Màn răn đe Trung Quốc của tàu ngầm hạt nhân Mỹ

16/08/2017 06:58

Đáp trả việc Bắc Kinh liên tiếp thử tên lửa năm 2010, Washington cho ba tàu ngầm hạt nhân đồng loạt nổi tại các vùng biển quanh nước này.

man-phoi-hop-ran-de-trung-quoc-cua-ba-tau-ngam-hat-nhan-my

Tàu ngầm USS Ohio tuần tra trên Thái Bình Dương. Ảnh: Wikipedia.

Để răn đe đối phương, Mỹ thường phô trương sức mạnh bằng lực lượng oanh tạc cơ chiến lược. Tuy nhiên, vào năm 2010, Mỹ có động thái bất thường khi để ba tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình nổi lên cùng lúc tại các vùng biển quanh Trung Quốc nhằm truyền thông điệp răn đe mạnh mẽ tới quốc gia này, theo War Is Boring.

Forrest Morgan, chuyên gia phân tích tại Viện RAND, cho rằng oanh tạc cơ hạng nặng là một trong những vũ khí tốt nhất để "ổn định khủng hoảng". Đây là cách phô trương sức mạnh quân sự và gửi thông điệp rất mạnh, cho phép một quốc gia tránh nguy cơ chiến tranh mà không cần nhượng bộ đối thủ.

Trong khi đó, tàu ngầm mang tên lửa hành trình của hải quân Mỹ là công cụ kém hiệu quả trong việc ổn định khủng hoảng, bởi chúng luôn ẩn mình trong lòng biển, thậm chí gây phản tác dụng và góp phần gây thêm bất ổn. Tuy nhiên, việc nhiều tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của hải quân Mỹ đồng loạt nổi lên quanh Trung Quốc lại mang tới hiệu quả không ngờ, góp phần giúp Washington giải quyết khủng hoảng với Bắc Kinh.

Trong tháng 7/2010, sau khi Trung Quốc liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa ở biển Hoa Đông, ba tàu ngầm lớp Ohio gồm USS Michigan ở Pusan, Hàn Quốc, USS Ohio tại vịnh Subic, Philippines và USS Florida ngoài khơi tiền đồn chiến lược Diego Garcia trên Ấn Độ Dương bỗng đồng loạt nổi lên trên mặt biển.

Sự xuất hiện công khai của ba tàu ngầm chiến lược này không chỉ thể hiện sự gia tăng hoạt động tàu ngầm Mỹ ở Đông Á, mà còn mang theo thông điệp răn đe mạnh mẽ.

man-phoi-hop-ran-de-trung-quoc-cua-ba-tau-ngam-hat-nhan-my-1

Ba tàu ngầm cùng nổi lên dù ở cách nhau hàng nghìn km. Ảnh: Wikipedia.

Ba tàu ngầm mang theo tổng cộng 462 tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn tối đa 2.500 km. Chúng giúp tăng cường thêm 60% lực lượng tấn công bằng tên lửa Tomahawk của toàn Hạm đội 7 đóng tại Nhật Bản, lực lượng nòng cốt để triển khai sức mạnh Mỹ ở Đông Á.

Một cựu tùy viên quốc phòng Mỹ, người có liên hệ mật thiết với cả lãnh đạo hai nước, cho rằng 462 tên lửa hành trình Tomahawk là động thái răn đe mạnh mẽ hơn bất kỳ ngôn từ nào. Màn nổi cùng lúc của các tàu ngầm cho thấy Mỹ có khả năng đồng loạt tấn công Trung Quốc từ nhiều hướng mà không thể bị phát hiện.

"Điều này nhấn mạnh việc Washington quyết tâm duy trì sự thống trị quân sự ở châu Á, cũng là thông điệp cho tất cả các nước trong khu vực, chứ không chỉ riêng Bắc Kinh", tùy viên này cho biết.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN