Nghiên cứu sinh ĐH Harvard 'hiến kế' cách ưu tiên tuyển sinh không cần cộng điểm

09/08/2017 14:43

Châu Thanh Vũ - Nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Harvard (Massachusetts, Mỹ) thẳng thắn cho rằng: “Có nhiều lý do để chọn một hình thức ưu tiên khác hơn một chính sách thô, cứng nhắc và mang tính cào bằng theo khu vực địa lý như việc cộng điểm. Chúng ta không thể sửa một sự bất công bằng cách tạo ra một sự bất công mới”.

Dưới đây là góc nhìn quan điểm của chàng trai Việt Châu Thanh Vũ từng giành 8 học bổng tiến sĩ toàn phần Mỹ, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Harvard gửi đến Dân trí về chính sách cộng điểm ưu tiên đang gây “nóng” dư luận trong nước.

Châu Thanh Vũ - Tác giả bài viết hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Harvard.
Châu Thanh Vũ - Tác giả bài viết hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Harvard.

Kỳ thi đại học luôn là chủ đề tốn nhiều giấy mực của báo chí mỗi năm. Năm nay, tình trạng lạm phát điểm trở thành chủ đề nóng khi nhiều thí sinh điểm cao gần tuyệt đối vẫn trượt đại học. Bên cạnh đó, chuyện nhiều thí sinh được điểm cộng ưu tiên khiến điểm chuẩn ở một số trường cá biệt gần hoặc vượt hơn 30 điểm khiến câu hỏi “có nên cộng điểm ưu tiên không” lại được đem ra tranh luận.

Đây là một câu hỏi rất khó trả lời. Nói thế là vì bất cứ chính sách ưu tiên một nhóm thí sinh nào cũng sẽ có phần thiệt thòi cho một nhóm khác. Nếu không xác định rõ mục đích của việc ưu tiên thì chính sách rất dễ bị đi lạc hướng.

Tôi nghĩ cộng điểm ưu tiên là cách thực hiện sai của một ý tưởng đúng. Đúng là nên có chính sách hỗ trợ cho các thí sinh thiếu điều kiện hơn, nhưng có nhiều lý do để chọn một hình thức ưu tiên khác hơn một chính sách thô, cứng nhắc, và mang tính cào bằng theo khu vực địa lý như việc cộng điểm.

Cộng điểm ưu tiên để rút ngắn khoảng cách xã hội. Nhưng khoảng cách nào?

Trước khi bàn về việc cộng điểm, chúng ta phải xác định rõ vì sao chúng ta cần ưu tiên một số thí sinh trong kỳ tuyển sinh.

Luận điểm ủng hộ việc cộng điểm ưu tiên là hành động này giúp rút ngắn khoảng cách giữa học sinh thành thị với học sinh nông thôn và các đối tượng ưu tiên khác. Nhưng chúng ta đang nói về “khoảng cách” nào?

Có hai loại khoảng cách mà chúng ta cần phân biệt rõ: khoảng cách điều kiện, và khoảng cách kết quả. Khoảng cách điều kiện là sự khác biệt về điều kiện học tập và tiếp cận tri thức. Còn khoảng cách kết quả là sự chênh lệch điểm thi, có thể xuất phát từ sự khác biệt trong điều kiện học tập, nhưng cũng có thể do tố chất và sự cố gắng cá nhân.

Tôi nghĩ chính sách ưu tiên nên rút ngắn “khoảng cách điều kiện” chứ không phải “khoảng cách kết quả”. Cụ thể hơn, điều cần làm là phải đánh giá được “nếu một thí sinh thiếu điều kiện đã có cùng cơ hội học tập như những thí sinh thành thị thì đã có kết quả thế nào”, còn nếu ai đó nghĩ rằng ưu tiên là phải cân bằng điểmthi thì mới công bằng thì lại là suy nghĩ sai lầm.

Suy cho cùng, điểm thi là một con số chứa đựng nhiều yếu tố, và hoàn cảnh chỉ là một. Cùng đóng góp vào kết quả thi lànhững sự nỗ lực cố gắng của từng cá nhân. Có những học sinh ở vùng ưu tiên không cố gắng, cũng có những học sinh ở Tp. HCM hay Hà Nội đã cố gắng rất nhiều. Việc cộng điểm dựa trên vị trí địa lý vô tình phủ nhận nỗ lực của một số học sinh chỉ bởi vì các em không sinh ra ở đúng nơi.

Chúng ta không thể sửa một sự bất công bằng cách tạo ra một sự bất công mới

Ngoài nguyên nhân cơ bản đã nói trên, còn hai nguyên do nữa mà chúng ta nên thay hệ thống cộng điểm bằng một chính sách ưu tiên khác phù hợp hơn.

Thứ nhất, bản chất của sự chênh lệch điều kiện vốn là rất khó để định lượng. Thiếu giáo viên giỏi là bao nhiêu điểm? Phải leo 1km đường núi để đi học là bao nhiêu điểm?

Thứ hai, do độ khó dễ của đề mỗi năm khác nhau, 1 điểm ưu tiên có ý nghĩa gì thay đổi mạnh qua từng năm. Ở một kỳ thi có đề dễ, không có tính phân hóa thì điểm cộng ưu tiên sẽ ít ý nghĩa hơn; trong khi đối với năm đề khó, các thí sinh vật lộn với từng bài toán để giành nhau 0.25 điểm, thì việc cộng 1 điểm ưu tiên lại có ý nghĩa rất lớn.

Chính vì những con số điểm cộng này lại được xác định bằng một cách rất không khoa học, và mức độ ưu tiên lại thay đổi qua từng năm, khiến tôi tin rằng nên sớm thay hệ thống cộng điểm bằng một phương án ưu tiên nhưng vẫn đảm bảo tính công bằng hơn.

Chọn phương án “Thi, Chọn, Phỏng vấn”

Để đề ra giải pháp thay thế, tôi đề xuất giữ phương án thi một kỳ thi THPT như hiện nay, không cộng điểm ưu tiên. Thay vào đó, một lượng tương đối (ví dụ: khoảng 200% chỉ tiêu tuyển sinh) sẽ được nhận để phỏng vấn. Những cân nhắc ưu tiên các thí sinh tỉnh lẻ hoặc có hoàn cảnh khó khăn sẽ được suy xét trong vòng phỏng vấn này.

Tuy không hoàn hảo, phương án “Thi, Chọn, Phỏng vấn” này theo tôi có các ưu điểm sau:

Thứ nhất, vòng 1 của phương án này giúp các đại học có sự lựa chọn. Nếu khi cộng điểm ưu tiên có nguy cơ thí sinh ưu tiên lấn át những thí sinh giỏi hơn nhưng không được cộng điểm, thì phương án này đảm bảo rằng sau khi xét tuyển vòng đầu thì có một lượng thí sinh thuộc cả hai nhóm.

Việc lấy phỏng vấn 200% chỉ tiêu tuyển sinh sẽ giúp điểm xét vòng 1 thấp hơn nhiều so với mức điểm xét tuyển thông thường. Điểm vòng 1 thấp sẽ đảm bảo ngay cả thí sinh thuộc vùng không ưu tiên, chưa được cộng điểm vẫn có thể được phỏng vấn và cân nhắc.

Thứ hai, với mức điểm nhận xét phỏng vấn thấp hơn mức điểm xét tuyển thông thường, có thể an tâm hơn về việc loại đi những thí sinh tiềm năng khi chỉ thiếu 0.25 – 1 điểm. Ví dụ như, nếu điểm xét tuyển bình thường là 27, việc phỏng vấn cả những thí sinh 25 điểm giúp hạn chế việc vô tình loại đi những thí sinh tốt ở mức 26.25 hay 26.75 chỉ vì những lỗi sai nhỏ.

Thứ ba, một trong những lý do khiến việc phỏng vấn bị phản đối là số lượng thí sinh quá đông. Bằng cách xét điểm và chỉ phỏng vấn những người đủ giỏi, số lượng phỏng vấn và áp lực công việc lên các trường đại học sẽ giảm rất đáng kể.

Thứ tư, có những điều không thể được thể hiện trên giấy. Phỏng vấn trực tiếp sẽ tạo điều kiện nhà trường đánh giá đúng hơn hoàn cảnh, sự nỗ lực, đam mê, tư duy, và cách suy nghĩ. Nếu thực hiện phỏng vấn đúng, nhà trường có thể chọn nhận những học sinh thuộc vùng ưu tiên nhưng có đam mê và nỗ lực, thay vì bị buộc phải ưu tiên toàn bộ thí sinh thuộc vùng ưu tiên.

KẾT

Như đã nói, chính sách ưu tiên một nhóm thí sinh nào cũng sẽ ảnh hưởng đến một nhóm thí sinh khác, và đây là điều không tránh khỏi. Cái quan trọng là phải làm sao ưu tiên đúng người có nỗ lực và có đam mê, chứ không chỉ xét dựa trên vị trí địa lý nơi sinh ra. Cộng điểm ưu tiên có nhiều nhược điểm, và cần được thay thế.

Tôi đề xuất phương án “Thi, Chọn, Phỏng vấn” với hy vọng cải thiện hệ thống ưu tiên cho các thí sinh thiếu điều kiện nhưng vẫn đảm bảo học sinh giỏi được vào trường tốt. Phương án này phù hợp với xu hướng tuyển sinh của nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới (như Mỹ hoặc Pháp), nhưng vẫn giữ vai trò chính của một kỳ thi THPT quốc gia, và không phải là một bước chuyển quá lớn từ hệ thống hiện tại, tránh sốc cho thầy cô, phụ huynh và các em học sinh./.

Theo Dantri

TIN LIÊN QUAN