Mỹ đang 'dọn đường' để tung đòn quân sự với Triều Tiên?

09/08/2017 14:49

Lệnh cấm công dân đến Triều Tiên của Chính phủ Mỹ được coi là động thái nhằm dọn đường để nước này ra đòn quân sự với Triều Tiên.

Lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 1/9 tới của Chính phủ Mỹ diễn ra trong bối cảnh Liên Hợp Quốc đã công bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên liên quan đến các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của nước này.

cam cong dan den trieu tien my dang don duong de tung don quan su hinh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng đe dọa sẽ tiến hành biện pháp quân sự với Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Khi công bố lệnh cấm này, giới chức Mỹ tuyên bố, lệnh cấm này là nhằm bảo vệ công dân Mỹ khỏi “những mối đe dọa về việc bị bắt giữ và giam cầm trong thời gian dài” tại Triều Tiên.

Tuyên bố này của phía Mỹ ám chỉ việc sinh viên Mỹ Otto Warmbier bị Triều Tiên bắt giam hồi tháng 1/2016 và kết án 15 năm tù khổ sai nhưng đã được đưa về nước hồi tháng 6 trong tình trạng hôn mê sâu và tử vong vài ngày sau đó.

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố: “Cánh cửa của chúng tôi luôn rộng mở với những người Mỹ đến với Triều Tiên một cách thiện chí và hiểu hơn về thực tế cuộc sống tại Triều Tiên”.

Sẵn sàng cho biện pháp quân sự

Tuy nhiên, theo bà Juyeon Rhee thuộc Ủy ban Đoàn kết vì Dân chủ và Hòa bình Hàn Quốc, lệnh cấm của Mỹ “không nhắm đến các công dân nước này mà nhằm gửi thông điệp đến toàn thế giới rằng, Mỹ đang cân nhắc một hành động quân sự đối với Triều Tiên.

Điều này cho thấy Mỹ đang “đóng sầm cửa” với các biện pháp nhằm giải quyết tình hình Triều Tiên một cách hòa bình. Thay vì thế, Mỹ muốn hướng tới con đường gia tăng căng thẳng về quân sự và có thể dẫn đến xung đột”.

Bà Juyeon Rhee dẫn thông tin từ tờ Washington Post cho biết, hiện có khoảng 100-200 công dân Mỹ cùng 25 nhóm hoạt động nhân đạo của Mỹ đang có mặt tại Triều Tiên và số người Mỹ bị Triều Tiên bắt giữ “chỉ đếm trên đầu ngón tay”.

Bà Juyeon Rhee cũng bày tỏ thái độ thất vọng với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vì đã “ngả theo” ý chí của quân đội Mỹ trong vấn đề Triều Tiên dù trước đó chính ông phản đối việc triển khai hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.

“Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in vừa muốn tăng cường liên minh quân sự với Mỹ lại vừa muốn theo đuổi con đường ngoại giao với Triều Tiên. Cách tiếp cận “2 mặt” này là không ổn chút nào.

Hàn Quốc không thể vừa đe dọa Triều Tiên vừa chìa tay ra với họ. Triều Tiên sẽ nhận thấy Hàn Quốc thiếu sự chân thành trong việc theo đuổi giải pháp ngoại giao và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”.

Càng khiến Triều Tiên phản ứng mạnh hơn

Trước đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Susan Thornton lý giải về cách tiếp cận vấn đề Triều Tiên của Mỹ như sau: “Chúng tôi đã nỗ lực nhằm gia tăng sức ép và cô lập Triều Tiên để họ thấy được cái giá phải trả khi phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa của mình.

Trung Quốc đã có những bước đi hết sức quan trọng nếu không muốn nói là chưa từng có tiền lệ để gây áp lực lên người láng giềng Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể làm nhiều hơn nữa trong việc siết chặt việc thực thi các lệnh trừng phạt hiện có nhằm vào Triều Tiên và áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới”.

Tuy nhiên, bà Juyeon Rhee lại không đồng tình với quan điểm này và viện dẫn việc năm 2002, Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đã liệt Triều Tiên vào danh sách “Trục Ác quỷ” cùng Iran và Iraq, một tuyên bố cực kỳ cứng rắn và gây rúng động vào thời điểm đó.

Bà Juyeon Rhee đặt câu hỏi, sau 15 năm kể từ đó “Mỹ đã đạt được điều gì thông qua việc liên tục gia tăng các lệnh trừng phạt về quân sự đối với Triều Tiên? Tôi không nghĩ họ đạt được một thành quả cụ thể nào.

Việc gia tăng áp lực về kinh tế và quân sự đối với Triều Tiên với hy vọng Triều Tiên sẽ ngày càng bị cô lập sẽ chỉ càng khiến Triều Tiên tiến hành thêm những hành động khiêu khích của mình và khiến vấn đề Triều Tiên khó có được kết cục hòa bình”./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN