Luân chuyển cán bộ theo Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị: Đảm bảo 'đúng người, đúng việc, đúng thời điểm'

16/09/2017 09:55

(Baonghean) - Một trong những nhiệm vụ đặt ra cho công tác cán bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 của tỉnh Nghệ An đó là xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Muốn vậy, cấp ủy đảng các cấp phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về lý luận và thực tiễn thông qua công tác điều động, luân chuyển, tạo điều kiện cho cán bộ thử sức ở những môi trường khác nhau.

Làm tốt công tác tư tưởng

Trao đổi của đồng chí Trương Hồng Phúc - Bí thư Huyện ủy Đô Lương, cho rằng: Công tác điều động, luân chuyển cán bộ là việc làm có tính nhạy cảm, đòi hỏi phải thận trọng, chặt chẽ, có lộ trình phù hợp, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, công tâm, khách quan, nằm trong quy hoạch và kế hoạch; kết hợp làm tốt công tác tư tưởng, công tác tổ chức nơi đi và nơi đến, tránh làm ồ ạt, tràn lan, chạy theo số lượng...

Đối với các chức danh được điều động giữ các chức vụ thông qua bầu cử thì cấp ủy đảng phải lãnh đạo thực hiện tốt các quy định của tổ chức Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ. Quá trình thực hiện luân chuyển đảm bảo không làm “đội” biên chế, không làm xáo trộn cơ sở.

Đối với cán bộ luân chuyển ngang phải gắn với quy hoạch chuyên môn và năng lực, sở trường. Điều quan trọng phải làm cho cán bộ thấy được việc luân chuyển là để trưởng thành và có cơ hội phát triển.

Từ thực tế thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, đồng chí Lữ Văn May - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tương Dương chia sẻ: Không chỉ làm tốt công tác tư tưởng trước luân chuyển, mà sau khi điều động, luân chuyển cấp ủy cũng phải thường xuyên quan tâm, nắm tình hình, giúp đỡ cán bộ luân chuyển, nhất là ở giai đoạn đầu chưa quen người, quen việc để có giải pháp tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. Mặt khác, để tạo động lực cho cán bộ yên tâm phấn đấu, tổ chức cần bảo đảm sự công bằng, chính xác khi đánh giá kết quả công việc của cán bộ luân chuyển.

Đồng chí Phạm Ngọc Nghĩa (thứ 2 từ phải qua), Bí thư Đảng ủy xã Tiền Phong trao đổi với dân bản. Ảnh: P.V
Đồng chí Phạm Ngọc Nghĩa (thứ 2 từ phải qua), Bí thư Đảng ủy xã Tiền Phong trao đổi với dân bản. Ảnh: P.V

Tại huyện Diễn Châu, khi có thông báo luân chuyển, Thường trực Huyện ủy sẽ tiến hành làm việc với cấp ủy nơi đến để nghe những khó khăn, những vấn đề mà cơ sở cần; gặp gỡ cán bộ trong diện điều động, luân chuyển để nghe chương trình hành động cũng như tâm tư, nguyện vọng của cán bộ. Từ đó tạo điều kiện và tâm thế tốt nhất cho người được luân chuyển khi về tiếp nhận công tác mới ở cơ sở.

Định kỳ hàng năm, Huyện ủy đều làm việc với đơn vị có cán bộ luân chuyển đến để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của người luân chuyển và nghe kế hoạch thực hiện năm tiếp theo, trên cơ sở đó bổ cứu, góp ý và giúp cán bộ tạo bước chuyển mới cho địa phương, đơn vị.

Bản thân các cán bộ luân chuyển đều cho rằng, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, họ cần sự đồng thuận, ủng hộ từ phía cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng như sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của cấp trên. Nhất là trong trường hợp nơi luân chuyển đến cấp ủy, chính quyền địa phương còn mang nặng tâm lý cục bộ, có tư tưởng sợ “mất ghế” khiến cán bộ luân chuyển khó làm việc, khó hòa nhập.

Bên cạnh công tác tư tưởng, cần coi trọng công tác kiểm tra, giám sát gắn với xây dựng các quy định cụ thể, đủ mạnh để đưa ra khỏi quy hoạch những người thực hiện luân chuyển mà không khẳng định được năng lực, trách nhiệm yếu, tư tưởng “giữ an toàn” để đợi ngày trở về.

Tháo gỡ bất cập trong cơ chế, chính sách

Để khuyến khích cán bộ luân chuyển yên tâm công tác, hiện nay, một số địa phương đã quan tâm đến việc đảm bảo chế độ, chính sách cho cán bộ. Như ở Đô Lương, huyện đã thực hiện một số chính sách như hỗ trợ tiền xăng xe; cán bộ đi cơ sở vẫn hưởng nguyên lương cũng như các chế độ khác và biên chế ở huyện, còn suất lương theo chức danh ở cơ sở giao cho địa phương sử dụng để chi trả thêm cho cán bộ bán chuyên trách hoặc các việc hành chính khác phục vụ chính địa phương.

Tại Tân Kỳ, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết số 52/2013/NQ-HĐND về việc hỗ trợ cho cán bộ điều động, luân chuyển có thời hạn từ huyện về công tác ở các xã, thị trấn. Trên cơ sở đó, cấp ủy các cấp và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo tương đối chế độ, chính sách cho cán bộ được luân chuyển, điều động.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, ổn định đời sống cho cán bộ luân chuyển, nhất là đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, Trung ương và tỉnh cần nghiên cứu đưa ra quy định cụ thể, tạo sự đồng bộ, thống nhất về các chính sách hỗ trợ (trợ cấp ban đầu, phụ cấp, sinh hoạt phí hàng tháng, hỗ trợ phương tiện đi lại…) tránh mỗi nơi vận dụng mỗi kiểu như hiện nay.

Từ thực tiễn luân chuyển cán bộ từ huyện về xã gặp khó do không có "chỗ trống", một số địa phương đề nghị Tỉnh ủy nghiên cứu, đề xuất Trung ương cho bố trí tăng thêm chức danh phó bí thư đảng ủy hoặc phó chủ tịch UBND cấp xã để luân chuyển cán bộ cấp huyện về giữ các chức danh này. Một số địa phương cũng đề nghị Tỉnh ủy xem xét không thực hiện luân chuyển đối với các đồng chí đã giữ chức danh ủy viên BTV huyện ủy, phó chủ tịch HĐND - UBND cấp huyện (đương nhiệm).

Theo đồng chí Nguyễn Trọng Hoàng - Bí thư Huyện ủy Tương Dương: Khác với việc luân chuyển từ cấp tỉnh về huyện (biên chế và các chế độ chính sách đối với cán bộ do cơ quan mới đảm bảo), cán bộ huyện luân chuyển về xã, thì biên chế và các chế độ chính sách cơ bản vẫn do cơ quan cũ đảm bảo, do đó việc tăng thêm một số chức danh ở cấp xã để thực hiện luân chuyển cán bộ không làm phát sinh thêm kinh phí.

Trên cơ sở xem xét kiến nghị của địa phương, ngày 12/7/2017 Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo số 707 TB/TU điều chỉnh bổ sung Nghị quyết số 02 NQ-TU của BCH đảng bộ tỉnh về luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Trong đó điều chỉnh như sau: Những đồng chí đã là Ủy viên BTV cấp huyện thì không nhất thiết phải qua chủ trì cơ sở (xã, phường, thị trấn) khi xem xét, bổ nhiệm chức vụ cao hơn. Những đồng chí chưa phải là ủy viên BTV cấp huyện, có quy hoạch chức danh Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cấp huyện nhất thiết phải qua chủ trì cơ sở (Bí thư đảng ủy, Chủ tịch UBND xã phường, thị trấn); các trường hợp khác khuyến khích qua chủ trì cơ sở.

Những nơi có khó khăn trong việc bố trí luân chuyển về xã, thị trấn (do số lượng chức danh chủ trì cơ sở có thể bố trí luân chuyển quá ít) thì chỉ yêu cầu luân chuyển đối với các đồng chí được quy hoạch chức danh Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cấp huyện. Đây là sự điều chỉnh kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ về cơ sở hiện nay.

Đồng chí Võ Quang Minh - Chủ tịch UBND xã Đông Sơn (Đô Lương) trao đổi với phóng viên về công tác luân chuyển cán bộ chủ chốt giữa các xã với nhau. Ảnh: P.V
Đồng chí Võ Quang Minh - Chủ tịch UBND xã Đông Sơn (Đô Lương) trao đổi với phóng viên về công tác luân chuyển cán bộ chủ chốt giữa các xã với nhau. Ảnh: P.V

Luân chuyển đúng người, bố trí đúng việc

Từ thực tiễn luân chuyển cán bộ, đồng chí Lang Văn Xuân - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quỳ Châu cho rằng: Muốn công tác luân chuyển hiệu quả, phải căn cứ sở trường, năng lực của cán bộ, nhiệm vụ chính trị của địa phương và ý định bố trí cán bộ sau luân chuyển để chọn lựa cán bộ, địa bàn luân chuyển cho phù hợp; chống tư tưởng cục bộ, khép kín không muốn nhận người từ nơi khác đến hoặc lợi dụng để luân chuyển đưa người trung thực, thẳng thắn, có năng lực nhưng lại không hợp với mình đi nơi khác.

Đồng chí Lữ Đình Thi - Bí thư Huyện ủy Quế Phong cũng khẳng định: Trước khi điều chuyển, BTV Huyện ủy phải đánh giá đúng cán bộ từ trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực và triển vọng phát triển. Và trên cơ sở nhu cầu của từng địa phương để cân nhắc, lựa chọn cán bộ (trong diện quy hoạch) đưa xuống cho phù hợp với cơ sở, đồng thời có thể phát huy năng lực của người được luân chuyển. Việc luân chuyển cán bộ đúng người, đúng việc, đúng thời điểm sẽ tạo sự đồng thuận, thống nhất trong công tác cán bộ.

Ở một góc độ khác, đồng chí Hoàng Văn Bộ - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳnh Lưu cho rằng: Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy xác định rõ, khi hết thời hạn luân chuyển, cán bộ được đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ sẽ được bố trí ở chức vụ cao hơn; cán bộ hoàn thành nhiệm vụ được bố trí chức vụ tương đương; cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ cần xem xét cụ thể để bố trí lại công tác khác cho phù hợp. Điều này có tác động tích cực, tạo động lực để cán bộ luân chuyển phấn đấu, cống hiến.

Vấn đề đặt ra là công tác đánh giá, nhận xét cán bộ luân chuyển, điều động phải thực sự khách quan, công tâm, tránh nể nang, hình thức; lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, phong trào ở địa phương, đơn vị mà cán bộ phụ trách làm thước đo đánh giá...

Trao đổi về công tác luân chuyển cán bộ, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định, việc BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 02 có ý nghĩa quan trọng góp phần đào tạo, giáo dục, rèn luyện, thử thách cán bộ qua thực tiễn nhằm tạo nguồn cán bộ trước mắt và lâu dài; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng mà Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.

Để Nghị quyết 02 đi vào thực tiễn có hiệu quả, các cấp ủy đảng và mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ: công tác luân chuyển, điều động cán bộ, đảng viên là việc làm thường xuyên, bình thường trong công tác cán bộ. Vì vậy, cần có kế hoạch cụ thể cũng như chiến lược để tạo nguồn cán bộ trước mắt cũng như lâu dài.

Trong thực hiện công tác luân chuyển, điều động phải đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất của cấp ủy đảng, tiến hành dân chủ, công khai, chặt chẽ, thận trọng, kiên quyết, đúng quy trình. Và điều căn bản để tránh bệnh hình thức trong luân chuyển cán bộ là phải “đánh giá đúng người, sử dụng đúng việc” và nhận thức đúng mục đích: luân chuyển để phục vụ cho việc Đảng, việc dân, vì sự phát triển chung.

Ngày 15/3/2016, BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết số 02 về luân chuyển, điều động đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016 - 2020 với nhiều điểm mới, trong đó xác định rõ: đối tượng luân chuyển, điều động (LC, ĐĐ) bao gồm đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, không riêng cán bộ lãnh đạo, quản lý như trước đó; thời gian LC, ĐĐ, ít nhất từ 3 năm trở lên đối với nam và ít nhất 2 năm trở lên đối với nữ.

Hết thời hạn LC, ĐĐ, cán bộ được đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được đề nghị bố trí ở chức vụ cao hơn; hoàn thành nhiệm vụ được đề nghị bố trí chức vụ tương đương; không hoàn thành nhiệm vụ sẽ xem xét cụ thể để bố trí lại công tác khác cho phù hợp.

Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xây dựng kỷ luật, kỷ cương của Đảng trong LC, ĐĐ cán bộ.


Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN