quế Phong báo cáo với Đoàn giám sát sẽ đề nghị rà soát, thu hồi đất của các nông - lâm trường để giao cho hộ nghèo. Ảnh: Công Kiên

Các thành viên trong đoàn giám sát chất vấn, trao đổi với lãnh đạo địa phương một số vấn đề về việc thành lập Ban chỉ đạo giao đất, giao rừng; thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc giao rừng tự nhiên, số lượng chủ rừng, vấn đề giao rừng cho các tổ chức nước ngoài, quản lý đất lâm nghiệp, tình trạng chuyển nhượng đất rừng trái phép, quyền lợi của người dân, cơ cấu thu nhập, cơ chế cần thiết để người dân sống được với rừng và định hướng phát triển kinh tế rừng...

Trao đổi những vấn đề trên, lãnh đạo và các ban ngành huyện Quế Phong và xã Tiền Phong giải trình thêm về thực trạng và giải pháp liên quan đến việc giao đất, giao rừng. Đó là tiếp tục triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng, tìm giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng chuyển nhượng trái phép, cần thiết sẽ thu hồi để giao lại cho những hộ thực sự có nhu cầu.

bà Cao Thị Xuân – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc
Bà Cao Thị Xuân - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc kết luận buổi làm việc. Ảnh: Công Kiên

Việc triển khai thực hiện chậm do sự thay thế giữa các văn bản tạo nên sự chồng lấn, cùng với nguồn kinh phí hạn hẹp gây khó khăn cho việc cấp quyền sử dụng đất. Huyện sẽ đề nghị rà soát, thu hồi đất của các nông - lâm trường để giao cho hộ nghèo. Về diện tích đất rừng các tổ chức nước ngoài đang quản lý, huyện sẽ kiến nghị lên UBND tỉnh chấm dứt hoạt động, vì phần lớn diện tích này hiện tại không sản xuất được.

Thay mặt Đoàn giám sát, bà Cao Thị Xuân lưu ý địa phương cần định hướng trong việc quy hoạch, phát triển vốn rừng, đặc biệt là đầu ra cho lâm sản. Diện tích rừng do các tổ chức quản lý còn lớn, cần rà soát, nghiên cứu và thu hồi để chia cho bà con nông dân, nhất là những hộ nghèo, trong đó hơn 3 nghìn hộ đang thiếu đất sản xuất. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân về việc bảo vệ rừng, hạn chế tình trạng tranh chấp diện tích đất rừng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự./.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN