Tại sao chỉ có Hữu Thắng phải chịu trách nhiệm về thất bại của U22 Việt Nam?

13/09/2017 15:54

(Baonghean.vn) - Nền bóng đá Việt Nam đang thấp hơn Thái Lan và một vài nước trong khu vực là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

“Có 2 nguyên nhân chính dẫn tới thất bại. Thứ nhất là cách xoay vòng, sử dụng lực lượng không tốt. Thứ 2 là xây dựng tâm lý cho các tuyển thủ kém. Đây là trách nhiệm của HLV trưởng và HLV Hữu Thắng phải chịu trách nhiệm” - ông Nguyễn Sỹ Hiển - Chủ tịch Hội đồng HLV Quốc gia đã trả lời về nguyên nhân thất bại của đội tuyển U22 Việt Nam như thế.

Người xưa có câu, "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên", điều này đúng với Hữu Thắng trong vai trò HLV trưởng tại SEA Games vừa qua.

Ông Hiển đã bắt “đúng bệnh” khi phát biểu: “SEA Games rất khốc liệt, mật độ thi đấu dày trung bình 2 trận/ngày dưới những điều kiện thời tiết khác nhau khi nắng nóng vào buổi chiều, lúc mát vào buổi tối. Vậy nhưng trận nào HLV Hữu Thắng cũng đưa ra gần như 1 đội hình và đá theo một cách".

Nhưng nếu chỉ mình Hữu Thắng chịu trách nhiệm là không công bằng và như thế tất nhiên không thể “bốc thuốc chữa bệnh” chính xác.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân

Nền bóng đá Việt Nam đang thấp hơn Thái Lan và một vài nước trong khu vực là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, khiến chúng ta loay hoay mãi vẫn không sao có tấm HCV SEA Games.

HLV Hữu Thắng đứng ra nhận trách nhiệm thất bại tại SEA Games 29. Ảnh: AT
HLV Hữu Thắng đứng ra nhận trách nhiệm thất bại tại SEA Games 29. Ảnh: An Thanh

Nền bóng đá thấp sẽ không "đẻ" ra được các nhà quản lý, các HLV giỏi, bản lĩnh cũng như không có trong tay những tuyển thủ đẳng cấp. Nếu có vô địch một giải đấu cũng đơn thuần chỉ là may mắn chứ không phải là đẳng cấp của đội tuyển. Để có đẳng cấp, thành tích phải được lặp đi, lặp lại nhiều lần trong khoảng thời gian dài chứ không chỉ là 1 chiếc cúp vàng như năm 2008 chúng ta từng có.

Bóng đá cần những cầu thủ có năng lực nhưng với lực lượng mỏng, việc phải trông cậy Tuấn Anh - một cầu thủ gần nửa năm không đá V-League là bài học đắt giá cho các nhà cầm quân. Việc liên tục cho Văn Toàn, Văn Thanh, Công Phượng… "cày ải" có phải do chúng ta chỉ có chừng nấy cầu thủ không?

Các nhà chuyên môn cũng thẳng thắn thừa nhận, nếu có thắng Indonesia thì đội tuyển của HLV Hữu Thắng cũng khó lòng đi đến trận chung kết. Đến trận chung kết được cũng khó lòng vô địch được, đó là sự thật mà chúng ta cần phải đối diện khi phân tích.

Bài học từ Hữu Thắng

Không ai hiểu thực lực đội tuyển bằng Hữu Thắng. Theo dõi cách cầm quân của ông thầy xứ Nghệ bấy lâu mới biết, BHL chúng ta chọn phương án cầm hòa Indonesia, Thái Lan nên cần bàn thắng cách biệt ở 3 trận đầu tiên.

Quang cảnh buổi họp của VFF phân tích nguyên nhân thất bại của U22 VN. Ảnh: AT
Quang cảnh buổi họp của VFF phân tích nguyên nhân thất bại của U22 VN. Ảnh: An Thanh

Do phương án như thế nên dù hơn quân số đến 30 phút mà Hữu Thắng cũng không mạo hiểm rút hậu vệ ra, thay tiền đạo vào. Cũng không phải “trận nào HLV Hữu Thắng cũng đưa ra gần như 1 đội hình”, có hai “con bài” mà ông thầy này gửi gắm, đến trận thứ 4 gặp Indonesia mới “lộ tẩy” chính là Văn Khánh, Tuấn Tài.

Có điều, những tính toán của Hữu Thắng đã phá sản một phần do không may mắn, phần khác đối thủ đẳng cấp hơn chúng ta nghĩ.

Đối đầu mới thấy, so với HLV Luis Milla của Indonesia, HLV Worrawoot Srimaka của Thái Lan thì năng lực cầm quân của Hữu Thắng không bằng. Bản thân Worrawoot Srimaka cũng không khỏi ngạc nhiên khi người đồng nghiệp đối diện lại mạo hiểm bố trí cặp tiền vệ trung tâm Xuân Trường, Anh Tuấn hệt như đá với Đông Timor.

Tất nhiên, ông thầy người Thái đã không khó hóa giải thế trận mà mình buộc phải thắng bằng chiến thắng 3-0 tưng bừng. Điều người viết muốn nói, vai trò của VFF ở đâu khi HLV Hữu Thắng từ chối sự có mặt của GĐKT Jurgen Gede - người có chuyên môn cao, am hiểu bóng đá khu vực.

Đó là chưa kể HLV Hoàng Anh Tuấn sau những “lùm xùm” với bầu Đức, rốt cuộc cũng không ngồi cùng cabin kỹ thuật với BHL. Vai trò HLV trưởng đòi hỏi dấu ấn cá nhân nhưng muốn thành công phải có cộng sự giỏi, Hữu Thắng đã phải trả giá vì cái tôi của mình nhưng bài học kinh nghiệm thì còn nguyên tính thời sự.

Trong buổi họp báo, một đồng nghiệp của chúng tôi đã đặt câu hỏi cho VFF: “Chúng ta đã nhìn thấy những hạn chế về cách sử dụng lực lượng và điều chỉnh tâm lý cho cầu thủ của HLV Hữu Thắng từ bao giờ và đã góp ý chưa? Hay tới sau thất bại SEA Games mới nói?” thì tất cả đều tỏ ra khá... ngỡ ngàng!

Với cách làm này, độ 2 năm nữa, lại những con người này sẽ có dịp ngồi lại với nhau rút kinh nghiệm tiếp là điều được dự báo từ lúc này.

An Thanh

TIN LIÊN QUAN