Phần lớn người dân đang vi phạm khi khai thác quả bon bo
(Baonghean.vn) - Hầu hết số hạt bon bo đang được thu hái, mua bán và vận chuyển tiêu thụ ở địa bàn các huyện miền núi Nghệ An đang là mặt hàng vi phạm luật lâm sản.
Người dân xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn đi thu hái quả bo tại. Ảnh: Lữ Phú |
Hiện đang là mùa thu hoạch quả bon bo ở khu vực miền Tây Nghệ An. Quả bon bo còn gọi là bo bo, mạc cà, cọ cà... là cây hoang dại phân bố rộng rãi trên đất lâm nghiệp; sinh trưởng, phát triển dưới tán rừng tự nhiên.
Theo phân loại của Tiến sỹ Nguyễn Quốc Bình - Trung tâm bảo tàng thiên nhiên, Viện khoa học Việt Nam thì cây bon bo có tên phổ thông là Riềng Quảng Tây, tên khoa học là Alpinia Kwwangsiensis T.L Wussj. Chen thuộc Chi Riềng - Alpinia, họ Gừng (Zingiberaceae). Bon bo sau khi thu hái trên rừng về được người dân sơ chế, bóc vỏ sau đó nhập cho tư thương thu mua. Người dân cho biết, bon bo chủ yếu được bán sang thị trường Trung Quốc làm thuốc. |
Trong những năm qua, quả bon bo đang mang lại lợi ích kinh tế gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ rừng nên nhiều hộ đồng bào dân tộc ở Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương... đã biết tự bảo vệ, phát triển cây bon bo trên đất vườn, đất rừng khoán cho các hộ dân theo Nghị định 163 của Chính phủ (gọi tắt là đất 163).
Và đặc biệt, một số chính sách của tỉnh Nghệ An về hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp miền núi cũng đưa cây bon bo vào danh mục cần phát triển ở một số huyện miền núi Nghệ An. Ngoài ra, một số dự án đầu tư của nước ngoài, các tổ chức quốc tế cũng hướng tới việc phát triển cây bon bo ở một số huyện miền núi Nghệ An như huyện Quế Phong, huyện Kỳ Sơn...
Những khu vườn trồng cây bon bo ở địa bàn huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Lữ Phú |
Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển, khai thác và tìm đầu ra cho quả bon bo của bà con miền núi lại đang gặp phải những vấn đề về pháp lý,
Cây bon bo được xếp vào nhóm lâm sản ngoài gỗ không thuộc loài nguy cấp, quý hiếm, loài được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật. Việc khai thác quả bon bo đang được thực hiện hiện theo Điều 11, mục 2 - Thông tư 21 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Và việc vận chuyển được áp dụng theo Thông tư 01 năm 2012 cũng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tại các Thông tư nói trên đều quy định, đối với lâm sản ngoài gỗ như quả bon bo, trong khi khai thác ở rừng tự nhiên đều phải có hồ sơ, thủ tục hợp pháp. Với những khu rừng chưa được giao khoán đến từng hộ dân hoặc được giao khoán nhưng chưa được cấp bìa đỏ (bìa 163) thì cần làm hồ sơ thủ tục gửi UBND tỉnh để được cấp phép khai thác.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở Nghệ An hiện nay, ngoài huyện Quế Phong, hầu hết người dân các địa phương khác khai thác quả bon bo bán cho các thương lái đều không làm thủ tục xin phép khai thác loại lâm sản phụ này. Bà con cho rằng họ đang khai thác quả bon bo trên diện tích rừng 163 của gia đình nên không việc gì phải làm đơn từ hay hồ sơ nữa.
Còn một bộ phận người dân có hiểu biết khác thì cho rằng, họ chỉ khai thác với số lượng ít ỏi nên ngại làm hồ sơ, thủ tục.
Trong những ngày gần đây tại các xã: Nam Sơn, Bắc Sơn (Qùy Hợp) nhiều người dân rủ nhau lên rừng hái quả bon bo về bán cho các tư thương. Giá bán mỗi kg bon bo khô từ 20.000 - 22.000 đồng/1kg. Ngoài Quỳ Hợp, một số huyện miền núi Nghệ An khác như Con Cuông, Quỳ Châu... cũng có hiện tượng người dân thu hái quả bon bo từ rừng về chế biến rồi bán cho các tư thương.
Người dân xã Châu Thôn, huyện Quế Phong chế biến quả bon bo. Ảnh: Hồ Phương |
Ông Trần Đức Lợi - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quỳ Hợp cho biết, hiện tại trên địa bàn hai xã Nam Sơn và Bắc Sơn chưa có hộ dân nào lập hồ sơ để xin phép được khai thác quả bon bo.
Ở các huyện miền núi Nghệ An (ngoài huyện Kỳ Sơn), nơi phần lớn người dân đã được cấp bìa đỏ theo nghị định 163. Chủ rừng sẽ được phép khai thác quả bon bo nói riêng và các lâm sản phụ từ rừng nói chung khi đã hoàn thành thủ tục và được cho phép (nếu đủ điều kiện) của các cấp ngành liên quan.
Những ngày vừa qua, bà con ở huyện miền núi Kỳ Sơn cũng đang khẩn trương thu hái quả bon bo về chế biến và bán cho tư thương. Hiện trên địa bàn huyện miền núi này, mỗi ngày đang có hàng chục tấn hạt bon bo được bán cho các thương lái. Giá của mỗi bon bo khô cũng giao động từ 18.000 - 25.000đồng/kg.
Kỳ Sơn được xem là một trong những huyện có diện tích cây bon bo lớn nhất tỉnh Nghệ An, ngoài diện tích cây bon bo do người dân trồng theo mô hình dự án ở các xã như: Tây Sơn, Huồi Tụ, Mường Lống thì ở các xã khác như: Bảo Nam, Bảo Thắng... cũng có khá nhiều cây bon bo mọc tự nhiên.
Ông Nguyễn Quốc Minh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn cho biết, chưa nhận được bộ hồ sơ nào để xin khai thác quả bon bo ở trên địa bàn các xã.
Tuy nhiên, cũng theo ông Minh cho biết, do toàn bộ rừng trên địa bàn huyện chưa cấp bìa đỏ (bìa 163) cho người dân nên “nếu có làm hồ sơ chúng tôi cũng không thể ký”.
Như vậy, hiện tại, phần lớn những hộ dân đang thu hái quả bon bo từ rừng tự nhiên đều đang vi phạm quy định bảo vệ rừng. Và những người thu mua, vận chuyển loại quả này cũng bị xem là vi phạm luật khai thác, mua bán và vận chuyển các loại lâm sản phụ ngoài tre, nứa.
Các tư thương thu mua hạt bon bo khô trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Lữ Phú |
Trao đối với ông Hồ Sỹ Trung - Đội trưởng Đội Kiểm lâm Cơ Động và Phòng chống cháy rừng số 2 (trụ sở đóng tại huyện Đô Lương) được biết. Trong năm 2017, đơn vị này đã bắt giữ 1 xe tải chở quả bon bo đi tiêu thụ. Tại thời điểm bắt giữ, lái xe đã không xuất trình được các giấy tờ hợp lệ về việc thu mua loại quả này. Cũng theo ông Trung, trường hợp trên có 1,5 tấn bon bo khô và bị xử phạt tổng cộng là 30 triệu đồng theo luật định./.
Hồ Phương
TIN LIÊN QUAN |
---|