Lợi ích của âm nhạc với sức khỏe

19/08/2017 15:32

Tất cả mọi nền văn hóa đều biết đến âm nhạc như một liều thuốc bổ cho tinh thần. Ngoài ra, âm nhạc còn nhiều tiềm năng đối với sức khỏe con người.

Cải thiện hoạt động thể lực

Cải thiện hoạt động thể thao

Lựa chọn loại nhạc phù hợp với bạn sẽ giúp bạn bắt đầu đi bộ, tập chạy, khiêu vũ, hay tập bất cứ hoạt động thể thao nào bạn thích dễ dàng hơn. Âm nhạc có thể khiến thể dục thể thao giống một thú vui hơn là một công việc. Hơn nữa, âm nhạc cải thiện hoạt động thể lực. Rất nhiều người cho biết khi họ vừa chạy vừa nghe nhạc, thời gian trôi nhanh hơn.

4 giả thiết chính giải thích việc âm nhạc khiến tập thể dục dễ dàng hơn là: giảm cảm giác mệt mỏi, tăng kích thích thần kinh, tạo phản ứng thư giãn về sinh lí và cải thiện sự phối hợp vận động.

Cải thiện chức năng vận động và phối hợp của cơ thể

Âm nhạc làm giảm căng cơ và cải thiện sự vận động cũng như sự phối hợp của cơ thể. Âm nhạc có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển, duy trì và phục hồi chức năng thể chất trong quá trình phục hồi chức năng của các bệnh nhân rối loạn vận động.

Giúp làm việc hiệu quả

Nghe các bản nhạc vui vẻ là một cách tuyệt vời để có thêm năng lượng làm việc. Âm nhạc có thể loại bỏ một cách hiệu quả sự mệt mỏi do hoạt động thể lực hoặc các triệu chứng mệt mỏi gây ra bởi những công việc đơn điệu. Hãy luôn nhớ rằng nghe quá nhiều nhạc pop và hard rock có thể khiến bạn bồn chồn hơn là tràn đầy năng lượng. Hãy nghe nhiều loại nhạc khác nhau và tìm ra loại nhạc phù hợp nhất với bạn.

Âm nhạc thực sự có thể nâng cao năng suất làm việc của bạn. Theo một báo cáo trên tờ tạp chí Neuroscience of Behavior and Physiology (Thần kinh học về hành vi và sinh lý học), khả năng nhận thức các hình ảnh của con người, bao gồm cả chữ cái và các số, nhanh nhạy hơn khi họ nghe nhạc rock hoặc nhạc cổ điển khi làm việc.

Giảm căng thẳng, giúp dễ ngủ

Nhạc cổ điển thư giãn là một công cụ an toàn, ít tốn kém và dễ kiếm để chữa bệnh mất ngủ. Rất nhiều người mắc chứng mất ngủ thấy rằng nhạc của Bach có lợi cho họ. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng chỉ cần nghe nhạc thư giãn khoảng 45’ trước khi đi ngủ, bạn đã có thể có một đêm ngon giấc.

Nhạc thư giãn làm giảm hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, giảm căng thẳng, hạ huyết áp, nhịp tim và nhịp thở, và có thể có tác động tốt đến giấc ngủ qua việc giúp thư giãn cơ và đánh lạc hướng các suy nghĩ.

Âm nhạc giúp dễ ngủ hơn
Âm nhạc giúp dễ ngủ hơn

Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác dụng thư giãn của âm nhạc có thể thấy được ở tất cả mọi người, kể cả trẻ sơ sinh. Một trong những lợi ích lớn nhất của âm nhạc là nó có thể được sử dụng ngay cả khi bạn đang làm những công việc thường ngày, bởi vậy nó không làm tốn thời gian của bạn. Vậy âm nhạc làm giảm căng thẳng như thế nào?

Giúp thư giãn cơ thể: Âm nhạc có thể giúp giảm căng cơ, cho phép bạn giảm bớt một số căng thẳng trong ngày.

Trợ giúp các hoạt động làm giảm căng thẳng: Âm nhạc có thể giúp bạn tập yoga, tự thôi miên và thực hiện các bài tập giảm căng thẳng khác một cách hiệu quả hơn, giúp bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng khi tập và phục hồi sức khỏe sau khi tập, và giúp đánh tan mệt mỏi khi bạn ngâm mình trong bồn tắm.

Giảm các cảm xúc tiêu cực: Âm nhạc, đặc biệt là các giai điệu vui vẻ, có thể làm bạn quên đi những điều khiến bạn căng thẳng, và giúp bạn cảm thấy lạc quan. Điều này giúp giải tỏa căng thẳng và giúp bạn tránh bực mình vì những chuyện vặt vãnh trong tương lai. Các nhà khoa học đã thấy rằng âm nhạc có thể làm giảm lượng cortisol, một hoocmon gây căng thẳng được sản sinh bởi cơ thể khi bị căng thẳng.

Cải thiện tâm trạng và làm giảm trầm cảm

Âm nhạc giúp cải thiện tâm trạng
Âm nhạc giúp cải thiện tâm trạng.

Tất cả mọi nền văn hóa đều biết đến âm nhạc như một liều thuốc bổ cho tinh thần. Rất nhiều người thấy rằng âm nhạc làm họ có tinh thần hơn. Các nghiên cứu thời hiện đại có xu hướng khẳng định các lợi ích về tâm lí trị liệu của âm nhạc. Các loại nhạc vui tươi (VD: Mozart, Vivaldi, bluegrass, Klezmer, Salsa, reggae) là những sự trợ giúp tốt nhất cho những người đang buồn chán.

Theo SK&ĐS

TIN LIÊN QUAN